Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

19 Tháng Ba 2024

Thực hư chuyện đóng cửa hầm Hải Vân

Thứ Tư 31/10/2018 | 10:31 GMT+7

VHO- Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT về việc thanh toán tiền điện của Công ty CP Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco), vì đơn vị này đang nợ PC Đà Nẵng hơn 2,6 tỉ đồng tiền điện. 

 Nhiều thông tin cho rằng PC Đà Nẵng sẽ ngừng cung cấp điện đối với hầm đường bộ Hải Vân, vậy thực hư là như thế nào? 

 Ông Ngô Xuân Hưởng trao đổi với PV Văn Hoá sáng ngày 30.10

Không có ý định cắt điện hầm Hải Vân 

Đó là xác nhận của ông Ngô Tấn Cư, Giám đốc PC Đà Nẵng trước thông tin PC Đà Nẵng sẽ cắt điện dẫn đến việc hầm Hải Vân phải ngừng hoạt động. Cũng theo lãnh đạo PC Đà Nẵng, việc Hamadeco chậm thanh toán tiền điện ngoài vi phạm luật còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị và thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, PC Đà Nẵng không có ý định cắt điện cung cấp cho hầm Hải Vân như thông tin gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Theo phía PC Đà Nẵng, đây không phải lần đầu tiên Hamadeco nợ tiền điện. PC Đà Nẵng đã nhiều lần gửi văn bản đến Hamadeco và cả Cục Quản lý đường bộ 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) về việc hỗ trợ thanh toán tiền điện hầm Hải Vân.

“Việc cung cấp điện cho hầm Hải Vân là phụ tải đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến huyết mạch giao thông của cả nước nên PC Đà Nẵng không thể thực hiện ngừng cung cấp điện theo quy định của Luật Điện lực. Đơn vị thường xuyên gửi công văn đến đơn vị vận hành là Hamadeco vì lý do chậm trễ đóng tiền điện chứ không có chuyện sẽ ngưng cung cấp điện ở hầm Hải Vân”, ông Ngô Tấn Cư thông tin.

Trước đó, ngày 26.10 PC Đà Nẵng có văn bản số 4023 gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc thanh toán tiền điện của Công ty CP Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân: “Thông tin PC Đà Nẵng nắm được, Hamadeco chưa được Bộ Giao thông vận tải cấp kinh phí để thanh toán tiền điện. Vì vậy, PC Đà Nẵng kính đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết thanh toán tiền điện của Hamadeco đang nợ PC Đà Nẵng và dự phòng nguồn kinh phí thanh toán tiền điện phát sinh từ nay đến hết năm 2018. Tiền điện Hamadeco đang nợ là hơn 2,6 tỉ đồng. Tiền điện dự kiến phát sinh từ nay đến 25.12.2018 là hơn 3,9 tỉ đồng”, văn bản nêu rõ.

 Hầm đường bộ Hải Vân

Hamadeco: Nợ tiền điện do khó khăn

Trước một số thông tin: Cty CP Đèo Cả và Hamadeco dùng “chiêu trò” nợ nần để gây áp lực với mục đích riêng, ông Ngô Xuân Hưởng - Tổng Giám đốc Hamadeco cho biết: “Hamadeco đang đề xuất cách giải quyết dựa trên bản chất của sự việc chứ không dùng “chiêu trò” gì hết! Chúng tôi đang xử lý và đề xuất trên những thông tin chúng tôi có, chi phí vận hành hầm Hải Vân một năm rơi vào khoảng gần 100 tỉ, bao gồm các chi phí vận hành, trả lương cho gần 200 nhân công. Từ tháng 11.2015 đến thời điểm này chi phí 300 tỉ do chủ đầu tư bỏ ra. Trước đây Nhà nước chi trả, giờ dùng nguồn vốn bên chủ đầu tư chi trả, con số này đã được cơ quan nhà nước đầu tư rà soát. Với vai trò của công ty quản lý vận hành chúng tôi chỉ làm đúng những chi phí đã được phê duyệt trong 13 năm nay”, ông Hưởng khẳng định.

Từ tháng 12.2016, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả và Hamadeco đã có hợp đồng về việc quản lý, vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hầm đường bộ Hải Vân. Để đảm bảo quản lý vận hành hầm Hải Vân 1, Hamadeco đã ứng trước để chi trả các chi phí thường xuyên như điện vận hành, tiền lương cán bộ, chi phí bảo dưỡng thiết bị… Nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Đèo Cả mới chỉ thanh toán cho Hamadeco chi phí quản lý hầm đến quý 1.2018. Trước tình hình trên, Hamadeco đã gửi công văn đề nghị Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thanh toán chi phí vận hành hầm còn lại của quý 2.2018 và 2 tháng của quý 3. Lãnh đạo Hamadeco cho biết nếu Công ty CP Đèo Cả không thanh toán chi phí vận hành sẽ dẫn đến việc không có kinh phí để trả tiền điện, lương công nhân… làm gián đoạn công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân thì phía đơn vị khai thác và quản lý không chịu trách nhiệm.

“Hợp đồng của chúng tôi với Cty Đèo Cả là quản lý vận hành hầm, hiện tại các công tác này chúng tôi vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên trong trường hợp này chúng tôi nhận thấy cần phải có những công văn kiến nghị cảnh báo với cơ quan nhà nước, nếu không chuyển biến tích cực chúng tôi sẽ có ý kiến lên Bộ. Sự việc không phải bây giờ mới phát sinh mà từ cuối quý II.2018 Hamadeco đã có ý kiến với Cty CP Đầu tư Đèo Cả nhưng chờ quá lâu mà vẫn không có nguồn. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước không tham gia vào thì chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới”, ông Ngô Xuân Hưởng cho biết. 

   “Cty Hamadeco đã vi phạm Luật Điện lực (Điều 23 khoản 6) và điểm b khoản 4 Điều 1 của hợp đồng mua bán điện số 848320 mà hai bên đã ký kết. Điện lực Liên Chiểu đề nghị Công ty Hamadeco giải quyết thanh toán số tiền trên cho Điện lực trước ngày 28.10.2018, nếu chậm trễ đơn vị cung cấp điện chúng tôi buộc phải ngừng cung cấp điện, mọi tổn thất phát sinh trong quá trình vận hành hầm, công ty Hamadeco chịu hoàn toàn trách nhiệm”. (Công văn số 916/CV-ĐLLC của Điện lực Liên Chiểu (Điện lực Đà Nẵng) gửi Hamadeco về việc đề nghị thanh toán tiền điện tháng 9 và 10.2018)

NGỌC HÀ

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top