Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

29 Tháng Ba 2024

Khánh Hòa: Doanh nghiệp “né” đóng bảo hiểm xã hội

Thứ Sáu 21/09/2018 | 08:56 GMT+7

VH- Kể từ ngày 1.1.2018, người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 1 đến 3 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai, các ngành chức năng đã phát hiện không ít những đơn vị, doanh nghiệp tìm cách “lách luật”, trốn đóng BHXH cho NLĐ để giảm bớt chi phí.

 Nhiều lao động trong lĩnh vực xây dựng chưa được doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội

Lắm chiêu né luật

Ông Lê Hùng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Khánh Hòa cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh có 144.497 NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, trong đó người có HĐLĐ từ 1 tháng đến dưới 3 tháng là 284 người. Kể từ khi áp dụng những quy định mới của Luật BHXH đã có không ít doanh nghiệp tìm cách “né” luật, trốn tham gia BHXH cho NLĐ. Các đơn vị, doanh nghiệp “né” quy định bằng cách ký HĐLĐ với NLĐ theo loại HĐLĐ mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Có nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn ký HĐLĐ thử việc nhiều lần với NLĐ để trốn tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ.

Điển hình như Công ty Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Du lịch Kiên Cường (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) có số lao động quyết toán thuế thu nhập cá nhân khoảng 450 người. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại trốn đóng BHXH cho NLĐ bằng cách ký HĐLĐ dưới một tháng với toàn bộ NLĐ đang làm việc. Còn Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng UPGC Nha Trang (Chủ đầu tư dự án Khu đô thị Hoàng Long, phường Phước Long, TP Nha Trang) được thành lập từ tháng 3.2017, nhưng cho đến nay, đơn vị này vẫn chưa ký HĐLĐ, tham gia BHXH cho bất kỳ NLĐ nào. Mặc dù hằng tháng doanh nghiệp này vẫn thực hiện chi trả tiền lương ổn định thể hiện trên bảng cho 36 NLĐ. Còn tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (phường Phước Hòa, TP Nha Trang) lách luật bằng cách thực hiện ký hợp đồng cộng tác viên bán hàng đối với nhân viên bán hàng và ký hợp đồng dịch vụ lắp đặt, sửa chữa, bảo hành đối với nhân viên kỹ thuật của công ty.

Hiện nay tại nhiều doanh nghiệp chuyên về dịch vụ xây dựng cũng có lắm chiêu “né” luật, trốn tham gia BHXH cho NLĐ. Chẳng hạn, tại Công ty TNHH Xây dựng M.Q (phường Phước Long, TP Nha Trang) hiện có khoảng 100 lao động. Tuy nhiên, công ty này chỉ ký HĐLĐ và thực hiện tham gia đóng BHXH đối với một số nhân viên ở bộ phận văn phòng. Còn hầu hết lao động làm việc trực tiếp trên các công trình xây dựng được đơn vị này hợp đồng bằng miệng. Phần lớn lao động được giao cho một cai thầu có nhiệm vụ theo dõi, giám sát và chấm công hằng ngày. Trên cơ sở đó, công ty chỉ trả tiền công cho NLĐ và không có bất cứ giấy tờ ràng buộc nào. Khi các ngành chức năng có kiểm tra thì không phát hiện được chứng cứ, HĐLĐ nào để ràng buộc công ty phải tham gia BHXH cho những NLĐ đang làm việc. Ông Nguyễn Văn T, một lao động của công ty này cho biết: “Tôi làm việc ở đây đã 5 năm nhưng chưa bao giờ thấy công ty nhắc đến việc ký HĐLĐ hay tham gia BHXH. Làm ngày nào họ chấm công rồi cuối tháng trả tiền. Dù biết mình bị thiệt thòi nhưng cũng không đòi hỏi vì hầu hết anh em làm ở đây cũng giống mình”.

Cần điều chỉnh quy định sát hơn

Theo quy định, cơ quan BHXH chỉ thu BHXH trên cơ sở doanh nghiệp có ký HĐLĐ và hợp đồng đó có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên. Nếu doanh nghiệp cố tình trốn đóng bằng cách không ký HĐLĐ, ký dưới 1 tháng, ký hợp đồng cộng tác viên hoặc hợp đồng dịch vụ thì cơ quan BHXH không xử lý được. Việc DN lách luật, trốn tham gia BHXH cho NLĐ đã vi phạm pháp luật, chiếm dụng quyền lợi chính đáng của NLĐ. Khi DN không tham gia BHXH thì các chế độ của NLĐ sẽ không được giải quyết.

Theo ông Lê Hùng Chính, để ngăn chặn việc trốn đóng BHXH cần sửa đổi và bổ sung một số nội dung về loại hình hợp đồng lao động. Đồng thời, làm rõ khái niệm về khoán việc cũng như thuê khoán… vốn chưa được đưa vào trong Luật Lao động nhưng đã tồn tại trong thực tế từ nhiều năm qua. Điều 16 của Luật Lao động năm 2012 quy định 2 loại hình giao kết hợp đồng lao động theo văn bản hoặc lời nói. Nhưng trên thực tế đã và đang tồn tại việc giao kết còn thông qua hình thức khoán sản phẩm… Đây là kẽ hở để người sử dụng lao động có thể lách luật bằng cách khoán công việc để tránh việc giao kết hợp đồng có thời gian cụ thể. 

 VĂN GIANG

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top