Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

29 Tháng Ba 2024

Viết tiếp bài: "đột kích" đại công trường khai thác quặng trái phép: Đùn đẩy trách nhiệm

Thứ Tư 21/03/2018 | 10:14 GMT+7

VH-Để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong vụ việc rừng đầu nguồn thuộc tiểu khu 193, 203 bị triệt hạ, một diện tích rất lớn bị khai thác quặng trái phép, chúng tôi thật sự bất ngờ và khó hiểu trước những câu trả lời của người có trách nhiệm.

 Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 193

Ông Lê Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh khẳng định: “Tình trạng phá rừng tại tiểu khu 193 và 203 để đào đãi quặng vonfram đã diễn ra từ năm 2012. Khu rừng này đã được UBND tỉnh Khánh Hòa giao Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa (Lâm Sản) quản lý. Trước thông tin rừng bị phá UBND huyện có cắt cử lực lượng chức năng đi kiểm tra, nhưng phải nhấn mạnh rừng nơi đây không thuộc phạm vi quản lý của huyện”. Cũng theo ông Dũng, huyện Khánh Vĩnh không cấp phép khai thác khoáng sản tại tiểu khu 193, 203. Toàn bộ hoạt động khai thác vonfram tại đây là hoạt động chui, Công ty Lâm sản quản lý bảo vệ rừng thì họ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. “Vừa qua, UBND tỉnh đã giao lực lượng Công an tỉnh phối hợp Công an huyện điều tra làm rõ các vấn đề liên quan đến phá rừng, khai thác quặng vonfram trái phép. Những vấn đề đó chỉ có Công an mới nắm rõ và vẫn trong giai đoạn điều tra”, ông Dũng cho hay.

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa (Lâm Sản) lại cho rằng: “Rừng thì rộng bao la mà lực lượng của Công ty thì ít nên quản lý hết sức khó khăn. Khi mình vào hiện trường thì “lâm tặc” tản ra, rời hiện trường thì chúng lại vào đốn hạ rừng”. Cũng theo ông Tân, tiểu khu 193 và 203 là rừng phòng hộ đầu nguồn do công ty quản lý. Các đối tượng đào, đục khoét ở các tiểu khu 193, 203 khai thác quặng trái phép là có thật và khá phức tạp. Năm 2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh truy quét, chốt chặn, phá bỏ lán trại, hầm hào. “Mỗi năm, UBND tỉnh phải chi cả tỷ đồng, Công ty Lâm sản phải chi hàng trăm triệu đồng để đưa lực lượng vào tiểu khu 193 tháo dỡ lán trại, truy đuổi các đối tượng. Tỉnh giao Công an huyện Khánh Vĩnh xây dựng chốt canh gác tại chỗ, Công an huyện lại giao lại cho Công an xã”, ông Tân cho biết thêm.

Ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa (Sở NN&PTNT) cho biết: “Cho đến nay vẫn chưa thấy Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh báo cáo cụ thể về diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc tiểu khu 193 và 2003 tại xã Khánh Thành bị đốn hạ, bị triệt hạ nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh chưa nắm được. Hiện vụ việc phá rừng nói trên đã được UBND tỉnh giao cơ quan Công an tỉnh điều tra làm rõ”.

Trước đó, trong buổi làm việc với phóng viên Văn Hóa, ông Nguyễn Danh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh cho biết, muốn có số liệu cụ thể về vụ phá rừng tại tiểu khu 193 và 203 thì liên hệ với ông Trần Minh Thu, Phó chi cục Kiểm lâm tỉnh. Đó là quy định phát ngôn. Theo quan sát của phóng viên, trong lúc làm việc, ông Danh liên tục lấy điện thoại gọi điện, báo cáo sự việc với ông Thu về tình trạng phá rừng nơi đây. Nhưng khi được hỏi thì ông Thu cho rằng chưa nắm bắt cụ thể về diện tích rừng bị phá vì chưa được báo cáo. Dư luận cho rằng Chi cục Kiểm lâm, đơn vị quản lý rừng trong lúc “nước sôi lửa bỏng” lại có thể đứng ngoài cuộc hay sao?

Theo nguồn tin từ người dân địa phương, “lâm tặc”, “quặng tặc” lộng hành phá rừng, khai thác quặng vonfram trái phép từ nhiều năm trở lại đây nhưng không được triệt phá, xử lý triệt để là do có “bảo kê”? Điều người dân tiết lộ khiến chúng tôi giật mình, đó là những người bảo kê cho “lâm tặc”, “quặng tặc” lại chính là cán bộ bảo vệ rừng và có cả lực lượng công an xã (?). Phải chăng do có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi đây và có dấu hiệu “bảo kê” cho kẻ phá rừng, khai thác quặng trái phép nên mọi biện pháp ngăn chặn đều chỉ là... làm cho có?

 ​ Phải chăng do có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi đây và có dấu hiệu “bảo kê” cho kẻ phá rừng, khai thác quặng trái phép nên mọi biện pháp ngăn chặn đều chỉ là... làm cho có?

Xuân Hướng

 

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top