The face - gương mặt thương hiệu 2017: Chưa chung kết đã biết kết quả

The face - gương mặt thương hiệu 2017: Chưa chung kết đã biết kết quả

VH- Rất hiếm có chương trình gameshow, truyền hình thực tế nào khiến khán giả phải tò mò, dự đoán ai là quán quân trong đêm chung kết. Bởi phần lớn các kết quả đều không khác dự đoán của khán giả. Chương trình “The face - gương mặt thương hiệu” mùa thứ hai cũng không nằm ngoài quy luật này.

Đêm chung kết của chương trình The face khiến người xem thất vọng bởi sự nhạt nhẽo, vô vị từ các thí sinh cũng như thử thách của chương trình.
Điều này ngay sau khi kết thúc mùa đầu tiên, khán giả đã dự đoán trước. Một cuộc thi không thể hiện được mục đích “cao cả” như ban tổ chức đề ra. Khiến cho người xem cảm nhận chương trình như một “cái chợ”. Ở đó, các thí sinh, huấn luyện viên đóng vai những người bán và mua hàng. Có sự chanh chua, đấu đá, tranh cãi nhau… Tài năng và bản lĩnh của các thí sinh… không được chú trọng ngoài những ồn ào giữa các huấn luyện viên. Trong “vai” ác để hâm nóng dư luận, huấn luyện viên Minh Tú đã được nhận không ít gạch đá, phản ứng từ phía dư luận, điều mà hoa hậu Phạm Hương đã phải nhận ở mùa đầu tiên. Thể hiện sự xấu xí, chanh chua… chỉ mang lại sự tranh cãi trong dư luận, nhưng nó hoàn toàn phản tác dụng đối với một chương trình truyền hình. Nhất là khi tài năng của các thí sinh trong chương trình lại không là vấn đề được nhắc đến, nhưng nó vẫn là “món” mà các nhà sản xuất coi như đặc sản trong chương trình của mình.
Đêm chung kết xếp hạng của cuộc thi đáng lẽ tôn vinh tài năng nổi bật của các thí sinh lại lộn xộn, ồn ào như cái chợ. Phần lớn các thử thách, phần thể hiện chỉ mang tính hình thức. Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả đều đã có sự “sắp xếp” từ trước nên việc đòi hỏi sự kịch tính, tò mò từ phía khán giả hầu như chỉ là con số không. Từ thử thách catwalk, selfie, ứng xử… khiến người xem có cảm giác làm cho có, càng làm càng thấy sự vụng về của đạo diễn và các thí sinh.
Mặc dù đây là chương trình tìm kiếm gương mặt đại diện kết hợp thời trang và quảng cáo thương hiệu nhãn hàng (có thể làm hấp dẫn được)… nhưng cách mà chương trình đang làm lại không thể hiện rõ được điều này.
Tạo ra sự “kịch tính” giả bằng cách đổ dồn sự phán quyết thắng thua trong tay khán giả. Ai mạnh fan người đó thắng, khiến cho cuộc thi này thiếu sự công bằng ngay từ đầu.
Trên các diễn đàn mạng, phần lớn các ý kiến đều phản ứng và cho rằng nên dừng lại những chương trình như thế này. Bởi nó không mang giá trị thực sự như những gì các nhà sản xuất đề cập. Mỗi mùa trôi qua, điều đọng lại không phải là tài năng, gương mặt của thí sinh mà là cách ứng xử với nhau giữa các thí sinh, huấn luyện viên.


Mai Linh

Ý kiến bạn đọc