Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Lý luận, phê bình điện ảnh Việt​​​​​​​ Nam: Lỗ hổng bao giờ được lấp đầy?

Thứ Sáu 26/11/2021 | 10:08 GMT+7

VHO- LHP Việt Nam lần thứ XXII vừa khép lại, những Bông sen danh giá đã được trao cho những tác phẩm nổi trội nhất của điện ảnh Việt hai năm qua. Thế nhưng, để hỏi rằng trong mặt bằng chung thời gian gần đây, chúng ta đã có được những tác phẩm điện ảnh thực sự xứng tầm để đời hay không… thì chắc có lẽ nhiều người cũng khó trả lời.

Các nhà phê bình điện ảnh Việt ít khi có ý kiến hoặc có lên tiếng cũng bị dư luận và các “anh hùng bàn phím” đè bẹp (ảnh minh họa)

Nhiều chuyên gia cho rằng, điện ảnh Việt đang thiếu bản sắc, phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu chủ thuyết, thiếu định hướng… Lý luận phê bình điện ảnh với nhiệm vụ định hướng cho sáng tác, phân tích và thẩm định giá trị phim, nhưng hoạt động này thời gian qua dường như bỏ ngỏ. Hiện số lượng người làm công tác lý luận phê bình điện ảnh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phải chăng điều này đã gây nhiều thiệt thòi cho ngành điện ảnh?

Lỗ hổng lớn

Tại buổi họp ra mắt một giải thưởng dành cho phim điện ảnh và truyền hình mới đây, có vị đạo diễn tâm tư: “Các bạn đang viết về công tác Lý luận phê bình điện ảnh của chúng ta, thường là tự học và tự cảm xúc, tự chiêm nghiệm chứ ít được đào tạo qua trường lớp. Nhưng nói đi thì cũng cần nói lại, có một thực tế là một số bạn muốn học ngành Lý luận phê bình điện ảnh ở trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh nhưng lại không tin tốt nghiệp ra trường có thể kiếm sống được, thành thử nhà trường cũng không thể tuyển sinh, dần dần tạo ra một lỗ hổng lớn”.

Theo đạo diễn Lê Hoàng, làm Lý luận phê bình điện ảnh mà không học lý thuyết, chỉ qua cảm nhận, trải nghiệm thì không thể phê bình tốt. Nếu điện ảnh mà không có lý luận phê bình vững chắc sẽ dẫn đến sự phát triển của ngành rất manh mún và người làm phim sẽ bị tình trạng chạy theo phòng vé hoặc chạy theo xu hướng nhất thời. “Phải nói rằng chúng ta đã hiếm đạo diễn nổi tiếng rồi, diễn viên xuất sắc cũng hiếm, nhưng bây giờ các nhà lý luận nổi tiếng của chúng ta là ai, khéo nghĩ mãi không ra… Bởi vì họ không được tôn vinh đúng mức, họ không được đánh giá đúng mức, thành ra rốt cuộc tên tuổi cũng như những bài viết của họ cứ thế chìm đi”, Lê Hoàng bày tỏ.

Một chuyên gia khác xót xa, có những bộ phim vừa ra mắt, dư luận ồn ào khen chê, thậm chí có trường hợp, một số tờ báo và mạng xã hội “ném đá” khiến công chúng hoang mang, không biết đâu là giả, đâu là thật. Các nhà phê bình lại ít khi có ý kiến hoặc có lên tiếng cũng bị dư luận và các “anh hùng bàn phím” đè bẹp... Phê bình điện ảnh yếu ớt bởi đội ngũ làm công việc này rất thiếu. Theo vị này, vài thập kỷ qua, rất hiếm thấy cây bút phê bình điện ảnh qua đào tạo của các trường khẳng định được tên tuổi. Tuy nhiên, nguyên nhân mấu chốt nhất là sự ngại ngùng, thậm chí thiếu bản lĩnh của những người cầm bút. Phê bình cần một sự thẳng thắn, dám đi tới cùng để bảo vệ cái chuẩn nhưng phê bình thực sự dễ khiến “mất lòng”, thậm chí “gây thù chuốc oán”. Bởi, một bộ phim làm ra cần rất nhiều tỉ đồng. Nhà phê bình chê phim có thể ảnh hưởng đến “miếng cơm manh áo” của nhà sản xuất.

Nhà lý luận phê bình điện ảnh, PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng, lực lượng chủ lực hoạt động trong lĩnh vực phê bình điện ảnh hiện nay là báo chí và chủ yếu đáp ứng nhu cầu của công chúng về mặt thông tin. Các bài viết thường nhận xét tập trung vào phần văn học của tác phẩm điện ảnh, giới thiệu các gương mặt nổi bật, thiếu phần bàn luận chuyên môn và định hướng sáng tác. Vì phê bình điện ảnh hời hợt, cầm chừng, thiếu chuyên nghiệp, không gắn với lý thuyết chuyên ngành nên ít tác dụng đối với đời sống điện ảnh của đất nước. Chưa kể có những bài báo, do không đủ kiến thức đã đưa ra những nhận định mâu thuẫn, trái ngược nhau, gây phức tạp, hoang mang dư luận…

Quyền lực mềm

Quay lại câu chuyện về tính bản sắc trong phim điện ảnh Việt, theo PGS.TS Trần Luân Kim, một trong những dấu ấn nổi bật của phim truyện thời gian qua là biến động của khuynh hướng sáng tác, gắn liền với nhu cầu phổ biến phim - cũng từ đó, gắn với nhu cầu của khán giả trẻ. Ngoài số ít phim giữ lối chế tác truyền thống, phần lớn đã chuyển đổi cả khuynh hướng lẫn phong cách thể hiện. Trong khi phương pháp sáng tác được mở rộng thì lý luận sáng tác chưa tạo được cơ sở vững chắc và thiếu thể nghiệm, đã phần nào dẫn đến chao đảo, lạc lối…

Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng, những liên hoan phim hay giải thưởng phim, bên cạnh sự tôn vinh giới làm phim thì suy cho cùng đây chính là diễn đàn để cùng một lần được nhìn lại, đánh giá chặng đường sáng tác. “Nếu hằng năm chúng ta có nhiều diễn đàn như thế này và các diễn đàn được đúc kết một cách có chất lượng thì điện ảnh chúng ta mới có cơ sở vững mạnh được, nếu không, dù có làm bao nhiêu phim đi nữa thì cũng theo kiểu là mạnh ai nấy làm, không có chủ thuyết gì cả. Trên thực tế, văn hóa chính thống là nền văn hóa phải xây dựng trên bản sắc dân tộc và nền tảng lý luận. Tuy nhiên, hiện nay, bản sắc trong phim Việt chưa đủ mạnh, điều này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do lý luận chúng ta không vững, thành ra những người làm phim không có một cơ sở văn hóa cao và thống nhất. Chúng ta có thể thắng được ở phòng vé, nhưng nếu chúng ta không có bản sắc thì điện ảnh chúng ta không thể phát triển”, Lê Hoàng bày tỏ. Theo ông, xuất khẩu văn hóa là một ngành thu tiền và thu lợi rất lớn cho kinh tế chứ không phải chỉ giải trí. Đây được gọi là “quyền lực mềm”, nếu chúng ta coi thường sức mạnh này mà quá chú trọng những sản phẩm giải trí thuần túy thì không thể có được một nền văn hóa phát triển và được công nhận.

Giới nghề cho rằng, trong tương lai, để đột phá phát triển ngành phim truyện nước nhà tương ứng với quy mô phát triển nền kinh tế đất nước, cần quan tâm đến yếu tố đầu tiên là đào tạo - bồi dưỡng đội ngũ đồng bộ, tài năng, trách nhiệm. Giờ đây, trong điều kiện kỹ thuật số phát triển, chúng ta không khó để có đủ phương tiện kỹ thuật hành nghề, điều cần tập trung xử lý là tính chuyên nghiệp trong toàn bộ dây chuyền, hoạt động của ngành. Cần từng bước hình thành nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩm cả ở lĩnh vực văn học lẫn lĩnh vực kỹ thuật. Trong sáng tác - chế tác phim truyện, nên lấy cá tính sáng tạo, cái mới, hình tượng nổi bật, nét văn hóa dân tộc độc đáo cùng hình thức biểu hiện ngôn ngữ điện ảnh hiện đại làm tiêu chí miêu thuật phổ biến. Bên cạnh đó, không thể không dốc sức chăm lo, quản lý thị trường chiếu phim. Mất hoặc bị thu hẹp thị trường sẽ lập tức ảnh hưởng xấu đến quy mô và tiến độ sản xuất - chế tác phim truyện. Bám chắc thị trường trong nước, đồng thời từng bước mở rộng thị trường ra khu vực và thế giới, có như vậy phim truyện Việt Nam mới thực sự có điều kiện và cơ hội phát triển quy mô, vững vàng. 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top