Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

29 Tháng Ba 2024

Cuộc “hội ngộ” các Mẹ VNAH quy mô nhất từ trước đến nay

Thứ Sáu 24/07/2020 | 11:41 GMT+7

VHO- “Đây là lần gặp mặt các Mẹ Việt Nam anh hùng quy mô nhất từ trước tới nay nên công tác đón tiếp, phục vụ và tổ chức các hoạt động bên lề của các đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tổ chức chu đáo. Các địa phương khó khăn đến mấy cũng phải đưa các Mẹ về Thủ đô dự lễ”, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, tặng quà Mẹ VNAH Trần Thị Tư (TP Phan Thiết, Bình Thuận)

 Đó là một trong những hoạt động lớn nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Chương trình gặp mặt Đại biểu Bà mẹ VNAH toàn quốc năm 2020. Đây cũng là hoạt động thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước đối với công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Dự kiến có khoảng 300 Bà mẹ VNAH đủ điều kiện sức khoẻ sẽ có mặt tại Thủ đô và tham gia các hoạt động của chương trình gặp mặt Đại biểu Bà mẹ VNAH toàn quốc năm 2020 diễn ra từ ngày 23 - 25.7. Các Bà mẹ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự buổi gặp mặt do lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì vào ngày 24.7. Đặc biệt, chương trình Gặp mặt đại biểu Bà mẹ VNAH sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên VTV vào sáng ngày 25.7.

Theo Bộ LĐ,TB&XH, toàn quốc có tổng số 139.000 Bà mẹ VNAH nhưng hiện nay có 4.968 mẹ còn sống, trong đó có rất nhiều mẹ tuổi đã cao, sức yếu, đi lại rất khó khăn. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Tấn Dũng, các Bà mẹ VNAH đang sống tại 60 tỉnh, thành phố, hiện có ba địa phương không còn Bà mẹ VNAH là Điện Biên, Lai Châu và Hà Giang. “Đây là điều mà ngành LĐ,TB&XH trăn trở rất nhiều. Chương trình gặp mặt lần này là một sự kiện rất nhiều ý nghĩa và năm nay cũng là năm có nhiều lễ trọng đại của đất nước. Ngoài việc gặp gỡ Bà mẹ VNAH, chúng tôi sẽ tổ chức thực hiện việc gắn những địa chỉ cho những tổ chức, cá nhân tiếp tục chăm lo phụng dưỡng các mẹ. Thời gian qua nhiều địa phương đã thực hiện hiệu quả việc này, và tới đây chúng ta phải tiếp tục làm, phải làm thường xuyên”, Thứ trưởng Dũng nói.

Cũng trong dịp này, Chủ tịch nước đã có quyết định dành kinh phí hơn 330 tỉ đồng được lấy từ ngân sách nhà nước năm 2020 để tặng quà cho người có công. Bộ LĐ,TB&XH đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương hoàn thành trao tặng phần quà này trước ngày 27.7, đồng thời chăm lo cho các đối tượng gia đình chính sách từ Trung ương đến các địa phương trên cơ sở triển khai đồng bộ các hoạt động. Trong đó có việc tập trung hoàn chỉnh lại công trình ghi công liệt sĩ. Ông Lê Tấn Dũng cho biết, qua khảo sát đã phát hiện ở nhiều nơi, ở nhiều nghĩa trang liệt sĩ, trên các bia mộ vẫn còn ghi những thông tin không đúng quy định. Ví dụ, tên bia mộ ghi là “liệt sĩ vô danh” hoặc “liệt sĩ chưa biết tên”... Về việc này, Bộ đã có công điện gửi các địa phương và văn bản yêu cầu các địa phương phải hoàn tất công tác điều chỉnh tên của liệt sĩ mộ chưa xác định được thông tin thì phải điều chỉnh lại theo Thông tư 13 của liên Bộ LĐ,TB&XH và Tài chính.

Theo đó, những ngôi mộ này phải được ghi là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. “Tôi được biết nhiều địa phương trong toàn quốc cũng đã hoàn thành tốt. Tới đây chúng tôi cũng sẽ cùng các địa phương kiểm tra thực tế. Kinh phí thực hiện có rất nhiều nguồn, trong đó có nguồn hỗ trợ từ Trung ương thông qua các chính sách hỗ trợ về các công trình ghi công liệt sĩ, thứ hai là một phần từ ngân sách địa phương. Ngoài ra, một số địa phương cũng linh hoạt, huy động các nguồn lực xã hội hoá để tham gia góp phần có chỉnh trang tất cả nghĩa trang”, Thứ trưởng Dũng nói.

Liên quan đến việc xác định danh tính của liệt sĩ còn thiếu thông tin, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết Bộ đang phối hợp với Bộ Quốc phòng quyết tâm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Nhiều mộ, hài cốt liệt sĩ có một vài kỷ vật giúp cho việc tìm kiếm dễ dàng hơn nhưng cũng có những hài cốt hoàn toàn không có gì thì các cơ quan chức năng phải kết hợp các chương trình, phong trào đi tìm đồng đội hiện nay, đặc biệt là của các cựu chiến binh. Đồng thời, kết hợp với thực hiện phương pháp khoa học, đó là tiến hành giám định ADN. Tuy nhiên, việc này cũng gặp khó khăn và mất thời gian khá lâu bởi chiến tranh đã lùi xa, có nhiều trường hợp các cô, các chú đã hy sinh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rồi tới giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, trong khi có rất nhiều hài cốt ở những vùng ngập sâu, vùng cao nguyên... nên có sự phân hóa rất nhanh.

Vì vậy, có trường hợp lấy mẫu không đảm bảo, không đạt yêu cầu về chất lượng, dẫn đến khó khăn trong việc đối chiếu. “Tuy nhiên, khó khăn cũng phải làm, mà làm hết sức mình. Nơi nào mà lóe lên được một thông tin trong việc tìm hài cốt, chúng tôi cũng sẵn sàng vào cuộc để cùng với các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân để làm thế nào tìm được tên của liệt sĩ , để gắn vào bia mộ, giảm số lượng mộ liệt sĩ chưa biết được thông tin”, ông Dũng nhấn mạnh. 

 QUỲNH HOA

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top