Từ làn gió chướng

VH- Gió chướng lại về rao rao trên mái lá. Ấy lại là những ngày cuối năm, nơi tôi ở là một miền đất cù lao, nước sông lên xuống hai lần trong ngày, nắng ngập tràn. Từ khi xa quê, lựa chọn phương Nam là nơi công tác, nơi ở của mình, chúng tôi lấy lá dừa làm khuôn bánh, cùng lá chuối. Gạo nếp, thịt mỡ, đậu xanh như bánh chưng nơi quê kiểng, nhưng phương Nam không có lá dong, nên tôi và bạn bè lấy lá dừa làm khuôn, cùng lá chuối để gói, để có những chiếc bánh chưng nhỏ và mỏng hơn chiếc bánh chưng nơi quê nhà.

Từ làn gió chướng - Anh 1

Dù biết người dân miệt vườn gói bánh tét, một loại bánh chưng dài, nhưng tôi và bạn bè không gói được. Mấy cô bạn tôi sáng nay đã ra chợ mua gạo nếp, đậu xanh về để chuẩn bị gói bánh chưng theo kiểu của chúng tôi ở Nam Bộ, về đến nhà kêu nắng nóng… quá trời!!! Tôi bèn nhắc, “ngoài kia, quê chúng mình đang mùa đông, sáng nay, đài truyền hình Việt Nam báo: Hà Nội và vùng đông bắc thời tiết đang chịu gió mùa đông bắc, nhiệt độ chỉ chừng 14- 15 độ C đấy”. Tất cả chúng tôi, những người con xứ Bắc ăn Tết phương Nam, không ai bảo ai, lặng người nhớ Tết xưa!

Ở quê tôi,Tết xưa là một sự chuẩn bị kỳ công. Tháng Mười gặt lúa xong, chỗ ruộng cấy lúa nếp cái hoa vàng được mẹ tôi cho gặt riêng, đập riêng, để riêng ở một bồ, sau ngày Ông Công Ông Táo mới xay giã, để gói bánh chưng. Làng tôi là một làng nằm giữa vùng châu thổ sông Hồng, cả làng chỉ trồng lúa, nhưng ba bốn bề đều là chợ. Không kể chợ Đậu (xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên)là loại chợ “chồm hổm” ngày nào cũng họp một lúc buổi sáng, còn lại là chợ phiên: chợ Dâu (xã Thanh Khương, cùng huyện) họp các ngày 2,5,7, chợ Keo (nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) họp vào các ngày 1, 3, 8 Âm lịch. Phiên chợ Tết bao giờ cũng là 27 tháng Chạp với chợ Dâu, 28 tháng Chạp với chợ Keo. Bà nội, rồi mẹ tôi đều đi chợ Keo. Thường là tôi không được đi chợ Tết, nhưng có năm tôi được theo bà, theo mẹ đi chợ Tết. Mẹ tôi dẫn tôi ra trước hàng bán lá dong, chọn cẩn thận từng chiếc lá và mua cả trăm chiếc lá, gói thành hai bó, rồi bảo tôi đứng trông. Trên đường từ chợ Keo về, tôi nghe mẹ nói chuyện với một người trong làng cùng đi chợ về chuyện chung “lợn” với nhà ai! Thì ra là thế, không chỉ chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh, mua lá dong, mà còn chuẩn bị thịt lợn. Lại thêm chuyện vại dưa, vại hành được muối từ vài ba ngày nay của hai nhà ra sao? Có phải dễ dàng đâu, cả năm gom góp, tích trữ mới có được các thứ cho ngày Tết.

Sáng ngày 30 tháng Chạp, tôi còn mơ màng trong chăn bông, đã nghe tiếng lợn kêu ầm ĩ. Thì ra, việc mổ lợn đã được bắt đầu. Thế mà, đến trưa, tôi đã thấy bố tôi bày các thứ trên cái nia để gói bánh chưng. Khi ấy, cậu bé chín mười tuổi như tôi nào đã biết gì, chỉ biết mẹ tôi đã sắp sẵn nào đậu xanh, nào gạo nếp, nào thịt mỡ, nào lá dong, lạt để bố tôi gói bánh chưng. Bữa cơm chiều ba mươi, bố tôi bày các món lên ban thờ để cúng tổ tiên. Đôi câu đối đỏ treo hai bên cột nhà, nhưng tôi chưa thấy bánh chưng. Bởi nồi bánh vẫn đang trên bếp sôi ùng ục. Rồi đêm giao thừa, nồi bánh chưng đã chín, bố tôi bày lên bàn thờ cùng lễ vật để cúng. Tôi vẫn nhớ đến tận bây giờ, khi ấy làng tôi chưa có điện, nhưng cả gian thờ rất sáng, vì ngọn đèn và ngọn nến, đôi câu đối màu đỏ lại càng sáng. Chiếc bánh chưng trong lá dong vuông vức trên chiếc đĩa và đĩa giò lụa. Sáng mồng một Tết, mấy anh em chúng tôi đã được mẹ tôi gọi đứng trước ban thờ tổ tiên, sau lưng bố tôi, để bố tôi cúng Tổ tiên. Rồi mâm cỗ Tết được bày ra, để cả nhà ăn bữa ăn đầu của ngày mồng một Tết. Khi ngồi vào mâm, tôi đã thấy mẹ tôi bày đủ các món Tết: bánh chưng, dưa hành, món nấu, món xào, đủ cả!

Dòng chảy ký ức của tôi về Tết xưa: Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ; Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh chưa dứt, tôi còn đang mơ mơ màng màng thì đã thấy trên bàn làm việc những công trình nghiên cứu của các học giả. Cụ Phan Kế Bính, từ năm 1915 đã bảo: “Sáng mồng một Tết, cỗ bàn to nhỏ thế nào mặc lòng, nhưng làm sao cũng phải có bánh chưng, cá kho, giò, chả, thịt bò mới ra ngày Tết”. Nhiều người phân tích rất hay về cái sâu sắc, thâm thúy của cha ông trong cái bánh chưng: gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh gói lại theo hình vuông, luộc cả hơn chục tiếng đồng hồ, khi ăn lại phải có dưa hành, chất béo, chất bột, chất chua hòa quyện trong miệng người. Phải chăng đây là văn hóa ẩm thực của người Việt. Nhưng điều thấm sâu trong tâm khảm tôi là màu đỏ của đôi câu đối treo nơi hai cột nhà. Tùy năm, căn nhà được bố tôi treo tranh dân gian làng Đông Hồ đầu huyện. Thời tiết đầu xuân có khi mưa phùn, có khi lạnh giá, từ ngoài bước vào gian nhà nơi dựng ban thờ có màu đỏ của câu đối khiến căn nhà thêm sáng. Sau này, tôi thấy người thầy của tôi khái quát cơ cấu bữa ăn của người Việt là CƠM+RAU+CÁ, tiếp nối thầy, tôi nghĩ cơ cấu bữa ăn Tết Nguyên đán của người Việt là: THỊT MỠ + DƯA HÀNH + BÁNH CHƯNG, trong những căn nhà CÂU ĐỐI ĐỎ. Thường ngày, mô hình bữa ăn của người Việt như thầy tôi khái quát, nhưng cơ cấu ấy được thay đổi trong ngày Tết. Mở nước về phương Nam trong lịch sử, cơ cấu bữa ăn ngày Tết là THỊT MỠ+DƯA HÀNH+ BÁNH TÉT (Bánh chưng hình tròn, dài). Vẫn là một triết lý ẩm thực nghiêng về rau, nhưng cả năm chỉ có ba ngày Tết, nên thay đổi là lẽ đường nhiên! Bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành tồn tại trong những nếp nhà tự bao đời khi Tết đến Xuân về với nét khác nhau.

Gấp những trang sách về Tết xưa trên bàn, như muốn khép lại dòng ký ức, tôi ra ngoài sân. Nắng phương Nam, gió chướng rao rao nơi vườn dừa, tôi và các bạn mình lại chuẩn bị gói bánh chưng bằng lá dừa, chuẩn bị để luộc đêm ba mươi tháng Chạp này. Gói bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, có khi nào mà người ta lại quên được nhỉ.

GS.TS Nguyễn Chí Bền

Ý kiến bạn đọc