Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

29 Tháng Ba 2024

Vị “chua” của vùng cam ngọt

Thứ Tư 21/11/2018 | 10:40 GMT+7

VHO-  Chưa có năm nào mà cam Cao Phong (Hòa Bình) lại nhiều như năm nay. Khắp trên các triền đồi cao thấp và vào trong tận vườn nhà, cả nghìn héc ta cam hiện đang vào mùa chín rộ. Tuy nhiên, sau mấy năm được mùa, nông dân trồng cam trúng lớn thì năm nay việc mở rộng diện tích trồng cam một cách tự phát đã khiến giá cam tại địa phương này lại quay đầu giảm mạnh.

 Một sạp cam Cao Phong ven quốc lộ 6

Theo thống kê của UBND huyện Cao Phong, tổng diện tích cây có múi của toàn huyện là trên 2.800 ha, trong đó riêng cây cam là 1.652 ha, ước tính cho 33.000 tấn quả. So với năm 2010, diện tích cam ở Cao Phong đã tăng gấp 4 lần.

Diện tích tăng lên, giá cam tụt xuống

Chúng tôi lên Cao Phong - một huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, giữa lúc vụ cam đang vào mùa. Dọc hai bên đường quốc lộ 6, bắt đầu vào địa bàn huyện Cao Phong, là hàng dãy hàng cam vàng rộm. Ghé vào một sạp bên đường, chúng tôi được chủ hàng cho biết, cam loại 1 (quả to, căng mọng) có giá 20.000 đồng, loại 2, loại 3 thì 18.000 – 15.000 đồng/kg. Lúi húi trong vườn cam với chiếc kéo dạng chiếc kìm, chị Bùi Thị Yến, một tay buôn cam Cao Phong chính hiệu vừa thoăn thoắt cắt cam, vừa trò chuyện. Chị Yến cho biết, khác với mọi năm, thương lái lượn lờ từ khi cam còn xanh để ngắm nghía và chọn vườn thì năm nay, người buôn cam chỉ chọn những vườn cam chất lượng cao, nghĩa là quả to, đẹp, vị đậm. Còn những vườn cam quả trung bình thì họ không mặn mà, dù giá có thấp hơn. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đã phải tự thu hoạch và bán lẻ với giá thấp.

Vào vườn cam của bác Bùi Văn Biên tại xã Đông Phong, chúng tôi được biết, hơn trăm cây cam trồng vườn nhà của gia đình bác đã được 5 năm nay và cho thu hoạch mùa thứ hai. Cả ở vườn nhà và vườn đồi của gia đình bác, có hơn 200 gốc, nhưng hầu như không bán được vì cam tự trồng, chăm sóc không đúng kỹ thuật nên quả nhỏ và xấu. Bác Biên cho biết, cách đây 5 năm, cam Cao Phong rất được giá, mua ngay tại vườn cũng phải 25.000 -30.000 đồng/kg nên nhà nhà đua nhau trồng cam. Nhưng năm nay, loại cam tự trồng như của nhà bác, nếu bán tại vườn chỉ được khoảng 10.000 đồng/kg, mang ra chợ thì tầm 12.000 đồng.

Bài học về sự phá vỡ quy hoạch

Hỏi thăm một người dân đang thu hoạch cam tại nông trường cam Cao Phong, chị cho biết, cam Cao Phong trồng tại nông trường là loại cam ngon nhất, vì hợp thổ nhưỡng. Hơn nữa, “dân nông trường” đều là những người trồng cam lâu năm, có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm bón nên cam phát triển tốt, chất lượng bảo đảm. “Để trồng và làm cỏ thì ai cũng làm được, nhưng để có quả cam chất lượng cao thì người dân chưa biết cách trồng và chăm sóc. Cam của người dân trồng chưa có kỹ thuật nên cây hay bị bệnh, chất lượng quả kém. Nhiều người trồng nhưng không biết cách chăm sóc, có khi bón phân và phun thuốc không đúng và không kịp thời. Thuốc, nước, phân nếu không đủ liều lượng sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng quả”, chị chia sẻ.

Cam Cao Phong là một thương hiệu nổi tiếng. Người dân Cao Phong và những người ăn quen loại cam này đều cho biết, cam có vị ngọt đậm nhưng thanh, không ngọt sắc, cũng không sường sượng, nhàn nhạt như một số loại cam bán tại thị trường mang mác Cao Phong. Tuy nhiên, việc để người dân tự phát trồng cam khiến sản lượng cam tăng ồ ạt và chất lượng bị lẫn lộn tốt – xấu là một vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý và phát triển các vùng nguyên liệu đặc sản. Nếu để người dân phát triển một cách tự phát, thì e rằng không chỉ riêng cam Cao Phong mà nhiều vùng đặc sản khác cũng sẽ rơi vào tình trạng “vàng – thau lẫn lộn”. 

 HOÀNG HƯƠNG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top