Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Đừng giới thiệu tôi nhé!

Thứ Ba 13/02/2018 | 00:30 GMT+7

VH- Tuổi tác nhiều khi không để dấu ấn ở văn chương. Có cụ đã ở tuổi “xưa nay hiếm” mà văn vẫn lai láng, thanh xuân, còn có anh chị đang ở 7x, 8x mà giọng văn khú đế là điều đã thấy. Cho nên nói nhà văn già, nhà văn trẻ ở trang viết nhỏ này là chỉ so về tuổi tác và vài đức tính dễ nhận thấy mà thôi, chứ không đám nói về tài năng và sáng tác của họ.

Ảnh: T.L

Không biết thời trẻ từng là “thần đồng” các cụ có hay ầm ĩ không, nhưng về già, xem ra các tiên sinh ít lời, không lập ngôn, chỉ cặm cụi viết chứ không thích người khác để ý đến mình. Như cụ Tô Hoài chẳng hạn. Mấy năm trước, nhân chuyến đi thực tế vùng quê ngoại thành, Hội Sân khấu Hà Nội mời cụ cùng đi để nghe mong cụ kể Hà Nội xưa. Cụ là pho từ điển về cả nội thành và ngoại thành. Nhưng từ lúc lên xe, chụp cái mũ vải cà tàng màu cháo lòng lên đầu, ngồi như lún sâu xuống ghế, cụ không nói chuyện gì, lại còn giao hẹn với Ban tổ chức, là đến huyện, đến xã, đến làng đừng giới thiệu danh tính, cứ để cụ được tự nhiên nghe bà con nói chuyện.

Nhưng việc lại không như ý cụ.

Đến làng nọ, vừa bước xuống xe, có anh vác cuốc ra đồng thấy cụ, reo lên, ôi, nhà văn Tô Hoài về thăm làng ta bà con ơi, thế là cánh thợ cày, thợ cấy vây quanh cụ. Không trốn vào đâu được, cụ vui vẻ thăm hỏi chuyện làm ăn với bà con một lát, rồi ngoảnh đi, ngoảnh lại… biến mất. Cho đến lúc xe đi, anh em tìm mới thấy cụ đang ngồi với một bà già tách hạt ngô ở cửa bếp căn nhà tre lá. Cụ đang nói chuyện dùng búp ổi chữa bệnh đi ngoài với bà lão.

Cụ Tô Hoài kể, sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân cũng có cái tính kín tiếng như cụ. Lần ấy, Nguyễn Tuân ra bến Nứa mua vé đi nông trường Điện Biên. Mặc dù đã ăn mặc xềnh xoàng và lích kích túi to, túi nhỏ như một người Nam Định, Ninh Bình đi lao động nông trường, nhưng mà vừa tới bến xe, đã bị một hành khách phát hiện, chào nhà văn Nguyễn Tuân rõ to. Bị lộ tung tích, cụ bực mình xách túi quay về luôn chỉ vì không thể ngồi yên trên xe như một hành khách đi nông trường để nghe bà con tự nhiên nói chuyện. Phải đến chuyến sau lại ra bến xe, Nguyễn Tuân mới đi lọt. Chuyến ấy, cụ viết bài thơ Giăng liềm ở cánh đồng Mường Thanh và thiên tuỳ bút Sông Đà nổi tiếng, liệt kê bao nhiêu là ghềnh thác mà đọc thấy núi sông hùng vĩ và tình người tha thiết.

Vẫn chuyện cụ Tô Hoài kể, nhà văn Nguyên Hồng là đời thường người ăn to nói lớn, nhưng lại kín tiếng về bản thân và nghề văn. Sau kháng chiến chín năm, nhà văn Nguyên Hồng quay lại cắm đất dựng nhà ở Nhã Nam, hậu cứ của văn nghệ kháng chiến. Nghe đâu bạn văn của ông nằm xuống nơi này, nên ông ở lại để có người hương khói.

Lần đó, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Đình Thi tiếp nhà văn Pháp ở khách sạn Metrophone, mời nhà văn Nguyên Hồng cùng tiếp khách. Cụ Nguyên Hồng quần nâu, áo gụ như ông nhà quê Nhã Nam, đi chiếc xe đạp cà tàng đến khách sạn, bị bảo vệ chặn lại. Bảo vệ hỏi, cụ là ai mà vào đây, Nguyên Hồng nhất định không khai tên, chỉ nói, người của Hội Nhà văn đi giúp việc. Cho đến khi, ông chủ tịch Hội Nhà văn biết sự tình, xuống can thiệp, rằng, đây là nhà tiểu thuyết hàng đầu của văn học Việt Nam, bảo vệ mới cho Nguyên Hồng bước vào khách sạn lộng lẫy nhất Hà Nội thời đó.

Một nhà văn cao niên và kiệm lời mà tôi biết là ông Ma Văn Kháng. Tôi may mắn đươc cùng ông sang thăm nước Lào. Ông nói được tiếng Thái, tiếng H.Mông và cả tiếng Pháp, nên giao tiếp với người Lào cả ở thành phố và nông thôn khá dễ dàng. Rất ít nói về mình, đến đâu cũng chỉ thấy ông chăm chú hỏi chuyện đủ các loại người gặp trên đường rồi cắm cúi ghi chép. Có đêm ở khách sạn, thấy ông chong đèn quá nửa đêm, tôi gõ cửa hỏi ông có việc gì cần giúp không. Thì ra ông đang hì hục vẽ. Trong giới nhà văn đương thời có một số bỗng dưng ham cầm cọ. Sang Lào đẹp người, đẹp cảnh, ông Kháng bỗng ham vẽ như vài nhà văn thời thượng chăng? Thì ra không phải ông vẽ mà đang ghi chép bằng hình, như con dao chặt cây, cái gùi mây đeo lưng phụ nữ lên nương, dáng nhà của người Lào Thơng bám trên lưng núi, nơi anh em nhà văn vừa thăm quan… Cả chuyến đi chỉ thấy một lần ông xuất hiện giữa đám đông với nhiều lời về như cầu bản thân với mấy cô bán hàng ở chợ buổi sáng để mua đủ bốn mươi suất quà cho anh em cơ quan Hội Nhà văn và người thân…

Tính tình của các cụ nhà văn tiền bối vẫn còn nhiễm lại với một số “thần đồng” của văn học trẻ hôm nay mà tôi biết, như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thuý, Nguyễn Ngọc Thuần, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Kim Hòa… Số con cháu các cụ này chỉ ham làm việc, sống bình dị, điềm đạm, giấu mình. Họ khá thành công trong văn chương nhưng hầu như không ai to tiếng về nghiệp. Điều cần nói, họ nói trong tác phẩm, chứ không nói ở chỗ đông người.

Nhưng phần còn lại, cũng có nhiều anh em viết trẻ sống mạnh bạo, quyết liệt hơn, không ngại ngần tiến về phía đám đông, quảng bá văn chương cùng hình ảnh của mình bằng các phương tiện truyền tin phong phú hiện nay. Có anh chị chỉ thấy người chưa thấy văn. Sôi nổi nhất là số anh chị em là văn nghệ sĩ bỗng nhiên nhảy vào văn chương, nhờ viết hoặc tự viết hồi ký để PR cuộc đời của mình. Những cuốn hồi ký này hàm lượng văn chương thường nhẹ, nhưng lại vô số những chuyện tình nóng bóng, thậm chí trắng trợn hấp dẫn giới phan cuồng.

Mới rồi người viết bài báo nhỏ này đi chùa Trấn Quốc, may mắn được hầu chuyện sư thầy. Khi nói về bàn tay người, kinh Phật có câu, cầm cá, ắt tay phải tanh, cầm hương ắt tay phải thơm. Bàn tay cầm bút của người văn lịch duyệt, khiêm nhã và thông tuệ, hẳn trang văn của họ cũng có những ưu tính trên. Người lại, chắc là không được như thế. Đó cũng chỉ là nhận xét đại khái, không thể hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, văn chương nhân loại, từng có kẻ cướp, tù nhân có tác phẩm để đời đó thôi. Tính cách và già trẻ liệu có ảnh hưởng đến sự tiến thoái của văn chương? Điều này cũng có lời bàn ra, bàn vào, nhưng chưa ai đám chắc. Nhà văn cũng như thiên hạ bách tính. Bách tính mới làm nên thiên hạ, chứ một tính thì sống một mình ư! Thôi thì mỗi thế hệ mỗi tính, hãy cứ chờ đợi, hi vọng, chẳng có gì mà lo với thế hệ tương lai của văn học. Kinh nghiệm từ hồi xây Kim Tự Tháp là đừng lo mai sau dốt hơn quá khứ.

Nhà văn Hà Đình Cẩn

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top