Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Chất lượng sách thiếu nhi ngày càng được nâng cao

Thứ Sáu 25/01/2019 | 10:27 GMT+7

VHO- Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2019 sẽ diễn ra vào ngày 25.1 tại TP.HCM.

Các nhà xuất bản đã nắm bắt được xu hướng đọc của độc giả trẻ Ảnh: T.L

Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cho biết, năm 2018, sách văn học trong và ngoài nước có giá trị được xuất bản, tái bản nhiều, thu hút bạn đọc ở nhiều lứa tuổi. Nắm bắt được xu hướng đọc của độc giả trẻ, các nhà xuất bản đã đầu tư xuất bản các tác phẩm văn học của tác giả trẻ Việt Nam (chủ yếu là truyện ngắn, tản văn, bút ký). Đây là một trong những loại sách tạo nên hiệu ứng tích cực, thu hút được nhiều thanh thiếu niên đến với sách. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm của các tác giả ở địa phương vùng sâu, vùng xa và Việt kiều trên thế giới cũng được quan tâm xuất bản. Việc xuất bản các tác phẩm này không những phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn làm phong phú thêm diện mạo cho thị trường sách.

Sách dành cho thiếu nhi đang dần được nâng cao về chất lượng. Đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều sách thiếu nhi của các tác giả Việt Nam, trong đó có tranh truyện Việt. Những tác phẩm tranh truyện Việt được một số nhà xuất bản chú trọng đầu tư nên ngày càng đẹp về cách trình bày, màu sắc, phong phú về nội dung, hấp dẫn được bạn đọc nhỏ tuổi, vừa đáp ứng được nhu cầu giải trí, vừa có tính giáo dục cao. Đây là một điểm nổi bật, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các nhà xuất bản trong việc phục vụ nhu cầu của bạn đọc và dần tiến tới việc cạnh tranh với tranh truyện nước ngoài. Cụ thể, gần đây, hai cuốn sách dành cho thiếu nhi của Tạ Duy Anh được NXB Phụ Nữ phát hành, đó là cuốn Phép lạ - là truyện vừa kể về chuyến nghỉ hè của một cô bé thành phố. Cô bé bị bệnh tim bẩm sinh, từ nhỏ đã phải hạn chế tiếp xúc cuộc sống bên ngoài vốn ồn ào, phức tạp; Hiệp sĩ áo cỏ là một truyện đồng thoại hóm hỉnh. Từ những mô tả chi tiết và sinh động sinh hoạt của các con thú ở đồng cỏ, với trí tưởng tượng và liên tưởng tinh tế, tác giả dựng nên một xã hội thu nhỏ trong đó có người tốt kẻ xấu, người thật thà kẻ mưu mẹo, người ngay kẻ gian... Ở cả hai tác phẩm, nhà văn Tạ Duy Anh đều nhấn mạnh vào khía cạnh giáo dục tinh thần trẻ em. Tác giả gửi gắm mong muốn một lớp trẻ khỏe mạnh, yêu thiên nhiên, sống nhân hậu.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Đó là: Sự buông lỏng quản lý trong quy trình biên tập, đọc duyệt nội dung xuất bản phẩm của lãnh đạo, biên tập viên ở một số nhà xuất bản; một số cơ quan chủ quản, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, coi trọng đối với hoạt động xuất bản, phát hành do vậy không nắm bắt được tình hình của nhà xuất bản trực thuộc một cách toàn diện và sâu sát để có những chỉ đạo kịp thời và đầu tư cần thiết; một số cơ sở phát hành vẫn bày bán xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc, không có chứng từ hợp lệ hoặc phải chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác mang lại lợi nhuận cao hơn sách.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2018, qua công tác đọc, kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu, Cục đã phát hiện và xử lý 78 xuất bản phẩm vi phạm (giảm 49,7% so với năm 2017). Trong đó: Xử lý 44 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung (giảm 56,5% so với năm 2017); Xử lý 20 xuất bản phẩm sai sót nhiều về câu chữ, lỗi chính tả, cách trình bày; Xử lý 12 xuất bản phẩm vi phạm khác, như: chưa nộp lưu chiểu đã phát hành; in sai, in thiếu thông tin trên xuất bản phẩm; xử lý 2 xuất bản phẩm mạo danh nhà xuất bản, in lậu, nhập lậu và lưu hành bất hợp pháp.

Một điểm hạn chế quan trọng của trình độ biên tập viên các nhà xuất bản hiện nay là việc thiếu hụt nhân lực làm sách điện tử. Việc phát triển sách điện tử song song với sách in truyền thống đang là một xu hướng phát triển của xuất bản hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và đang hiện diện ngày càng rõ nét ở Việt Nam. Hiện nay, nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ này đang thiếu, không phải nhà xuất bản nào cũng có thể đầu tư đào tạo, tuyển dụng được đội ngũ lao động có trình độ cao đáp ứng được việc chuyển giao công nghệ xuất bản, phát hành hiện đại của các nước trong khu vực và thế giới. Vì vậy, những hạn chế về nguồn nhân lực này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển xuất bản điện tử hiện nay và trong thời gian tới.

Theo ThS Đào Duy Nghĩa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, công tác đào tạo biên tập viên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, không sát với thực tế công việc biên tập. Đặc biệt là công tác đào tạo nhân lực cho xuất bản sách điện tử. Hiện chưa có nhà xuất bản nào có chính sách cụ thể về việc đào tạo nhân lực làm sách điện tử. Cũng chưa có cơ sở giáo dục đào tạo nào nghiên cứu về việc đào tạo sinh viên chuyên ngành xuất bản sách điện tử. Các cơ sở đào tạo cũng chưa nghiên cứu, đánh giá sâu tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới kỹ năng nghề nghiệp cũng như xu hướng việc làm để có thể định hướng phù hợp cho sinh viên.

 THANH NGỌC

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top