Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

29 Tháng Ba 2024

Khó như tuyển dụng lao động đầu năm?

Thứ Sáu 09/03/2018 | 09:33 GMT+7

VH-  Sau Tết, một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động để đáp ứng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị phần. Tuy nhiên, lượng người lao động tìm việc không nhiều.

Không biết có phải vì tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” hay không mà tại sàn Giao dịch việc làm Hà Nội (Sở LĐ,TB&XH) mở cửa ngay sau Tết (27.2) chỉ có vài người lao động đến tìm hiểu. Trong khi đó, tại phiên giao dịch này, có 51 doanh nghiệp tham gia với 586 vị trí việc làm. Các doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, chiếm hơn 88%. Điều này cho thấy sự thiếu hụt và biến động việc làm sau Tết ở ngành nghề này. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, hằng năm, cứ sau Tết là nhu cầu doanh nghiệp và người lao động đến để tuyển dụng và tìm việc làm tăng đáng kể. Nhưng năm nay, qua khảo sát và các kênh thông tin cũng như kết quả từ Phòng Dự báo thị trường lao động của Trung tâm thì nhu cầu này không đột biến như mọi năm.

“Mọi năm nhu cầu doanh nghiệp tuyển dụng 100 – 200 lao động là bình thường, nhưng năm nay thì số lượng doanh nghiệp tuyển dụng nhiều ít. Điều này còn cho thấy doanh nghiệp đã có những đãi ngộ nhằm giữ được chân người lao động, người lao động trung thành hơn với doanh nghiệp chứ không nhảy việc khi ra Tết. Còn nhu cầu tuyển dụng của Big C hay Vincom có thể chưa hẳn là biến động sau Tết. Hơn nữa, lao động phổ thông không phải là thế mạnh của thị trường Hà Nội, nhưng sắp tới, chúng tôi cũng sẽ hướng đến thị trường này”, ông Thành lý giải.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Long, một doanh nghiệp tại Hà Nội lại cho biết, không chỉ doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng thiếu người và cần tuyển dụng những vị trí việc làm có trình độ với mức lương khởi điểm là 6 triệu đồng và các khoản khác. Ngay trong năm 2017, công ty của ông Long cũng nhiều lần tham gia sàn giao dịch nhưng số lượng người đến tìm việc rất ít, có khi cả buổi sáng mới chỉ có vài người đến tìm hiểu, nên việc tuyển dụng nhiều khi làm mất thời gian của doanh nghiệp. Do đó, Trung tâm cần phải có những giải pháp để thu hút người lao động đến tìm việc, để có thể là cầu nối đáp ứng nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp.

Về điều này, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay: Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp nhận gói ứng dụng CNTT của Hàn Quốc tài trợ qua Bộ LĐ,TB&XH và sẽ thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM trị giá 3 tỷ won để doanh nghiệp và người lao động không phải đến sàn giao dịch mới tìm được nhu cầu của mình. Trong năm 2017, tại sàn giao dịch đã có hơn 5.700 doanh nghiệp với gần 80.000 vị trí việc làm và tuyển dụng hơn 22.600 người lao động trên tổng số 55.000 người lao động được phỏng vấn. Trong năm 2018 này, Trung tâm sẽ tổ chức 108 phiên giao dịch việc làm trong đó có 10 phiên giao dịch chuyên đề và 10 phiên giao dịch lưu động tại các quận, huyện, nhằm nâng cao tỉ lệ kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp và người lao động (năm 2017 là 41%).

QUỲNH HOA

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top