Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

29 Tháng Ba 2024

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho đồ uống có đường

Thứ Sáu 07/09/2018 | 09:03 GMT+7

VH-  Sau rượu bia, thuốc lá được đề xuất tăng thuế, giờ đây là đến lượt đồ uống có đường đang được các chuyên gia đề xuất áp dụng thuế tiêu thu đặc biệt nhằm hạn chế tình trạng sử dụng đồ uống có đường đang tăng nhanh chóng tại Việt Nam gây ra những hệ lụy lớn về sức khỏe.

 Các chuyên gia cho rằng đồ uống có đường tại Việt Nam đang có giá rẻ và cần áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt Ảnh: VÕ TUẤN

Hệ lụy lớn về sức khỏe của đồ uống có đường

Điều tra về tình hình thừa cân béo phì ở Việt Nam do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện cho thấy, 16% nam giới trưởng thành và 20% nữ giới trưởng thành đang bị thừa cân hoặc béo phì; bên cạnh đó, có 11,7% trẻ em nam và 7,6% trẻ em nữ trong độ tuổi 5 đến 19 đang bị thừa cân béo phì. Một phần nguyên nhân là trẻ em ăn uống theo chế độ không hợp lý, sử dụng nhiều đồ ăn chiên, rán và nước uống có đường.

Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ là dưới 25g/ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Còn qua điều tra về mức sống của hộ gia đình Việt Nam cho thấy 62,86% số hộ gia đình có tiêu dùng nước giải khát có đường.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, Trưởng phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng, Viện Y học ứng dụng cho biết, nước giải khát có ga được đa số trẻ em yêu thích cung cấp năng lượng nhanh, nhưng năng lượng chủ yếu là năng lượng rỗng không có lợi cho cơ thể. Trẻ nhỏ uống quá nhiều nước ngọt có ga có thể sẽ dẫn đến thừa năng lượng, béo phì, ngoài ra còn gây thiếu vi chất do trẻ giảm nhu cầu các loại nước uống có lợi cho sức khỏe khác (sữa, nước trái cây). “Trong nước ngọt có ga có chứa một lượng caffein nhất định, trẻ nhỏ khi uống nhiều sẽ gây trạng thái kích thích hệ thần kinh trung ương. Quá nhiều caffein có thể gây ra các tình trạng sau (ở cả người lớn và trẻ nhỏ): bồn chồn lo lắng, đau bụng, đau đầu, khó tập trung, khó ngủ, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, mất tiểu”, PGS Nguyễn Xuân Ninh chia sẻ.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế tiêu thụ

Để hạn chế hệ lụy cho sức khỏe người dùng, theo ông Trương Đình Bắc, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo lượng đường tự do trong chế độ ăn của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe.

Còn theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường cần có chế tài để các doanh nghiệp dán nhãn sản phẩm nhằm cảnh báo sản phẩm có thể gây những tác hại nhất định cho sức khỏe người dùng. Bên cạnh đó, cần tăng giá bán với đồ uống có đường để hạn chế tiêu thụ do giá cao hơn; đồng thời hạn chế quảng cáo đồ uống có đường. Ngoài ra, để hạn chế đồ uống có đường, người dân cần tăng cường sử dụng thức ăn có lợi cho sức khỏe như rau, hoa quả.

Hiện nay tại Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào đồ uống có đường, hiện sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế giá trị gia tăng 10%. Do đó, TS Guillermo Paraje chuyên gia tư vấn ngắn hạn của Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, Việt Nam cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt sử dụng đồ uống có đường, có như vậy mới có thể hạn chế tiêu thụ.

Đại diện WHO cho rằng mỗi phương án nhắm đến những mục tiêu riêng: phương án thứ nhất làm giảm tác động số lượng lớn đồ uống có đường, tạo động cơ bỏ tiêu dùng, giảm tiêu dùng, hoặc đồ uống có đường chứa trong bao bì nhỏ hơn); phương án thứ 2 nhằm tác động trực tiếp làm giảm hàm lượng đường trong đồ uống, từ đó tạo động cơ từ bỏ tiêu dùng, giảm hoặc thay thế đồ uống có hàm lượng đường cao bằng đồ uống có hàm lượng đường thấp hoặc không chứa hàm lượng đường. “Hai phương án còn lại nhằm tác động tới việc tiêu dùng đồ uống có đường nói chung nhưng nhắm nhiều hơn tới các loại đồ uống có giá cao hơn”, TS Guillermo Paraje nói.

NGUYỄN DƯƠNG

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top