Bất cập truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm

VH-Trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng tràn ngập các bài viết về an toàn thực phẩm (ATTP), thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay khiến người dân hoang mang, lo ngại và không biết ăn gì để đảm bảo an toàn.

Đây là một trong những bất cập trong truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay. Thịt có chất tạo nạc, thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp phân urê, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, trái cây “tắm” trong hóa chất độc hại, bắt được hàng tạ chân gà bắt đầu phân hủy… Người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin nhưng truyền thông và các cơ quan có trách nhiệm lại không định hướng và xây dựng niềm tin cho người mua về những thực phẩm “sạch”, thực phẩm an toàn ở đâu.

Vấn đề này đã được đề cập tại hội thảo “Hợp tác truyền thông An toàn thực phẩm” do Trung tâm nghiên cứu Truyền thông Phát triển - thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) - phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức tại Hà Nội.

“Truyền thông về ATTP chưa kết nối được thực phẩm sạch/các địa chỉ xanh với người tiêu dùng, chưa công khai được cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, những thông tin truyền thông, tư vấn trực tiếp của cán bộ có chuyên môn về y tế, nông nghiệp hầu như chưa được quan tâm, kiến thức và hiểu biết về ATTP của người dân còn rất hạn chế”, ông Trần Ngọc Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nhấn mạnh. Đại diện Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Yến, Phó trưởng phòng Truyền thông Cục An toàn thực phẩm thừa nhận, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về ATTP dù đã được tăng cường, với nhiều hình thức đa dạng nhưng kết quả còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng nội dung thông tin không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân đối với công tác quản lý ATTP.

NGUYÊN KHANG

Ý kiến bạn đọc