Lãng phí gần chục tỉ đồng từ dự án nuôi tôm, ai chịu trách nhiệm?

VH- 40 ao đầm nuôi tôm tại bãi Hà Đước (nối liền 2 xã Duy Phước, Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) do UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư, hoàn thành từ đầu năm 2017, song bỏ hoang hơn một năm nay gây lãng phí gần chục tỉ đồng?

Lãng phí gần chục tỉ đồng từ dự án nuôi tôm, ai chịu trách nhiệm? - Anh 1

Lãng phí gần chục tỉ đồng từ dự án nuôi tôm, ai chịu trách nhiệm? - Anh 2

 Đường nội bộ và bờ kè khu nuôi tôm bị xuống cấp

Từ dự án nuôi tôm quy mô lớn

Đây là dự án nuôi tôm nước lợ đầu tiên tại Quảng Nam mà cấp huyện tự ứng ngân sách thực hiện, với kỳ vọng hướng đến lợi ích kép: Tạo thuận lợi cho người dân và tạo tiền đề để tập trung hơn 100 ha diện tích nuôi tôm đang phân tán trên địa bàn, phát triển sản xuất hàng hóa, phục vụ xuất khẩu.

Theo thiết kế quy hoạch được phê duyệt, khu nuôi tôm nước lợ tập trung tại bãi Hà Đước - đội 8, thuộc hai xã Duy Vinh và Duy Phước được UBND huyện Duy Xuyên giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện làm đại diện chủ đầu tư; có tổng diện tích trên 15,2 ha; trong đó hơn 6,4 ha nằm trên địa bàn xã Duy Phước, 8,8 ha nằm trên địa bàn xã Duy Vinh; có tổng cộng 40 ao bao gồm 34 ao nuôi, 4 ao lắng và 2 ao thải với tổng vốn đầu tư khoảng 8,5 tỉ đồng.

Trước khi dự án nuôi tôm tại Hà Đước được triển khai, chính quyền cũng như người dân huyện Duy Xuyên rất kỳ vọng vào thành công của dự án, với hy vọng sẽ dồn điền đổi thửa, tập trung gom lại để nuôi tôm, hướng đến cho con tôm là thị trường xuất khẩu rộng lớn...

Bị dân “chê”, công trình 8,5 tỉ đồng thành hoang phế

Dù đã đầu tư tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên sau một năm thực hiện, người dân ở đây đã phải chứng kiến hàng chục ha ao đầm nuôi tôm đang bị bỏ hoang, khiến hạ tầng xuống cấp. Theo quan sát của P.V, nhiều đoạn đê bao bờ, đường giao thông quanh dự án đã bị sụt lún. Cây mai dương và nhiều loại cỏ dại khác mọc lên kín các ao nuôi, các loại túi bóng, chai nhựa vỏ, xốp... treo trên các cành cây, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, trong khi một số hạng mục đầu tư như cây xanh chưa có, hệ thống điện chưa hoàn chỉnh khiến cảnh quan trông rất nhếch nhác.

Theo người dân, sở dĩ dự án này trở thành hoang phế là do giá thuê khá cao, dân e dè, chưa dám tiếp cận. Anh Nguyễn T. Trung cho biết, anh cùng gia đình có ý định đầu tư vào khu vực nuôi tôm nhưng do giá cho thuê quá cao nên... không dám. Theo giá dự án sẽ cho thuê 10 nghìn đồng/m2 ao nuôi, nhưng đây là công việc mới mẻ với người dân địa phương nên không ai dám chắc sẽ thành công hay thất bại. Theo anh Trung, dân đã đề nghị những người làm dự án hỗ trợ một phần bằng cách giảm giá thuê trong mấy năm đầu, khi quen việc, có lãi sẽ điều chỉnh nâng giá lên nhưng dự án không đồng ý.

Nói về dự án lớn này, một người dân xã Duy Vinh ngán ngẩm: “Nghe nói dự án tôm này đầu tư nhiều tỉ lắm nhưng giờ vẫn chưa nuôi thả gì hết. Trước đây khu vực này là bãi bồi, chúng tôi ở xung quanh đây chỉ cần trồng tre, chuối, trồng lác để làm chiếu, thả trâu nuôi bò cũng cải thiện được cho gia đình chút ít. Chứ giờ không cho làm nữa, chính quyền lại vận động dân chặt hạ cây cối để làm ao nuôi tôm, tôm chẳng thấy đâu, giờ mọc um tùm toàn cây mai dương. Mùa mưa nước ngập, cả xóm tanh mùi lá cây thối rữa”.

Một người dân khác trong đội 6, huyện Duy Xuyên cho biết: Khoảng một tháng nay, UBND xã Duy Vinh có thuê tôi cùng vài người nữa đi đào các gốc cây mai dương, được 250 nghìn đồng/người/ngày. Nhưng cây này mọc hoang, phát triển rất nhanh, làm cả tháng mới chỉ được một góc nhỏ.

Điều chỉnh giá thuê để giảm sức ép thu hồi vốn

Thừa nhận với phóng viên, ông Nguyễn Bốn, Phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: Ban đầu UBND huyện tính toán với chi phí lớn như vậy (khoảng 8,5 tỉ đồng), mức cho thuê lại sẽ là 10 nghìn đồng/m2 ao nuôi, trong khoảng 10 năm sẽ đủ vốn. Tuy nhiên, một phần do tập quán canh tác chưa quen với sản xuất kiểu công nghiệp, một phần cho rằng, với giá 10 nghìn đồng/m2 ao nuôi/năm là quá lớn nên người dân không mấy quan tâm, vì vậy dự án đã bỏ hoang từ năm ngoái đến nay.

“Chính quyền cũng muốn tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế trong địa phương, không muốn xã hội hóa bên ngoài nên đã đầu tư khá lớn và bài bản. Tuy nhiên đến giờ người dân vẫn chưa có hướng đầu tư nên sắp tới chính quyền sẽ đưa ra phương hướng giải quyết khác”, ông Bốn lý giải.

Đầu tháng 2.2018, UBND huyện đã họp với một số phòng ban chức năng, tư vấn thiết kế và UBND hai xã có dự án để họp bàn tháo gỡ. Tại cuộc họp, UBND huyện đã thống nhất giảm giá thuê từ 10 nghìn đồng/m2 ao nuôi xuống còn 6,5 nghìn đồng/m2 ao nuôi. Trong thời gian tới, bên tư vấn thiết kế và UBND các xã có dự án có trách nhiệm họp dân để giải thích cho người dân hiểu và tham gia vào dự án, tránh bỏ không gây lãng phí.

Ngọc Hà

 

Ý kiến bạn đọc