Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Văn học cho thiếu nhi: Sách nội lên ngôi

Thứ Hai 15/01/2018 | 09:44 GMT+7

VH- Khoảng 10 năm trước, trong khi văn hóa đọc cho người lớn bùng nổ và trở nên bão hòa thì văn học thiếu nhi bị bỏ quên.

Nhìn thấy mảnh đất màu mỡ này, khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều tác giả không ngại dấn thân vào mảng đề tài văn học cho độc giả nhí dù rằng, viết cho lứa tuổi này không hề dễ dàng. Đặc biệt là truyện mang tính khoa học và giàu trí tưởng tượng cho bé, nhất là các bé ở thành phố.

Sách “Trên đồi, mở mắt và mơ” của Văn Thành Lê

 Sinh động, súc tích và hấp dẫn

Bất ngờ lia lịa của nhà văn Lưu Thị Lương có nhiều đầu sách thu hút thiếu nhi nhờ dẫn dắt các câu chuyện khá hài hước, dí dỏm. Cuốn sách đánh dấu sự trở lại của nhà văn sau những năm gác bút. NXB Kim Đồng ấn hành cuốn sách này và ra mắt độc giả cuối tháng 11.2017. Theo tác giả 61 tuổi, cuốn sách có nội dung theo chân các cô cậu học trò từ lớp học đến sân trường, phòng bảo vệ, nhà vệ sinh... Tất cả khắc họa nên thế giới học trò vô tư, tinh nghịch. “Tôi không dám viết cái gì kinh khủng cả. Thậm chí không dám dùng từ “chết” mà thay bằng “ngừng thở”. Tôi không muốn để trẻ con buồn. Trẻ con phải được sống tốt, được yêu thương, nâng niu”, Lưu Thị Lương chia sẻ về việc viết cuốn sách. Trước đó, nhà văn am hiểu tuổi học đường từng có những tác phẩm theo hơi thở của cuộc sống hiện đại Thẻ nhớ đâu rồi, Khổ vì “Phây”, Tin nhắn tình yêu hay sách cho thiếu nhi như Hội những người không thích hội, Mùa hè lạnh toát, Bí mật ở trên gác, Alô! Ai đó? Tôi đây!... Những tác phẩm của bà đậm chất văn hóa Nam Bộ, chân chất, dí dỏm mà sâu sắc…

Văn Thành Lê, tác giả từng viết nhiều sách cho tuổi tí nhau: Ông mặt trời và mùi hương của mẹ, Nam nhi, đại trượng phu cũng vừa cho ra mắt cuốn Trên đồi, mở mắt và mơ, sách dày 200 trang chứa nhiều gam màu cảm xúc về đám trẻ ở quê, vừa hồn nhiên, vui tươi lại thơ ngây.

Theo như tâm sự của tác giả, viết sao cho ngắn gọn, súc tích để trẻ không cảm thấy ngán. Nội dung kể về cậu bé thành thị tên Thành về quê nghỉ hè với bà nội. Làng quê, với trẻ con thành phố luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt. Sự xa cách, lạ lẫm của một vùng đất tạo nên sức hút cho cậu bé.

Võ Diệu Thanh đến từ An Giang được biết đến với nhiều sáng tác văn chương từ thời còn đi học, đặc biệt sau giải nhì cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20, bạn đọc cả nước dần quen thuộc với cái tên Võ Diệu Thanh như một nhà văn nữ ở miền Tây Nam Bộ qua nhiều tập truyện ngắn xuất sắc như Gạt đi nước mắt, Cô con gái ngỗ ngược, Lời thề đá, Mười bảy cây số đường ma. Những năm gần đây chị đặc biệt quan tâm đến việc viết cho tuổi thiếu nhi.

Chị đã cho ra đời hai tập truyện dài dành cho lứa tuổi hoa là Siêu nhân Cua Chúng mình bay đầy trời. Mới đây, nhà văn tiếp tục cho ra mắt tập truyện ngắn Những cậu bé mặt trời.

Nguyễn Thị Kim Hòa xuất thân chuyên ngành kinh tế đối ngoại nhưng tham gia viết văn và được biết đến nhiều sau khi đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014 với ba truyện ngắn Đỉnh khói, Hương thôn dã, Thôi mùa cỏ cháy.

Tuy nhiên, gần đây chị cũng có nhiều sách viết cho thiếu nhi như Tay chị tay em, Cút cà cút kítnhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa thể hiện sự am hiểu thế giới trẻ thơ qua từng trang viết của mình. Chị giống như một bà tiên bí ẩn trong thế giới cổ tích mà chị dựng lên, với cây đũa thần kì diệu vẩy phép màu vào thế giới trẻ thơ. Nguyễn Thị Kim Hòa cuốn hút độc giả nhí bằng lối viết vừa mộng mơ, vừa giàu chất hiện thực, ngôn ngữ hóm hỉnh, dí dỏm và nhiều chi tiết cảm động.

Thì thầm cùng giọt sương của Nguyễn Thu Hằng và Nắng phơi trắng xóa của Riv Nguyễn cũng là những truyện ngắn nhỏ xinh đều mang đến cho độc giả những câu chuyện thú vị, mang nhiều nét đặc trưng của miền đất quê hương tác giả.

Tới những truyện, sách tranh

Tác giả Nguyễn Hương Linh mang đến cho độc giả nhí bộ Mình có thể làm gì: gồm các truyện Giúp mẹ thiên nhiên Để giúp đỡ cộng đồng. Thỏ đi gieo hạt, Cái mũi dài của voi, Tiệm nước ép của chuột, Nai làm họa sĩ… của tác giả Thùy Dung là những câu truyện nhẹ nhàng, tinh tế, vui vẻ, và đương nhiên rất... trẻ con... Còn Chuyện ở rừng vi vu là một món quà rất ý nghĩa và vui nhộn cho các bé. Đây là những câu chuyện rất dễ thương của các bạn trong rừng Vi Vu như: Voi Mũi Dài, Nai Ngơ Ngác, Thỏ Điệu, Chuột Răng Nhọn, Khỉ Tinh Nghịch. Là bộ truyện ra đời dựa trên sự nghiên cứu, khảo sát tập tính và tâm lý các bé giai đoạn 0-6 tuổi. Sách được làm theo phong cách mới, ngôn ngữ trẻ thơ, tranh vẽ gợi trí tưởng tượng, giúp bé khám phá xung quanh và thế giới cảm xúc nội tâm bên trong của mình.

Để bắt nhịp nhu cầu thị trường, mới đây, hàng loạt tác phẩm Những tấm lòng yêu thương của Hoàng Bình Trọng, Nhạc giữa trời của Nguyễn Bích Nga, Những vì sao trong mơ của Nguyễn Ngọc Minh Hoa… cũng được NXB Kim Đồng cho tái bản. Nói như nhà văn Như Trân, sách truyện dành cho lứa tuổi 0-6 cần sự trong sáng, đơn giản nhưng gợi mở những chân trời tưởng tượng, sáng tạo không biên giới… Để làm được điều này không hề đơn giản. Ngoài tài năng, sự tâm huyết, tác giả cần phải biết cách hóa thân thành trẻ con, viết ra những điều hấp dẫn thú vị mà trẻ muốn đọc. Thế giới của con nít nó khác người lớn, có những điều không tưởng người lớn nghĩ không thể xảy ra, nhưng với trẻ con, không gì là không thể.

Trước đây, văn học cho thiếu nhi ở Việt Nam phần lớn là người lớn viết cho trẻ em nên đôi khi giáo điều, nặng nề giáo huấn, độc giả nhí khó hấp thụ. Nay dần được khắc phục và hi vọng chân trời mới cho văn học thiếu nhi sẽ sáng hơn.

Phía các nhà văn và chuyên gia giáo dục cho rằng, cần đánh thức tình yêu văn học trong tâm hồn các em. Khuyến khích các em đọc truyện chữ thay vì đua nhau đọc truyện tranh hay chơi game như hiện nay. Và đó là trách nhiệm của các bậc phụ huynh, của người lớn, của truyền thông, của hệ thống giáo dục - xuất bản, của toàn xã hội.

Nguyễn Hưng

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top