Hãng công nghệ lớn tìm cách chinh phục thị trường nhạc số Trung Quốc

Thế hệ trẻ Trung Quốc có gu âm nhạc đa dạng và muốn thưởng thức những gì mới lạ đã thúc đẩy các dịch vụ nhạc số tạo ra hãng nhạc riêng và dành quỹ để hỗ trợ ca sĩ mới đang hoạt động độc lập.

Các hãng sẽ làm gì để giành lấy tình cảm của người yêu nhạc tại quốc gia đông dân nhất thế giới Trung Quốc? Với các công ty mạng khổng lồ ở Trung Quốc, câu trả lời không chỉ là phát hành ca khúc mới nhất của các ca sĩ nổi tiếng như Rihanna hay Katy Perry.

Hãng công nghệ lớn tìm cách chinh phục thị trường nhạc số Trung Quốc - ảnh 1

Biểu tượng ứng dụng nhắn tin QQ và WeChat của Tencent. Ảnh: Justin Chin/Bloomberg/Forbes

Giống như người Mỹ, thế hệ trẻ Trung Quốc đã phát triển các gu âm nhạc đa dạng và muốn thưởng thức những gì mới lạ hơn âm nhạc của ca sĩ nổi tiếng. Điều đó đã thúc đẩy các dịch vụ nhạc số tạo ra hãng nhạc riêng và dành quỹ để hỗ trợ ca sĩ mới đang hoạt động độc lập.

Bằng cách đưa ra ý tưởng mang tính độc quyền, các công ty đang cố gắng thu hút sự chú ý của khoảng 500 triệu người dùng, những người cuối cùng cũng bắt đầu chịu trả phí sau hàng năm nghe nhạc vi phạm bản quyền tràn lan làm trì hoãn sự phát triển của thị trường âm nhạc trực tuyến Trung Quốc. Theo PricewaterhouseCoopers (PwC), các nền tảng âm nhạc trực tuyến tại nước này được dự báo sẽ thu được 1,06 tỉ đô la Mỹ doanh số vào năm 2020, đưa Trung Quốc trở thành một trong những thị trường âm nhạc tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.

Tencent là một ví dụ. Hãng công nghệ khổng lồ này hôm 31.01 ra thông báo nhánh phụ trách âm nhạc của tập đoàn này, Tencent Music Entertainment Group (TME), sẽ làm việc với Sony để thành lập Liquid State, hãng nhạc đầu tiên của Tencent. Hãng sẽ chuyên quảng bá dòng nhạc dance và nhạc điện tử khắp châu Á bằng cách ký hợp đồng với các tài năng cũng như tổ chức sự kiện thu hút các DJ tầm cỡ thế giới như Alan Walker người Nauy hay Junkilla người Hàn Quốc. TME dự kiến sẽ niêm yết tại Hong Kong trong năm nay, kỳ vọng huy động được một tỉ đô la Mỹ với định giá ít nhất 10 tỉ đô la Mỹ, khi công ty đang cố gắng xây dựng thêm nhiều nội dung cho 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên ứng dụng phát nhạc QQ music, Kugou và Kuwo.

Hãng công nghệ lớn tìm cách chinh phục thị trường nhạc số Trung Quốc - ảnh 2

DJ Alan Walker tham gia vào một cuộc họp báo sau khi Tencent và Sony Music Entertainment ký kết hợp tác vào 31.01.2018 tại Hong Kong. Ảnh: VCG/Getty Images/Forbes

Các công ty Trung Quốc khác không để bị bỏ lại phía sau. NetEase, ông lớn trong ngành trò chơi tại Trung Quốc thu hút 400 triệu người dùng bằng dịch vụ âm nhạc NetEastCloud Music, đã thông báo kế hoạch rót 200 triệu nhân dân tệ, khoảng 32 triệu đô la Mỹ, dành để huấn luyện và quảng bá các nghệ sĩ độc lập, trước khi tổ chức một cuộc thi âm nhạc cho họ. Và, nhận thấy cơ hội, các nhà đầu tư mạo hiểm cũng muốn giành lấy một miếng bánh trên thị trường này: công ty quản lý của SNH48, một nhóm nhạc nữ khá phổ biến ở Trung Quốc, đã huy động được "hàng trăm triệu nhân dân tệ" trong vòng gọi vốn thứ ba vào năm ngoái để mở rộng vào lĩnh vực giải trí khác như trò chơi và truyền hình.

"Các công ty mạng của Trung Quốc muốn thâm nhập vào toàn bộ nền công nghiệp âm nhạc", Chen Yuetian, cộng sự tại S.Capital ở Trung Quốc, công ty chuyên đầu tư vào ngành truyền thông và giải trí, nói. "Họ đã nhận ra rằng nếu chỉ đơn giản có cổng phân phối âm nhạc thì chưa đủ, mà phải phát triển nội dung gốc để xây dựng các rào cản cạnh tranh."

Những động thái này có thể sẽ tác động tới người dùng. Theo công ty tư vấn có trụ sở tại Quảng Đông iiMedia, nhạc dance và nhạc điện tử có khoảng 200 triệu người hâm mộ tại Trung Quốc, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 400 triệu người vào năm tới. Zhao Lei, một nghệ sĩ độc lập tới từ Bắc Kinh, có gần ba triệu người theo dõi trên các ứng dụng phát nhạc Alibaba, Tencent và NetEase, nơi người dùng có thể không chỉ nghe nhạc, mà họ còn có thể để lại bình luận, tương tác với người dùng khác, và ủng hộ nghệ sĩ ưa thích của họ thông qua dịch vụ ví điện tử. Wilson Chow, người đứng đầu mảng công nghệ, truyền thông và viễn thông của PwC, ước tính một nghệ sĩ hàng đầu có thể thu được hàng triệu mỗi năm từ số tiền ủng hộ, cũng như doanh số bán album trực tuyến và tham gia vào chương trình truyền hình thực tế hoặc các buổi trò chuyện.

"Tôi thích các nghệ sĩ độc lập vì họ giống như những người bạn hơn", Luo Shichuan , đồng sáng lập 25 tuổi của Poputar, startup trực tuyến tạo ra đàn guitar thông minh có thể kết nối với điện thoại để điều khiển từ xa. "Chúng tôi coi các ngôi sao như thần tượng, nhưng các nghệ sĩ độc lập lại là đối tác của chúng tôi."

Sự nổi tiếng đồng nghĩa với triển vọng kiếm tiền tốt hơn. Các ứng dụng phát nhạc lớn nhất Trung Quốc đang có lời, nhưng họ đối mặt với chi phí xây dựng nội dung ngày càng gia tăng khi ký thỏa thuận nhượng quyền với các hãng thu âm lớn như BMG và Warner Music Group. Mặc dù không có số liệu về các khoản chi phí này nhưng dường như chúng cao hơn nhiều so với mức phí khi liên kết với nghệ sĩ do họ hậu thuẫn. Và những nhạc sĩ này còn đem lại khoản thu nhập lớn hơn từ việc trình diễn trực tiếp qua mạng, sản xuất video ngắn và tương tác trực tuyến với người hâm mộ, Chow nói.

"Nghệ sĩ độc lập có nhiều cách để kiếm tiền hơn các hãng quốc tế", ông cho biết thêm. "Họ sẽ không đòi hỏi nhiều, họ chỉ muốn được nổi tiếng."

Thách thức vi phạm bản quyền

Tuy nhiên cách làm này không phải không có trở ngại. Vi phạm bản quyền vẫn là một vấn nạn, Xu Bo, giám đốc điều hành nền tảng âm nhạc độc lập Douban Music, nói và cho rằng tình trạng này đã cải thiện nhiều, bởi mô hình phát nhạc trên mạng khiến cho việc sao chép khó hơn bán bài hát và đĩa nhạc lậu. Tuy nhiên, Chow cho rằng không phải ai cũng sẵn sàng trả phí nghe nhạc, với 40% người dùng Trung Quốc chỉ nghe nhạc miễn phí.

Hãng công nghệ lớn tìm cách chinh phục thị trường nhạc số Trung Quốc - ảnh 3

Ca sĩ nhạc rap người Trung Quốc PG One trình diễn trên sân khấu trong chương trình mừng năm mới của đài truyền hình Giang Tô hôm 01.01.2018. Ảnh: Getty Images/Forbes

Việc kiểm duyệt cũng là một vấn đề, khi cơ quan chức năng kiểm soát các xu hướng âm nhạc hiện tại và mới nổi, xác định nội dung có vấn đề. Chẳng hạn các cuộc kiểm duyệt năm ngoái đã chỉ ra một số nghệ sĩ hip-hop phổ biến có nội dung không phù hợp.

Với các công ty mạng lớn, cuộc cạnh tranh đã bắt đầu, và nó không đến từ Apple Music hay Spotify bởi hai hãng này không phổ biến hoặc không hoạt động tại Trung Quốc. Trong khi Tencent hiện thống trị thị trường nhạc số Trung Quốc, một ứng dụng nhạc miễn phí có tên Dou Yin đang âm thầm vượt qua công ty sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat này hồi đầu tháng hai để trở thành ứng dụng miễn phí dẫn đầu lượt tải về tại trong hệ điều hành iOS Trung Quốc, theo công ty nghiên cứu thị trường App Annie. Dou Yin được phát triển bởi Beijing Bytedance - công ty vốn nổi tiếng với ứng dụng tin tức Toutiao, là một nền tảng thuần âm nhạc tương tự với ứng dụng hát nhép Musical.ly. Bytedance đã mua lại Musical.ly với cái giá lên tới một tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái.

"Mọi người vẫn đang lựa chọn nền tảng phủ hợp nhất với họ", Ken Xu, cộng sự tại công ty đầu tư Trung Quốc Gobi Partners nói. "Khi người dùng tiếp tục trả phí nghe nhạc, bất kỳ nền tảng âm nhạc nào sở hữu lượng người dùng lớn đều có thể lấy được miếng bánh thị trường."

Nguồn: Forbes Vietnam

Ý kiến bạn đọc