Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Gameshow nhạt nhẽo, vô bổ… chễm chệ lên sóng

Thứ Hai 18/06/2018 | 10:40 GMT+7

VH- Một thời gian dài, gameshow đổ bộ truyền hình với đủ thể loại: hài, ca hát… những gương mặt “hot” được sử dụng làm giám khảo hầu hết các chương trình. Đến lúc bão hòa, các nhà sản xuất thay thế vị trí này bằng những gương mặt trẻ đang “hot” vào chiếc ghế nóng quyền lực… giám khảo! Đáng nói là, những gương mặt trẻ nhưng còn “non” tuổi nghề trong các gameshow, non trong cả kiến thức xã hội và bản lĩnh sân khấu.

 Bộ ba giám khảo trong Dự án số 1

 Chương trình gameshow “Debut: Dự án số 1” đang được chiếu trên kênh VTV3 mỗi tối thứ 6 hằng tuần. Được giới thiệu là “chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc với format hoàn toàn mới và khác biệt. Chương trình nhằm mục đích mang đến góc nhìn chân thực nhất cho khán giả về quá trình từ zero đến debut của một nghệ sĩ và produce, tìm kiếm những nhân tố đột phá cho thị trường giải trí Việt Nam, cũng như tạo nên một nghệ sĩ trẻ tài năng và toàn diện về trình độ, kiến thức, phong cách, thẩm mỹ và sự nghiệp tương lai…”. Mới chỉ qua hai tập đầu lên sóng truyền hình, nhiều khán giả đã phản ứng về chương trình giống “hài nhảm” hơn là một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát. Chính vị trí những người ngồi ghế nóng, ban giám khảo chưa thuyết phục được người xem.

Ca sĩ Đức Phúc, dù mới chỉ là quán quân một cuộc thi ca hát truyền hình bỗng dưng trở thành giám khảo nhận xét và chọn các thí sinh. Buồn cười hơn cả, mỗi lời nhận xét của Đức Phúc đều khiến cho người xem cảm thấy hài hơn là về chuyên môn. Ngay từ đầu, khi chương trình đưa ra 3 cái tên làm giám khảo: Hoàng Thùy Linh, Hương Tràm và Đức Phúc dư luận đã không đồng tình. Với tuổi đời còn quá trẻ, tuổi nghề non nớt lại được đảm nhận một vị trí giám khảo là điều khó chấp nhận. Điều đó thể hiện trong từng lời nhận xét của họ đối với thí sinh. Sau khi nghe thí sinh hát, nhiều lần Đức Phúc cười ngặt nghẽo, đưa những lời nhận xét không ăn nhập như: “Nhìn các bạn hát giống như 5 anh em siêu nhân đang cứu thế giới bằng âm nhạc, xem tiết mục bọn em anh cứ cười…”. Hay “Nghe bạn hát, tôi có cảm giác như người yêu mình ngay bên cạnh, cùng ngồi bãi biển uống nước dừa mặc dù tôi chưa yêu bao giờ” (!).

Hoặc khó hiểu ở một nhận xét khác: “Bạn chưa có trách nhiệm với chính mình, chưa đặt ra mục tiêu rõ ràng khi tham gia chương trình. Tôi không cần biết chương trình đó như thế nào, chỉ cần biết đó là chương trình ca hát là đủ. Bạn cần biết quý trọng những lần mình xuất hiện như thế này. Bạn phải đặt được quyết tâm cũng như mục tiêu chính đáng để theo đuổi khi bạn bắt đầu tham gia một chương trình nào đó”.

Không rõ tiêu chí cuối cùng của chương trình như thế nào nhưng mỗi giám khảo lại có cách nhận xét và lựa chọn trái ngược nhau. Dù với thí sinh chê hết lời nào là giọng yếu, hát không rõ lời… nhưng lại được chọn. Còn những người hát tốt hơn thì bị loại với lý do “không biết làm gì hơn cho thí sinh” (?).

Nhiều khán giả xem có chung cảm giác chương trình không xứng một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát. Giám khảo, những người ở vị trí quan trọng không khác đang tấu hài. Mỗi lời nhận xét ngô nghê của Đức Phúc cũng khiến cho chính những giám khảo còn lại cười ngặt nghẽo. “Liệu đây có phải một chương trình giải trí trên truyền hình quốc gia không? Khi xem mấy tập phát sóng vừa qua tôi thấy nó quá nhạt và nhảm. Tìm kiếm tài năng mà như thế không hiểu tài năng kiểu gì. Ban giám khảo nhận xét còn cảm tính và ngô nghê thiếu kiến thức chuyên môn cũng như xã hội. Thí sinh biểu diễn tự tin thì bảo phải biết tiết chế. Không tự tin lại bảo mạnh mẽ, hát yếu không rõ lời thì được chọn. Tóm lại nó giống như lẩu thập cẩm có đủ thứ hài, ca hát…”, khán giả Hoàng Minh chia sẻ.

Việc những gương mặt trẻ, thiếu kinh nghiệm, non tuổi nghề bị “ép” ngồi trên chiếc ghế nóng gameshow không phải là hiện tượng mới. Trong đó, không ít những thí sinh vừa dành chiến thắng mùa đầu tiên ngay lập tức trở thành giám khảo mùa thi sau. Điều này tạo nên sự gượng ép, không phù hợp. Đành rằng, độ “hot” tạo hiệu ứng cho khán giả nhất là lượng fan hùng hậu… nhưng lại chưa đủ trình độ cũng như kinh nghiệm để ngồi vào vị trí mà ngay cả những người có chuyên môn kiến thức cũng còn e ngại.

Vẫn biết gameshow cũng chỉ là để giải trí cho vui, nhưng thực tế từ những chương trình giải trí ấy đã sản sinh nhiều nhân tố mới, kể cả “sao ảo” vào thế giới showbiz. Việc lựa chọn những gương mặt “cầm cân” không phải ai cũng ngồi được. Việc gượng ép những gương mặt “non” tuổi nghề, kinh nghiệm vào vị trí giám khảo khiến nhiều chương trình trở nên nhạt nhẽo, thiếu tôn trọng người xem.

Trong khi đài truyền hình là nơi tuyên truyền định hướng thẩm mỹ văn hóa nghệ thuật cho công chúng lại đang thả lỏng chức năng của chính mình. Để nhiều gameshow nhảm, nhạt, không mang tính giáo dục, thẩm mỹ tràn ngập và chiếm sóng giờ vàng là một thực tế buồn… Một thành viên tham gia làm chương trình Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM của Hội đồng LLPB VHNT TP.HCM cho biết: Gần đây chương trình của Hội đồng lý luận phê bình đã phát sóng trên HTV9 rất nhiều chuyên đề bám sát thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật như: Nỗi buồn ca từ; Đạo đức nhiếp ảnh; Múa minh họa trong biểu diễn nghệ thuật… Nhưng đến đề tài “Gameshow và những hệ lụy” đã hoàn thành nhưng không được phát sóng vì đụng chạm… (!?)

PGS.TS Văn Thị Minh Hương - nguyên GĐ Nhạc viện TP.HCM cho rằng: “Cần tiết chế số lượng gameshow và có sự kiểm tra về chất lượng các gameshow trước khi phát sóng rộng rãi. Truyền hình là kênh thông tin chính thống của 1 đất nước không nên để tràn lan và “tùm lum” thiếu định hướng về quan điểm giáo dục, văn hóa, thẩm mỹ về nghệ thuật như thời gian qua. Các nhà đài phải chịu trách nhiệm về mọi mặt khi các chương trình được phát sóng”. 

 Liệu đây có phải một chương trình giải trí trên truyền hình quốc gia không? Khi xem mấy tập phát sóng vừa qua tôi thấy nó quá nhạt và nhảm. Tìm kiếm tài năng mà như thế không hiểu tài năng kiểu gì. Ban giám khảo nhận xét còn cảm tính và ngô nghê thiếu kiến thức chuyên môn cũng như xã hội. Thí sinh biểu diễn tự tin thì bảo phải biết tiết chế. Không tự tin lại bảo mạnh mẽ, hát yếu không rõ lời thì được chọn. Tóm lại nó giống như lẩu thập cẩm có đủ thứ hài, ca hát…

(Hoàng Minh - Hà Nội)

 

 ​ Gần đây chương trình của Hội đồng lý luận phê bình đã phát sóng trên HTV9 rất nhiều chuyên đề bám sát thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật như: Nỗi buồn ca từ; Đạo đức nhiếp ảnh; Múa minh họa trong biểu diễn nghệ thuật… Nhưng đến đề tài “Gameshow và những hệ lụy” đã hoàn thành nhưng không được phát sóng vì đụng chạm… (!?)

(Ý kiến của một thành viên của Hội đồng LLPB VHNT TP Hồ Chí Minh)

 MAI LINH

 

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top