Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Văn học tình cảm Pháp hấp dẫn giới trẻ Việt Nam

Thứ Sáu 26/08/2016 | 15:16 GMT+7

VH- Văn học lãng mạn tình cảm Pháp đã được dịch và biết đến ở Việt Nam từ lâu. Dù bị quy là văn học bình dân, thương mại, nhưng thể loại văn học này vẫn hấp dẫn độc giả trẻ do vừa mang tính chất giải trí, vừa có khả năng xây đắp nên một thế giới tinh thần phong phú.

Trong thời điểm sách ngôn tình đang làm mưa làm gió trên thị trường thì dòng văn học lãng mạn tình cảm Pháp vẫn có chỗ đứng và hấp dẫn giới trẻ. *
Tại cuộc tọa đàm “Tại sao văn học tình cảm Pháp hấp dẫn bạn đọc Việt” mới đây, TS Phùng Ngọc Kiên, Phòng Văn học nước ngoài, Viện Văn học đã thừa nhận thể loại văn học này ra đời từ rất sớm. Nhà văn, nhà triết học người Thụy Sĩ Jacques Rousseau với tác phẩm Nàng Heloise mới đã tạo nên bước ngoặt trong việc bộc lộ, bày tỏ cảm xúc sâu kín, riêng tư của con người, thay đổi hoàn toàn thị hiếu thẩm mỹ đương thời, đánh dấu bước khởi đầu cho văn học tiền lãng mạn thế kỷ XIX. Sau đó, với nhu cầu đọc của tầng lớp thị dân được mở rộng, văn học tình cảm càng phát triển ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp.
Nhiều người đọc say mê văn chương ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đến nay đã không còn xa lạ gì với những tên tuổi như: Marc Levy, Guillaume Musso, Anna Gavalda hay Grégoire Delancourt,… cùng nhiều tác phẩm lãng mạn hiện đại luôn hướng tới đề cao và nuôi dưỡng những tình cảm thuần khiết của mỗi bản thể. Dịch giả Bằng Nguyên - người chuyển ngữ các tác phẩm được đông đảo bạn đọc yêu thích như Mọi điều ta chưa nói, Ngày mai, Cuộc gọi từ thiên thần… cho rằng, văn học Pháp vẫn giống như một tượng đài từ trước tới nay, và trong đó nổi lên văn học lãng mạn, vì đất nước Pháp thơ mộng, con người Pháp được coi là lãng mạn nhất trên thế giới, văn học lãng mạn Pháp là thế mạnh đương nhiên. Không chỉ thu hút đông đảo bạn đọc, dòng văn học tình cảm Pháp còn giành được sự đánh giá cao đối với cả giới chuyên môn. Bằng chứng là nhiều nhà văn Pháp đã giành được giải thưởng Nobel văn chương như Le Clézio vào năm 2008 hay Patrick Modiano vào năm 2014. Và cho dù đã nhiều năm trôi qua nhưng Marc Levy và Guillaume Musso vẫn thay nhau chiếm vị trí cao trên bảng xếp hạng các tác giả văn học Pháp được đọc nhiều trên thế giới.
Tại Việt Nam, từ sau “cơn sốt” Marc Levy với Nếu em không phải một giấc mơ và một loạt tác phẩm sau đó, tới các tác phẩm của Guillaume Musso, văn học tình cảm Pháp không chỉ giúp khai phá lượng độc giả đông đảo, mà nguồn thu từ các tác phẩm này cũng đáng kể. Tuy nhiên, dòng văn học này cũng vấp phải nhiều chỉ trích của giới phê bình trong nước và tạo ra nhiều cuộc tranh luận không có hồi kết. Em Đặng Hương Giang, sinh viên khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, từ trước đến nay, văn học tình cảm Pháp bị quy là dòng văn học bình dân, thương mại. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng mỗi tác phẩm là cơ hội để người đọc tìm thấy một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, tìm được những trải nghiệm tuy bình dị nhưng mang đến sự thư thái để hiểu hơn về thực tại và về chính con người họ.
Sức hấp dẫn của văn học Pháp là khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật, đáp ứng được nhu cầu của nhiều lứa tuổi, từ các em thiếu niên đến những người trưởng thành cần sự chiêm nghiệm cao. Dịch giả Bằng Nguyên khẳng định: Thế giới tình cảm đa dạng, gần gũi mà các tác giả xây dựng nên ở mỗi tác phẩm là một chất keo vô hình khiến độc giả gắn bó với văn học tình cảm Pháp nhiều năm nay.
Sẽ là khập khiễng khi so sánh giá trị nghệ thuật của văn học tình cảm Pháp hiện đại với những tác phẩm cổ điển, theo độc giả lớn tuổi Đỗ Thu Nga (Hà Nội): chính Marc Levy, Musso... đã và đang là cầu nối cho những người yêu văn học, và nhất là giới trẻ đến gần hơn với nền văn học chân chính, không sa đà vào thế giới ngôn tình Trung Quốc hay những trò chơi điện tử. Hãy để thế hệ trẻ lựa chọn khẩu vị “đọc” cho mình, và từ những cuốn sách dễ đọc của văn học tình cảm lãng mạn Pháp, dần dần, chúng sẽ tìm tới khám phá những tác phẩm kinh điển.


Hoàng Hà

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top