Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

29 Tháng Ba 2024

Loay hoay triển khai cơ chế đặc thù

Thứ Hai 17/12/2018 | 10:15 GMT+7

VHO- Hàng loạt thách thức và bất cập trong việc triển khai cơ chế đặc thù cho TP.HCM đã được các chuyên gia chỉ ra tại Hội thảo quốc tế “Quy định pháp luật đặc thù về phát triển TP.HCM và kinh nghiệm nước ngoài” do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức vừa qua. Theo đó, cơ chế này đã được triển khai một năm nhưng chưa mang lại những hiệu quả đáng kể. 

 Nghị quyết 54 cho TP.HCM thông qua ba “cú hích” 
Trên cơ sở đề xuất của TP.HCM, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 54 ngày 24.11.2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết 54 của Quốc hội là sự thể chế hóa pháp luật cao nhất, kịp thời nhiều nội dung quan trọng của Kết luận 21 của Bộ Chính trị ngày 24.10.2017 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 16 ngày 10.8.2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020. PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết, xét về cơ chế, Nghị quyết 54 quy định cho TP.HCM thông qua ba “cú hích”: Một là tăng quyền tự chủ ở các lĩnh vực khác nhau từ quy hoạch đất đai đến quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, bộ máy cán bộ, tạo nên dư địa chính sách cho TP và dư địa phát triển cho toàn bộ khu vực phía Nam. Hai là dỡ bỏ một số ràng buộc về cơ chế (quy định “cào bằng” cho TP.HCM cũng giống như các địa phương khác trong các luật và một số văn bản pháp luật) để tạo động lực để phát triển; nói cách khác, TP.HCM sẽ không cần phải loay hoay “xé rào” nữa. Ba là Nghị quyết 54 tạo sức bật và động lực từ những thí điểm cơ chế, ví dụ như: quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của TP… 
Nghị quyết 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018 và được thực hiện trong thời hạn 5 năm. Trước khi hết thời gian thực hiện thí điểm, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Như thế, có thể hiểu rằng, sau 5 năm, nếu kết quả khả quan, hiệu quả tác động của Nghị quyết 54 có tác dụng thúc đẩy tốc độ phát triển của TP.HCM, Quốc hội có thể xem xét, quyết định để ban hành Luật riêng cho TP.HCM (tương tự như Luật Thủ đô cho Hà Nội). Ở chiều ngược lại, nếu kết quả không cao, hiệu quả tác động thấp, thì Quốc hội có thể xem xét, quyết định dừng việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM. “Như vậy, vấn đề quan trọng hiện nay đối với TP là triển khai một cách nhanh chóng, có hiệu quả, tận dụng cơ chế và ưu thế mà Nghị quyết 54 đã trao cho TP vào các lĩnh vực của cuộc sống”, PGS.TS Trần Hoàng Hải nói. 
“Chúng tôi thấy quá sốt ruột” 
Đánh giá hiệu quả bước đầu của Nghị quyết 54, ThS Mai Hữu Quyết, Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND TP.HCM cho hay, đến nay, sau một năm Nghị quyết có hiệu lực, bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách như các nguồn thu từ cổ phần hóa, thưởng vượt thu, tiền sử dụng đất do bán tài sản của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn… chưa được thực hiện nên chưa có nguồn vốn đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng trên địa bàn TP, chưa thực sự tạo động lực mới giúp TP.HCM phát triển. Vị cán bộ này cho hay, khi Nghị quyết 54 ban hành, một số vướng mắc được tháo gỡ, tuy nhiên, trên thực tế các nội dung ủy quyền theo Nghị quyết chủ yếu điều chỉnh một số Luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thực tế còn nhiều cơ chế bất cập được quy định trong các nghị định, thông tư không phù hợp thực tiễn của TP, gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. 
“Qua thực tiễn công tác, chúng tôi nhận thấy để tăng cường tính chủ động, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là các đô thị như TP.HCM, Chính phủ cần phân cấp mạnh cho TP thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành - lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù của địa phương hoặc cụ thể hóa các quy định của Trung ương sát với thực tế địa phương”, ThS Mai Hữu Quyết đề xuất. 
PGS.TS Trần Hoàng Hải chia sẻ: “Nghị quyết 54 chỉ cho phép thí điểm có 5 năm, đến thời điểm này đã trôi qua 1 năm nhưng chúng ta chưa tận dụng được bao nhiêu, nếu không triển khai nhanh cho kịp thì rất lãng phí. Chúng tôi rất trăn trở không biết TP có vướng những khó khăn gì trong việc triển khai thực hiện, do năng lực cán bộ hạn chế hay những nguyên nhân nào khác mà chúng ta cứ loay hoay? Chúng tôi thật sự rất sốt ruột”. PGS.TS Trần Hoàng Hải nói rằng bản thân nhà trường đang rất sẵn sàng trong việc tham gia đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM nếu như TP có đặt hàng. “Cách đây một năm Trường ĐH Luật TP.HCM và nhiều trường ĐH khác có được TP đặt vấn đề mời tham gia đóng góp nhưng đến nay vẫn chưa thấy có động tĩnh gì”, PGS. TS Trần Hoàng Hải bày tỏ. 

THÙY TRANG 

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top