Lễ hội áo dài TP.HCM 2018: Có những thắc mắc không nhỏ

VH- Với hàng loạt hoạt động nhằm tôn vinh tà áo dài truyền thống của dân tộc, Lễ hội Áo dài TP.HCM lần V năm 2018 hứa hẹn là sân chơi hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội áo dài TP.HCM 2018: Có những thắc mắc không nhỏ - Anh 1

Các đại sứ của Lễ hội Áo dài TP.HCM 2018

Diễn ra từ ngày 3-25.3, với thông điệp “Tôi yêu áo dài Việt Nam”, Lễ hội Áo dài TP.HCM lần V năm 2018 có sự tham gia của 22 nhà thiết kế áo dài hàng đầu cả nước (với hơn 1.200 thiết kế) gồm những tên tuổi như Sỹ Hoàng, Thuận Việt, Việt Hùng, Liên Hương… và 11 đại sứ hình ảnh là những nghệ sĩ, người mẫu nổi tiếng như: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Kim Xuân, đạo diễn Đức Thịnh, diễn viên Thanh Thúy, diễn viên Hứa Vĩ Văn...

Người đoạt giải nhất cuộc thi Duyên dáng Áo dài không được chọn làm đại diện

Đáng chú ý, ngay khi được BTC Lễ hội năm nay thông báo tiếp tục chọn Hoa hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh (một cô gái Hà Nội) làm đại diện chương trình, nhiều ý kiến (đến từ phía truyền thông, lẫn công chúng) cho rằng, đã mang tên là “Lễ hội Áo dài TP.HCM” thì sao BTC không chọn một cô gái của TP.HCM làm đại diện (điều này sẽ làm toát lên nét đẹp rất riêng của TP, địa phương cũng hoàn toàn không thiếu những gương mặt đẹp, nổi tiếng có nhân thân tốt)? Mặt khác nếu đã “ngán” việc sự kiện nào cũng gắn với người đẹp, “chân dài” thì tháng 3 năm ngoái, Sở Du lịch và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cũng đã tổ chức cuộc thi Duyên dáng Áo dài để chọn ra những cô gái đại diện cho TP.HCM và bạn Nguyễn Thị Thạch Thảo đã đoạt giải nhất. Vậy tại sao năm 2018, Lễ hội không mời bạn trẻ này làm gương mặt đại diện mà nhất thiết phải là… hoa hậu?

Đại diện BTC thì giải thích, “từ trước đến nay TP.HCM luôn “vì cả nước và cùng cả nước” nên việc mời một hoa hậu đại diện sẽ mang tính chất toàn diện và rộng rãi hơn. Ngoài ra BTC còn mời thêm các đại sứ của Lễ hội gồm người nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực (trong đó có cả ca sĩ người nước ngoài Kyo York) nên vẫn đảm bảo nhiều yếu tố...” khiến không ít công chúng vẫn cảm thấy chưa thật sự thuyết phục và tiếc nuối bởi nếu BTC không quá câu nệ “danh hiệu” để chọn một gương mặt trẻ của TP.HCM làm đại diện thì chương trình sẽ đẹp dung dị biết bao.

Chia sẻ về vai trò cùng những hoạt động thiết thực của những đại sứ của Lễ hội Áo dài năm nay, NSƯT Thành Lộc bộc bạch: “Tôi thấy từ người già đến người trẻ, nam hay nữ mặc áo dài đều đẹp vì có lẽ ai cũng nhận ra được tà áo này chính là một phần của linh hồn dân tộc nên ai nấy đều ý thức phải trân trọng. Thế nhưng thời gian gần đây chúng ta đã bắt gặp không ít các bạn trẻ gồm NTK hay người mặc (đã phối nhiều chi tiết không phù hợp) làm cho áo dài “biến dạng” đến mức không thể nhận ra, cộng đồng mạng và dư luận bức xúc. Tôi cho rằng việc cá nhân “sáng tạo” thì mọi người cần phải tôn trọng nhưng việc “quá tay” khiến công chúng nhầm lẫn áo dài với trang phục của dân tộc khác thì rất “nguy hiểm”, phải dừng lại ngay”.

Cần mặc áo dài thường xuyên

Từ đây, việc các đại sứ trong chương trình là những người nổi tiếng sẽ mặc nhiều mẫu áo dài từ truyền thống đến cách tân hiện đại hi vọng người hâm mộ và công chúng sẽ tham khảo cách những người mà họ yêu thích mặc và phối áo dài sao cho năng động nhưng vẫn đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và xem đây là “gu” để tham khảo, tránh chuyện diện những mẫu áo không phù hợp, từng bị cộng đồng lên án. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết thêm các đại sứ của Lễ hội không chỉ “mặc áo dài thật đẹp rồi xuất hiện trong Lễ khai mạc cũng như các chương trình mang nặng tính trình diễn” mà điểm nhấn chính là việc mọi người cùng đến các buổi giao lưu với công chúng, các nhà thiết kế trẻ, các trường THPT trên địa bàn TP… để tuyên truyền, vận động mọi người cùng giữ gìn và phát huy giá trị áo dài, cùng mặc áo dài thường xuyên hơn, cũng như giới thiệu, quảng bá áo dài với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, chúng ta không “lên án” hay phê phán các bạn trẻ khi cách tân hay sáng tạo “quá tay” tà áo truyền thống, chỉ mong các bạn thông qua Lễ hội sẽ thấy được nhiều mẫu áo đẹp, phá cách nhưng trong chuẩn mực để từ đây ý thức được giá trị và dù “làm mới thế nào” cũng giữ được vẻ đẹp bản sắc, linh hồn của tà áo. Qua đó khẳng định ngành du lịch TP sẽ không ngừng nâng tầm sự kiện này, giúp du khách trong nước và quốc tế luôn nhớ và hướng đến TP.HCM mỗi dịp tháng 3 về; góp phần tăng tốc phát triển du lịch TP mạnh hơn nữa, tiến đến hoàn thành mục tiêu thu hút trên 7 triệu lượt du khách quốc tế đến TP trong năm nay. Đồng thời để tạo một sân chơi rộng khắp cho nhiều tầng lớp nhân dân, hàng loạt các hoạt động tôn vinh, tìm hiểu giá trị tà áo được triển khai xuyên suốt như: chương trình thể dục đồng diễn với áo dài (với hơn 3.000 người tham gia); chương trình nghệ thuật “Áo dài - Xu hướng thời trang ứng dụng năm 2018”; cuộc thi “Duyên dáng áo dài TP.HCM”; diễn đàn “Nét đẹp áo dài Việt”; chương trình Talk show truyền cảm hứng về áo dài trong giới trẻ, chương trình đo và may áo dài cho khách quốc tế…

 ​ Công đoàn Giáo dục TP.HCM vừa có văn bản phát động mặc áo dài đối với nữ viên chức, nữ sinh ngành giáo dục nhằm hưởng ứng Lễ hội áo dài TP.HCM và tham gia Hội thi “Duyên dáng Áo dài” lần 5 - năm 2018. Theo đó, nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động và nữ học sinh, học viên, sinh viên đang giảng dạy, học tập và công tác tại các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng và các đơn vị trực thuộc ngành giáo dục và đào tạo TP.HCM hưởng ứng mặc áo dài trong dịp Lễ hội áo dài tháng 3 hằng năm và lựa chọn trang phục áo dài trong du lịch, sinh hoạt trong giảng dạy, trong công tác và học tập. Khuyến khích các cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên đang tham gia mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram…) hưởng ứng bằng cách thay đổi hình ảnh đại diện trên trang cá nhân với trang phục áo dài. Hoạt động hửng ứng này nhằm tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của áo dài Việt Nam gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của đất nước; tôn vinh vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, góp phần vinh danh các nhà thiết kế, các tổ chức, cá nhân đã bảo tồn và phát triển chiếc áo dài VN. ĐÀO ANH

K.Hoàn

 

Ý kiến bạn đọc