Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

“Nhật ký Nguyên Hồng”- nhiều bí mật được tiết lộ

Thứ Tư 21/11/2018 | 11:39 GMT+7

VHO- Lần đầu tiên, những trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Hồng được công bố. Những trang nhật ký của ông, từ 1941-1982, hiển hiện cả một thời đại, sống động và chân thực. Đặc biệt là đời sống văn nghệ của đất nước trong suốt hơn nửa đầu thế kỷ XX, cũng như nhiều câu chuyện liên quan đến các nhà văn cùng thời như Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Tưởng… được tiết lộ.

Cuốn “Nhật ký Nguyên Hồng” do NXB Trẻ vừa ấn hành

Điều thú vị, bản thảo được chính con gái của ông là dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư và Nguyễn Thị Nhã Nam chọn lọc và hoàn thiện. 

Nhà văn Nguyên Hồng là người có thói quen ghi nhật ký. Trong những cuốn sổ tay của ông để lại mà gia đình có được, những trang nhật ký được bắt đầu từ năm 1941 và kéo dài đến cuối năm 1981. 

Dịch giả Thanh Thư cho biết, qua những trang nhật ký của ông, hiển hiện cả một thời đại, sống động và chân thực. Đặc biệt là đời sống văn nghệ của đất nước trong suốt hơn nửa đầu thế kỷ XX. Qua những trang nhật ký này, chúng ta có thể phần nào biết được các nhà văn thế hệ ấy, họ đã sống và viết như thế nào.

Cũng theo con gái nhà văn Nguyên Hồng tiết lộ: “Nhật ký như là một phần cuộc sống của cha tôi. Ông viết hầu như là hàng ngày. Hay đúng hơn là hầu như mỗi sự kiện trong đời đều được ông ghi lại. Về gia đình, về các con, về người vợ thông minh nhưng gày yếu, về người mẹ hiền từ, về bạn bè văn chương, về công việc viết lách cũng như công tác đoàn thể, về những sự kiện lớn trong nước và quốc tế, về những nhân vật mà ông bỏ nhiều công sức tìm hiểu cũng như những con người mà ông gặp hàng ngày, về những ước mơ hay dự định”. 

Bên cạnh đó, những ghi chép còn cho thấy sự có mặt của ông trong nhiều bước ngoặt của đời sống văn nghệ nước nhà, từ Đề cương Văn hóa của Đảng năm 1943 hay những ngày cải cách ruộng đất ở Hải Phòng năm 1956, rồi kháng chiến chống Mỹ và những ngày Mỹ ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng… 

Năm 1947, ông đưa gia đình tản cư lên sinh sống tại xóm Cầu Đen, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và ông coi đây là quê hương thứ hai của mình. Ngày 2.5.1982, nhà văn đột ngột ra đi ở tuổi 64; cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông là "Núi rừng Yên Thế".

Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

 Nhà văn Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5.11.1918 tại Nam Định. Ông là nhà văn có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm của ông mang một tình cảm nhân đạo thống thiết. Ông bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn "Linh hồn", đến năm 1937, ông thực sự gây được tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết "Bỉ vỏ" - tác phẩm là bức tranh xã hội sinh động về thân phận những "con người nhỏ bé dưới đáy" như Tám Bính, Năm Sài Gòn...

Ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải Phòng. Tháng 9 năm 1939 bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở căng Bắc Mê (Hà Giang) năm 1940. Năm 1943, ông tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.

H. THU

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top