Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Game show Vote for five: Hát thì ít... phá “hit” thì nhiều?

Thứ Sáu 02/09/2022 | 09:00 GMT+7

VHO- Game show tuyển chọn thần tượng Vote for five phát trên một số nền tảng trực tuyến đang gây nhiều tranh cãi khi chất lượng thí sinh cùng các phần trình diễn không được như kỳ vọng. Thậm chí, một số phần thi của thí sinh còn bị coi là “thảm họa” khi phá nát bản hit của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ từng thể hiện trước đó.

Vote for five” đang gây tranh cãi về chất lượng thí sinh Ảnh: NSX

Sốc vì “thảm họa”

Khi mới xuất hiện thông tin Vote for five sẽ lên sóng trên các nền tảng trực tuyến tại nước ta, nhiều khán giả đã rất trông chờ vào việc sẽ có một game show tuyển chọn thần tượng chất lượng. Cụ thể, Vote for five là chương trình truyền hình về âm nhạc nhằm tìm ra 5 nam ca sĩ trẻ tài năng (độ tuổi từ 18-28) trên khắp Việt Nam để thành lập một nhóm nhạc thần tượng. 100 thí sinh lọt qua vòng tuyển chọn sẽ bước vào thời gian đào tạo kỹ năng, luyện tập và biểu diễn theo các chủ đề hoặc thử thách âm nhạc khác nhau. Những chủ đề, thử thách mà Vote for five đưa ra cho các thí sinh được BTC hứa hẹn sẽ đảm bảo cả tính chuyên môn, xu hướng lẫn giải trí. Mỗi tuần thi sẽ đều có những thí sinh bị loại nếu không “lọt mắt xanh” của khán giả.

Với format có phần giống với các show tuyển chọn thần tượng vốn “làm mưa làm gió” ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Vote for five được kỳ vọng sẽ làm nên điều tương tự. Thế nhưng càng kỳ vọng, khán giả lại càng thất vọng khi chất lượng thí sinh không được đánh giá cao. Bị “réo tên” nhiều nhất phải kể đến phần thể hiện hit Khác biệt to lớn của ca sĩ Trịnh Thăng Bình, bởi team Everest. Mặc dù thể hiện sự khôn khéo khi chọn bản hit để trình diễn và gây sự chú ý, nhưng team Everest vẫn làm khán giả “khóc thét” bởi sự hỗn loạn trong phần hoà âm cũng như phong cách trình diễn khi các giọng ca thể hiện theo kiểu “mạnh ai nấy chạy”. Thí sinh Quang Đức thậm chí còn gây sốc vì có phần lên nốt cao sai kỹ thuật, khiến phần thi càng thêm “bùng nhùng”. Chủ nhân hit, ca sĩ Trịnh Thăng Bình thẳng thắn chia sẻ không thích phiên bản này của ca khúc. HLV Trúc Nhân dùng từ “chê” cho màn trình diễn. Còn Đông Nhi thì nói thẳng với thí sinh Quang Đức sau phần phiêu: “Nếu không thuộc về khả năng của mình, tại sao lại ôm vào người?”.

Hay với thí sinh Tuấn Anh của Flowers Team, khi thí sinh này thể hiện đoạn rap ca khúc Thà rằng như thế, nếu không xem phần lời Việt được chạy trên màn hình, khán giả sẽ không thể hiểu anh này đang hát gì dù đây là ca khúc tiếng mẹ đẻ. Ngoài những lỗi trên, việc thí sinh hát phô, quên lời, nhảy sai nhịp… cũng làm không ít khán giả ngán ngẩm về khả năng trình diễn của họ.

Không mấy được quan tâm

Sau 5 tập phát sóng với vô số “sạn”, Vote for five được cho là không có sức lan tỏa bởi chất lượng chuyên môn chưa thật sự được đề cao như ở phiên bản của một số nước. Nói vậy không có nghĩa toàn bộ phần trình diễn được phát sóng trong thời gian qua đều bị khán giả phản đối. Thực tế, vẫn có tiết mục ghi được dấu ấn trong lòng người xem, nhưng đôi khi việc thí sinh mắc lỗi hay màn trình diễn “thảm họa” lại khiến khán giả ấn tượng hơn và biến đây trở thành vấn đề để bàn luận trên mạng xã hội. Cũng chính vì nhiều “sạn”, khán giả đang thắc mắc liệu BTC có thật sự nghiêm túc trong tuyển chọn đầu vào hay không. Vẫn biết thí sinh còn khiếm khuyết, mong muốn được trau dồi chuyên môn mới đăng ký đi thi, nhưng nếu liên tục phạm lỗi lớn trong trình diễn, đơn vị sản xuất nên xem xét lại thí sinh. Không làm tốt vấn đề này thì không chỉ Vote for five mà tất cả những game show truyền hình khác sẽ khiến khán giả bị ác cảm.

Để thay đổi nhận thức của công chúng về chương trình tuyển chọn nhóm nhạc không phải là câu chuyện “một sớm, một chiều”. Ít nhất, muốn nhận được thiện cảm thì những game show này phải trau chuốt nhất có thể trên mọi phương diện, từ chất lượng thí sinh cho đến chất lượng các tác phẩm trình diễn. Việc để xuất hiện quá nhiều “sạn”, thậm chí dùng cách này để câu view càng chỉ khiến khán giả quay lưng.

Nguyên nhân khác khiến Vote for five không nhận được nhiều sự quan tâm là vì chương trình đang đi theo hướng tuyển chọn nhóm nhạc. Trong khi đó, cách thức hoạt động của showbiz Việt và văn hoá hâm mộ của khán giả Việt Nam hiện nay chưa thật sự “chuộng” hình thức này. Những năm qua, nhiều nhóm nhạc Việt Nam được ra mắt nhưng đều có chung kết quả “sớm nở, tối tàn”. Điển hình nhất là LIME gây được tiếng vang ở xứ sở Kim chi sau chương trình I can see your voice nhưng khi về nước lại không nhận được sự chú ý, cứ chìm dần và sau cùng đã phải nói lời chia tay với công chúng. Những nhóm nhạc như Mắt ngọc, 5 dòng kẻ, OPlus… lại không đi theo hướng xây dựng hình ảnh thần tượng. Vì thế, khán giả mặc định trong suy nghĩ nhóm nhạc khó hoặc không thể “trụ” được ở thị trường giải trí Việt Nam. Và công chúng lo rằng nhóm nhạc được hình thành từ Vote for five cũng sẽ đi theo “vết xe đổ” của những tiền bối. Hình dung được một phần kết quả nên không nhiều người quan tâm theo dõi game show này cũng là điều dễ hiểu. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top