Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

29 Tháng Ba 2024

Taxi truyền thống lấy gì để đấu với Grab?

Thứ Năm 12/04/2018 | 20:39 GMT+7

VH- Trong cuộc chiến với Uber và Grab, không ít các hãng taxi truyền thống làm ăn sa sút, lao đao. Sau khi Uber về tay Grab, các hãng taxi truyền thống đang tìm hướng nhằm tăng sức mạnh và sự đoàn kết để  “đấu” với Grab.

Theo báo cáo của đại diện hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM , chỉ riêng ở TP.HCM, 1/2 số đơn vị taxi thành viên Hiệp hội taxi ở TP. HCM đã tan rã, các đơn vị còn lại cũng giảm đến 30% số xe. Tại Hà Nội số lượng đầu xe cũng giảm trên 35% số lượng đầu phương tiện. Tuy nhiên, sau thương vụ Uber sáp nhập vào Grab, taxi truyền thống chỉ còn một đối thủ “khổng lồ” là Grab. Nhiều ý kiến lo ngại taxi truyền thống sẽ bị lấn lướt nhiều hơn trước đây, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây cũng là thời cơ để “phản đòn”.  Bởi  Didi Chuxing , công ty chia sẻ phương tiện lớn nhất Trung Quốc  đã đánh bại Uber hay ứng dụng đặt xe của Go-Jek  của Indonesia  đã đánh bại Uber, Grab trên sân nhà là  động lực để các hãng taxi truyền thống của Việt Nam học hỏi và tìm ra hướng đi.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng việc Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Theo ông Hùng, việc Grab thành công ở Đông Nam Á, giành lại thị phần của Uber, là ví dụ rất sinh động các doanh nghiệp ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam có thể trưởng thành, đứng vững trên thị trường của mình. Điều này tạo cảm hứng, và niềm tin tốt đẹp cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng nhận định “cuộc hôn nhân” của Uber, Grab khiến các hãng taxi Việt Nam cạnh tranh khó khăn hơn. Lâu nay, 77 doanh nghiệp taxi hoạt động ở Hà Nội hoạt động theo kiểu “một chiếc đũa”, bị chia nhỏ. Ai cũng có ứng dụng, kênh kết nối riêng của mình. Trước thực tế hiện nay, taxi Hà Nội phải đoàn kết. Theo đó, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội đã đề xuất làm tổng đài chung cho các hãng nhưng doanh nghiệp taxi hoạt động lâu năm, có tên tuổi không ủng hộ. Sau đó, Hiệp hội kiến nghị xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng.

“ Hiện chúng tôi đang lựa chọn các nhà cung cấp xây dựng ứng dụng để làm sao khi khách vào thành phố, tải ứng dụng thì có thể tìm được tất cả taxi của các hàng gần đó, hiển thị giá cước, số xe, tên tài xế và cung đường di chuyển. Điều hành ứng dụng này có một bộ phận pháp chế để theo dõi hành trình phục vụ khách và xử lý khi có sự cố  hay khiếu kiện của khách. Giá cước sẽ có mức giá sàn, giá sàn và ổn định chứ không tăng vào giờ cao điểm như Grab. Tuy nhiên, việc quy tụ các hãng để chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các hãng cũng là một việc không phải  đơn giản”, ông Nguyễn Công Hùng nói.  

Cũng  theo ông  Hùng, sau khi Grab và Uber vào Việt Nam và làm mưa làm gió, khuấy đảo thị trường taxi, các hãng taxi truyền thống cũng đã “giật mình” nhìn lại để điều chỉnh mình, nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ. Sau hai năm vừa rồi, các hãng taxi cũng đã tuyên truyền, đào tạo lại đội ngũ lái xe về luật pháp, đảm bảo an toàn và văn hóa ứng xử. Về chất lượng xe, thái độ phục vụ sẽ tốt hơn nhằm lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đang đề  xuất biển xe kinh doanh sơn màu vàng để quản lý phương tiện. Việc này sẽ làm giảm  chi phí cho doanh nghiệp và quản lý hiệu quả hơn. Đơn cử vừa qua Hà Nội cắm biển cấm taxi và xe hợp đồng ở 13 tuyến đường, nhưng để phân biệt và xử lý khó vì xe hợp đồng, đặc biệt là xe hợp đồng điện tử rất khó phân biệt để xử lý. Do đó, sự cạnh tranh sẽ không công bằng và bình đẳng. Tuy nhiên, đề xuất nhiều lần nhưng cũng chưa được phản hồi.

Trong khi các hãng taxi truyền thống đang loay hoay tìm hướng đi thích ứng với công nghệ 4,0 thì hai ứng dụng gọi xe của Didi Chuxing  (Trung Quốc ) hay Go-Jek  (Indonesia ) đã đăng ký tham gia vào thị  trường Việt Nam. Vắng Uber, không có nghĩa là các hãng taxi truyền thống của Việt Nam chỉ còn đối thủ duy nhất là Grab. Miếng bánh thị phần taxi dự kiến lại tiếp tục nóng lên. Với xu thế hiện nay, việc sử dụng các ứng dụng để gọi xe là điều tất yếu. Với phương thức kinh doanh kiểu cũ, không thích ứng với thời cuộc cũng như thiếu sự đoàn kết và một tiềm lực tài chính hùng hậu, taxi truyền thống lại lao đao.

Hoàng Anh

 

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), tại buổi làm việc với đại diện hợp pháp của GrabTaxi, đại diện Grab chưa đưa ra được các căn cứ cụ thể chứng minh cho nhận định của mình về thị phần trên thị trường. GrabTaxi cho rằng thị phần kết hợp của Grab và Uber tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30%.

Chính vì vậy, Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã khuyến nghị công ty này cung cấp căn cứ nêu trên.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top