Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Vấn nạn “đạo” văn, thơ

Thứ Tư 19/07/2017 | 10:41 GMT+7

VH- VH- Chưa bao giờ vấn nạn “đạo” văn, thơ lại trở nên nhức nhối khiến nhiều văn nghệ sĩ phải trăn trở như thời điểm hiện nay.

Mới đây nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, người từng là nạn nhân của vụ “đạo thơ” gây xôn xao khắp các diễn đàn thơ văn, cũng như tốn không ít giấy mực của truyền thông trong năm 2015 đã lên trang mạng cá nhân của mình “than thở” vì vừa phát hiện một tác phẩm của mình “được phổ nhạc” nhưng tác giả bài hát (có sử dụng thơ của Thường Đoan) hoàn toàn không xin phép tác giả. Chỉ đến khi nữ nhà thơ này “lướt web” và tình cờ thấy những dòng “khoe” của nhạc sĩ kia là bài hát “mới toanh” kia có trên 7 ngàn lượt nghe, kèm theo đó là những dòng tự nhận là tác giả sáng tác hoàn toàn (từ giai điệu đến ca từ của bài hát) thì nhà thơ Thường Đoan đã không giấu nổi sự “kinh ngạc” lẫn bức xúc. Ca khúc trên có sử dụng thơ của chị để phổ nhạc thế nhưng lại không xin phép tác giả?
Qua vụ việc của Thường Đoan lần này, nhiều văn nghệ sĩ cho biết thời điểm hiện nay chuyện tương tự không hiếm, mặt khác phải khẳng định vấn nạn “đạo” văn, thơ đã trở thành “đại dịch” và… tràn lan bởi bất kì lúc nào những đứa con tinh thần của nghệ sĩ cũng có thể được “người khác” tùy tiện sử dụng mà không xin phép, thậm chí rất nhiều lần các tác giả sững sờ khi chứng kiếm nhiều đoạn văn tâm huyết hay những câu thơ tâm đắc của mình xuất hiện nhan nhản trong một quyển thơ hay văn mới xuất bản của một cây viết “lạ hoắc” nào đó nhưng đã bị “phù phép” nhằm hợp thức hóa thành “tài sản” của họ. Nhà báo-nhà thơ Trần Hoàng Nhân đưa ra ví dụ điển hình thường thấy nhất hiện nay là chuyện các bài thơ được “chôm” rất tinh vi như một số người đặt tên là “độc thoại với tác giả này hay với nhân vật kia”, sau đó khéo léo đưa những đoạn thơ “đắt” của các tác giả kia vào tác phẩm của mình, mà phía dưới hoàn toàn không chú thích là đoạn này được trích của ai, lấy từ đâu…; dần dà khiến nhiều độc giả (chưa từng đọc qua những đoạn thơ trên) sẽ lầm tưởng những câu chữ này của tác giả nọ sáng tác chứ không phải “vay mượn”. Cứ thế hết tập thơ này đến tập thơ khác, họ ngang nhiên đưa thơ của người khác vào tác phẩm của mình.
Không hiếm trường hợp “chơi bạo hơn”, lên mạng đọc thấy hay thì copy luôn từng câu từng chữ rồi in hẳn luôn vào tập thơ hay gửi đăng báo với tên của mình kí phía dưới mà chẳng cần sửa đổi hay thêm thắt gì cả. Tương tự, ở mảng văn học chuyện tác giả này “cầm nhầm” tác phẩm từng đoạt giải của nhà văn ở tỉnh nọ và bê nguyên xi rồi gửi đăng trên các tạp chí để lấy nhuật bút cũng thường xuyên xảy ra. Thế nhưng khi bị phát hiện thì bản thân những nhân vật trên rất giỏi chống chế như: Vô tình lên mạng internet thấy bài thơ, đoạn thơ hay quá nên “nhập tâm” (trong đầu cứ tư tưởng mãi và nghĩ là của mình) nên viết ra và cho vào tập thơ lúc nào không biết?! Hay với các tác phẩm truyện ngắn, văn chương thì “câu chuyện này được bạn bè kể lại và tác giả tưởng chưa ai viết nên ghi lại”… Một khi các nhân vật “đạo” thơ, văn này bị dư luận đưa ra bằng chứng khẳng định “cố tình chứ không có nhầm lẫn gì ở đây hết” thì họ lập tức thông qua nhiều mối quan hệ quen biết liên hệ với các tác giả “xịn” để năn nỉ, cầu xin tha thứ thì mọi chuyện thể nào cũng dần “chìm xuồng” bởi bản tính của người nghệ sĩ thường phóng khoáng cũng như rất ngại chuyện “thưa kiện” nên nếu có người biết sai nhận lỗi thì sẽ được… cho qua; vô tình làm cho không ít người ngoài miệng thì nhận lỗi nhưng bản chất cứ “ngựa quen đường cũ” vô tư “xào nấu”-biến văn chương, thơ phú của người khác thành cái của mình, góp phần làm nạn “đạo” văn, thơ ngày càng trở nên nhức nhối và nhiều văn nghệ sĩ chân chính phải trăn trở, đau đầu.
Trở lại chuyện của nhà thơ-nhà báo Thường Đoan lần này, ngay khi phát hiện sự việc trên, chị đã lên trang cá nhân để bày tỏ sự bức xúc, sau khi nhiều văn nghệ sĩ vào bình luận sôi nổi cũng như khuyên chị quyết làm sáng tỏ sự việc tới cùng thì ít phút sau phía trang cá nhân của nhạc sĩ kia đã “sửa chữa” ngay thông tin là “phổ thơ của Phan Ngọc Thường Đoan”, đáng buồn ở chỗ “sai” đã sửa rồi nhưng tác giả kia vẫn không gọi điện hay nhắn tin xin lỗi chị, tuy nhiên nhà thơ này cũng chọn cách kết thúc câu chuyện và không bàn luận gì thêm bởi đây không phải là trường hợp đầu tiên có người “mượn” tác phẩm của chị, nhiều sự việc xảy ra trước đó cũng được chị cho qua vì như lời Thường Đoan thì người làm nghệ thuật ai cũng có lòng tự trọng và chị muốn giữ cho họ bộ mặt đẹp trước công chúng. Có thể thấy cách xử lý của chị đã được nhiều văn nghệ sĩ ủng hộ và đánh giá cao bởi bên cạnh cái lý người làm nghệ thuật còn coi trọng… chữ tình, vì vậy “đánh cho chừa” thì được chứ ai nỡ “đánh cho chết” bao giờ! Điều quan trọng mỗi người cần hiểu rõ nếu đã xác định mình là một văn nghệ sĩ-người làm nghệ thuật chân chính thì hơn ai hết lòng tự trọng, đạo đức phải được bản thân đặt lên hàng đầu; đặc biệt hãy bỏ thói vô tư “xài chùa” hay “đạo” văn, thơ của người khác bởi “chơi dao có ngày đứt tay”, chỉ cái gì tinh túy do chính mình dùng con tim và khối óc sáng tác, làm ra mới có thể tồn tại lâu bền trong lòng đồng nghiệp, công chúng…


Quang Khải
 

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top