Từ làng đến phố chế tác vàng bạc ở Châu Khê

VH- Dân chế tác vàng bạc lâu đời ở Châu Khê, thuộc xã Thúc Kháng (huyện Bình Giang, Hải Dương) nức tiếng thiên hạ từ hàng trăm năm qua. Làng cổ Châu Khê cách thị trấn huyện chừng năm cây số nhưng lại sầm uất không kém phố xá là mấy. Hơn nữa, người Châu Khê lắm kẻ sĩ, hiền tài lại khéo tay, nức tiếng Thăng Long thành ở nghề đúc tiền đầu tiên từ thời nhà Lê.

Từ làng đến phố chế tác vàng bạc ở Châu Khê - Anh 1
   
Vào đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), bạc nén vẫn được quy định làm tiền tệ tiêu dùng trong đời sống, giao lưu thương mại với các nước láng giềng. Thật tình cờ làng Châu Khê có một vị quan lớn, Thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín, được phân công phụ trách công việc đúc bạc làm ngân khố trong triều. Ngay lập tức ông cho gọi dân quê mình lên thành Thăng Long, xây lò đúc và lập xưởng chế tác đồng tiền bạc cho triều đình. Mảnh đất đầu tiên để dân Châu Khê định cư lập lò xưởng đúc bạc chính là vị trí số nhà 58 phố Hàng Bạc ngày nay. Từ đó dân làng Châu Khê lên ngày một đông, hình thành Phường Giáp như gốc quê, và dựng hẳn Đình thờ vọng đức Thành hoàng làng. Đó chính là “Châu Khê Vọng Sở”. Nhà nhà dựng lên hai hàng phố, hình thành những cơ sở gom bạc, trao đổi bạc vụn lấy bạc nén. Có thể coi đây là chợ mua bán vàng bạc đầu tiên ở kinh thành.  

Từ làng đến phố chế tác vàng bạc ở Châu Khê - Anh 2

Vài trăm năm sau, nghề đúc bạc nén bị chuyển vào Huế, đa số thợ đúc bạc Châu Khê ở lại. Họ nhanh chóng chuyển sang làm mỹ nghệ kim hoàn. Đầu tiên chỉ làm các đồ dùng gia đình như xà tích, ống vôi, rồi mới đến vòng nhẫn, mặt đá. Đôi khi nạm bạc như vật dụng gia bảo như ấm trà, ống điếu, tẩu thuốc, khay đĩa cổ. Dần dần, họ mới làm nhẫn giây chuyền, lắc, vòng và những đồ tinh xảo hơn… Làm ăn khá thịnh vượng, người dân Châu Khê còn phải gọi thêm cả các thợ chế tác vàng bạc ở Định Công ở Thanh Trì xưa, cùng người ở Đồng Xâm, có nghề chạm bạc ở Thái Bình lên cùng làm để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Phố Hàng Bạc hình thành thêm nghề làm trang sức từ ngày đó.

Từ làng đến phố chế tác vàng bạc ở Châu Khê - Anh 3

Hầu hết những chủ cửa hàng trên phố Hàng Bạc hay các nơi vẫn giữ cơ sở ở Châu Khê, nên nghề chạm bạc và chế tác trang sức của làng ngày càng phát triển.       Xưa làng vẫn còn lưu truyền hình ảnh và thời vận rực rỡ ở làng như: “Tại phố, tại hương chung một quê. Châu Khê- Hàng Bạc ngược xuôi về.  n sâu- hương tỏa công ơn Tổ. Mỹ nghệ kim hoàn khởi sắc quê”. Đó chính là lời văn tế trong mỗi kỳ lễ hội, tưởng nhớ đến Tổ nghề và quan Thượng thư Lưu Xuân Tín xưa. Nhưng có lẽ chẳng nơi đâu như làng này: “Châu Khê lấp lánh ngời ánh bạc. Gọi mời du khách mười phương qua”. Đường làng mở rộng khang trang mở cho xóm ngõ thông cửa hàng bán mua đồ trang sức tấp nập như ở chợ. Hầu như nhà nào cũng có thợ đúc và chạm khắc hàng bạc theo đơn đặt hàng. Cách đây nửa thế kỷ, khách đến mua hàng cứ xuôi đò theo sông Sặt là tới bến đầu làng. Nay đường từ thị  trấn Sặt đổ nhựa về tới từng xóm tha hồ ra vào tấp nập. Nào là vòng, lắc, nhẫn, chuông, khay, hộp…Đủ kiểu, đủ dáng, hàng trăm loại mẫu cho khách chọn. Bạc thứ thiệt và được làm bóng như vàng trắng vậy. Nõn nà mướt mắt. Châu Khê làm hàng thật hàng trăm năm qua. Khách về mua buôn mang đi các tỉnh, thành khắp miền bắc. Thợ làng Châu Khê còn làm theo đơn đặt hàng từ Hà Nội gửi về. Bởi các nhà thuộc dòng họ nào cũng đều có cửa hàng trên phố Hàng Bạc, Hà Nội. Hoặc không thì cũng mở công ty ở Thành phố Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình. Các vận đơn được gửi về làng chế tác cơ bản rồi gia công theo công nghệ mới, chạm khắc các hình, chữ, con giống, chân dung tùy khách làm hợp đồng. Đặc biệt nhiều nhà còn có máy kiểm tra chất lượng sản phẩm, theo các tiêu chí đặt ra từ trước, ngay tại chỗ để khách hàng yên tâm. Chữ Tín bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Bởi đó là cái danh giá của làng. Phải lưu giữ được khách hàng làm ăn dài lâu.  

Từ làng đến phố chế tác vàng bạc ở Châu Khê - Anh 4

Chính vì thế, mầu sắc văn hóa Châu Khê làm nên hồn cốt của phố Hàng Bạc từ con người đến cõi tâm linh. Vậy nên, con người ở đây có nét riêng, với cái danh thơm “Gái Châu Khê- Trăm bề duyên dáng”. Họ chăm chỉ, giúp đỡ chồng con trong công việc làm ăn, vượt qua những thời đoạn khó khăn nhất về kinh tế. Khi nói đến phố Hàng Bạc, là nhớ đến dân làng Châu Khê. Phố không những là nơi hội tụ của những tinh hoa làng nghề kim hoàn, mà còn là con phố còn giữ được nét “Hà Nội” nhất trong 36 phố phường xưa. Đến phố Hàng Bạc là mọi người ngõ như đến làng Châu Khê vậy, bởi nó nhỏ hẹp hơn các phố bên cạnh một chút, nhưng lại nhộn nhịp sầm uất từ sáng sớm cho đến tối khuya như ở làng vậy. Phố còn hấp dẫn các khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Họ không chỉ tò mò về đồ mỹ nghệ kim hoàn mà ai cũng thú vị ngắm con phố, căn nhà cổ, với hình thù xinh gọn, hình ống kéo dài sâu hút. Người ta còn ví đây là những ngôi nhà chồng diêm, có mái ngói nghiêng ra mặt phố, đôi chỗ còn có mái tranh vẩy thêm ra hè. Gợi cảm ở chỗ bờ nóc hai mái hơi cong lên và gờ hàng trang trí gạch thô nhám…Đó chính là sự khác biệt của phố Hàng Bạc với các phố khác. 
Những người thợ hay nghệ nhân chế tác vàng bạc lâu đời ở đây luôn giữ chữ Tín, với sự trung thực, chân chất vốn có tự ở làng quê Châu Khê. Đó là cái đức của làng, luôn luôn khắc ghi trong trái tim họ, trở thành nguyên tắc sống còn của người làm nghề. Hiện ở Hà Nội, tập trung ở phố Hàng Bạc, một số rải rác trên các phố và bãi Phúc Tân, tất cả có đến gần 150 cửa hàng chế tác vàng bạc của dân Châu Khê. Cho dù bao đời đã trải qua hàng trăm năm trong mỗi gia đình, nhưng ai ai cũng nhớ tới lời ông cha nhắn nhủ cho con cháu: “Sầm uất Đông Đô một phố nghề. Rộn ràng Hà Nội phố và quê. Châu Khê truyền thống bảo tồn nghiệp. Hàng Bạc tiềm năng giữ lấy nghề”.                                                                                

P.V
Bài viết này có sự hợp tác với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hải Dương 
     

Ý kiến bạn đọc