Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Xử phúc thẩm vụ kiện Thần đồng đất Việt: Ghi tên Lê Linh là tác giả để có người đại diện giao lưu?

Thứ Sáu 19/07/2019 | 10:49 GMT+7

VHO- TAND TP.HCM vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt giữa nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và bị đơn là Công ty TNHH truyền thông giáo dục và giải trí Phan Thị (gọi tắt là Công ty Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Công ty Phan Thị).

 Trước đó, ngày 18.2, TAND quận 1 đã xét xử và tuyên công nhận ông Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật Tý, Sửu, Dần, Mẹo; bà Phan Thị Mỹ Hạnh không phải là đồng tác giả. Đồng thời, buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Linh sáng tạo, buộc Công ty Phan Thị xin lỗi ông Linh công khai trên báo trong 3 kỳ liên tiếp và phải thanh toán chi phí dịch vụ luật sư cho ông Linh là 15 triệu đồng.

Không đồng ý với kết luận của bản án sơ thẩm, tháng 3.2019, phía bị đơn là Công ty Phan Thị đã làm đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Vân Nam đại diện bị đơn cho rằng ông Lê Linh từng vẽ nhiều truyện để gửi đến các nhà xuất bản nhưng bị từ chối do không có dấu ấn cá nhân trong tác phẩm. Suốt phiên tòa sơ thẩm, ông Linh đã không mô tả được ý tưởng ban đầu thì không thể là tác giả của các nhân vật này. Trong quá trình làm việc, ông Linh vẽ các nhân vật dưới sự kiểm soát, nếu không đúng với ý tưởng của bà Hạnh thì không được chấp nhận.

Khi HĐXX hỏi bà Phan Thị Mỹ Hạnh với tư cách là giám đốc, tư cách là người thực hành ý tưởng, bà với ông Linh có thêm thỏa thuận nào ngoài hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa các bên để xác định về quyền tác giả, quyền tác phẩm và quyền sở hữu không? Bà Hạnh trả lời giữa hai bên chỉ có HĐLĐ. HĐXX hỏi, vậy trong HĐLĐ đó có điều khoản nào nói ông Linh phải vẽ theo ý tưởng của bà Hạnh nói ra không? Bà Hạnh cho biết trong HĐLĐ chỉ nói rõ là thực hiện theo yêu cầu của công ty. Bà Hạnh cũng nói rằng đối với bốn nhân vật Tý, Sửu, Dần, Mẹo, bà định hình cấu trúc nhân vật trên đồ họa vi tính cho ông Linh thấy và trao đổi với ông Linh để vẽ ra các nhân vật này, các buổi làm việc có sự chứng kiến của nhân viên công ty.

Bà Hạnh cũng cho rằng ông Linh là nhân viên theo hợp đồng lao động với Phan Thị. Ngược lại, ông Linh cho rằng ông chỉ hợp tác với công ty này. Ông xin cộng tác dựa trên các bộ truyện riêng của ông và sau khi bộ truyện thành công sẽ chia lợi nhuận. Theo đó, bà Hạnh chỉ cung cấp chất liệu cho ông sáng tác, còn ông tự nghĩ ra cả phần tranh và phần lời thoại, tên nhân vật do ông nghĩ ra. Cũng như bà Hạnh, ông Linh khẳng định giữa ông và bà không có văn bản thỏa thuận nào khác. Ông Linh vẫn giữ nguyên yêu cầu như ở phiên tòa sơ thẩm.

HĐXX hỏi bà Hạnh, khi tạo ra bộ truyện này, bà có ý kiến gì khi phát hành từ tập 1 đến 78 đều để tên tác giả Lê Linh? Trả lời câu hỏi này, bà Hạnh nói rằng, trên tác phẩm có ghi rõ 4 cá nhân và đơn vị cùng là tác giả: bao gồm dòng đầu tiên là Công ty Phan Thị, dòng thứ hai là tranh và truyện của Lê Linh, dòng thứ ba là đồ họa vi tính và dòng thứ tư là CLB Trạng và bạn, đây là những người có góp công sức để hình thành nên bộ truyện Thần đồng đất Việt. Còn việc ghi tên Lê Linh là tác giả là để có một người đại diện giao lưu với thiếu nhi nhằm tạo ra hiệu quả kinh doanh tốt và cũng để nâng cao hình ảnh của ông Lê Linh để mọi người được biết tới.

Về việc làm tác phẩm phái sinh, phía bị đơn cho rằng ông Linh là nhân viên theo hợp đồng của Công ty Phan Thị. Toàn bộ quyền tài sản đã chuyển giao cho Công ty Phan Thị. Vì vậy Phan Thị được quyền làm tác phẩm phái sinh mà không cần sự đồng ý của ông Linh. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm cho rằng việc Công ty Phan Thị làm tác phẩm phái sinh là xâm phạm đến sự toàn vẹn của tác phẩm mà không đề cập như thế nào là xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm.

Đại diện bị đơn cũng cho rằng nếu bản án sơ thẩm được thực thi sẽ làm các nhà đầu tư nước ngoài về xuất bản, phim ảnh lo lắng vì luật pháp Việt Nam khuyến khích nhân viên lợi dụng quyền nhân thân, đòi hỏi chia theo doanh số, cản trở kinh doanh của công ty. Phía nguyên đơn thì cho rằng bản án sơ thẩm là hợp lý. Công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm, có quyền làm tác phẩm phái sinh dựa trên hình tượng gốc. Tuy nhiên, ở đây Công ty Phan Thị làm tác phẩm phái sinh khác với hình tượng gốc nên phải được sự đồng ý của Lê Linh...

Dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ tranh luận vào chiều ngày 29.7. 

H.GIANG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top