Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

“Bám” làng mùa dịch

Thứ Tư 15/09/2021 | 11:02 GMT+7

VHO- Dịch Covid-19 bùng phát khiến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) phải tạm dừng đón khách. Tuy nhiên, cuộc sống của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại Ngôi nhà chung vẫn luôn được Ban quản lý chăm lo chu đáo để bà con yên tâm “bám” làng…

 Đồng bào dân tộc Xơ Đăng phục dựng lại những giá trị văn hóa của dân tộc mình

 Trang bị kiến thức cho đồng bào

Những năm qua, đã có nhiều hoạt động diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tạo điều kiện để cộng đồng các dân tộc được hội tụ về Ngôi nhà chung giao lưu, trao đổi, tôn vinh và bảo tồn văn hóa truyền thống. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã làm ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề tổ chức các hoạt động văn hóa tại đây và tác động không nhỏ đến cuộc sống của bà con đồng bào các dân tộc hiện đang sinh sống tại làng.

Ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: “Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, Làng đã tạm dừng đón khách tham quan từ tháng 7.2021. Thay vì cứ ngồi chờ hết dịch, chúng tôi đã chủ động mời các chuyên gia nghiên cứu và quản ý văn hóa để mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho bà con nhằm cung cấp cho họ những kiến thức văn hóa không chỉ của dân tộc mình mà còn cả những dân tộc khác. Điều quan trọng nhất là khi trở về với bản làng, đồng bào sẽ là nguồn nhân lực quan trọng trong việc phát triển du lịch tại các địa phương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Bên cạnh đó, tận dụng quãng thời gian này, các nghệ nhân đã tập trung phục dựng lại những giá trị văn hóa được xác định là một trong những nội dung phục vụ khách tham quan trong thời gian tới. Đồng thời, để đảm bảo không gian văn hóa được bền vững, tránh xuống cấp, Ban quản lý đã cùng bà con tiến hành tu sửa lại không gian của từng khu làng”.

Bên cạnh nhiệm vụ chăm lo cuộc sống của bà con, Ban quản lý Làng còn tổ chức lớp dạy chữ dành cho một số đồng bào chưa biết tiếng Việt. Đây là lớp học đặc biệt vì người học đủ mọi lứa tuổi và việc dạy chữ sẽ do cán bộ của Làng phụ trách. Thông qua đó, đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại Ngôi nhà chung sẽ chủ động, tự tin hơn trong quá trình giao tiếp, giới thiệu những giá trị văn hóa của chính dân tộc mình đến với du khách. Đồng thời nâng cao hàm lượng giá trị văn hóa cho các du khách khi đến với Làng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Xuyến (dân tộc Tày, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ: “Việc mở lớp dạy chữ tiếng Việt, bồi dưỡng kiến thức là một việc làm hết sức có ý nghĩa nhằm phục vụ tốt hơn cho cuộc sống và hoạt động của đồng bào. Lớp học đã được mở vài tháng nay, tổ chức vào những buổi tối cuối tuần. Bên cạnh sự hướng dẫn của cán bộ ở Làng thì những bà con biết chữ cũng sẽ tham gia dạy cho những người chưa biết. Tôi rất vui khi được góp sức dạy chữ cho mọi người. Từ những buổi học này, bà con ở các khu làng được gặp gỡ, giao lưu và hiểu về văn hóa của nhau nhiều hơn, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng”.

Đoàn kết để vượt khó

Khi được hỏi về cuộc sống của bà con đang sinh hoạt tại Làng trong thời gian dịch bệnh Covid-19, ai cũng buồn vì không thể đón khách tham quan như trước, không có cơ hội được quảng bá và giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc tới mọi người. Cùng với đó là thu nhập cũng bị ảnh hưởng vì không bán được sản vật của dân tộc mình. Nhưng đây là khó khăn chung nên bà con chủ động chung tay cùng cán bộ của Ban Quản lý thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Nghệ nhân Y Sinh (đồng bào dân tộc Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum) cho biết: “Tháng 9 hằng năm luôn có rất nhiều hoạt động, chương trình văn hóa diễn ra để chào mừng ngày Quốc khánh. Năm nay do tình hình dịch bệnh nên các hoạt động phải tạm dừng, dù điều này đã khiến cho không khí tại Làng trở nên trầm lắng hơn, thế nhưng mọi người đều xác định đây là khó khăn chung. Thời gian qua, Ban quản lý luôn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi động viên để bà con yên tâm “bám” làng và 100% đồng bào các dân tộc đang sống tại đây đều đã được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19”.

Thời gian qua, cùng với Bộ VHTTDL, một số tập đoàn, hiệp hội đã quyên góp, ủng hộ và trao tặng đồng bào nhiều suất quà ý nghĩa gồm nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn... Tại đây cũng luôn có cán bộ y tế túc trực, thường xuyên tuyên truyền tới bà con những thông tin liên quan tới tình hình dịch bệnh Covid-19, hướng dẫn họ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng đã tạo điều kiện cho bà con tăng gia thêm các loại rau củ quả, chăn nuôi gia cầm, chăm sóc làm đẹp cảnh quan không gian làng mình, sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống,…

Theo thống kê, trong 5 năm (2015-2020), Làng đã phối hợp với các địa phương đưa 15 nhóm cộng đồng các dân tộc về hoạt động hằng ngày tại Ngôi nhà chung gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, Bru-Vân Kiều. 

 VŨ MỪNG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top