Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Vấn nạn tranh giả tràn ngập: Có khi phải tự trách mình !

Thứ Sáu 22/10/2021 | 12:26 GMT+7

VHO- Câu chuyện nhà đấu giá Sotheby’s rút sản phẩm nhái Nhà tranh gốc mít của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ khỏi phiên đấu giá ngày 10.10 vừa qua, đương nhiên là chuyện vui, thế nhưng, với giới mỹ thuật và các nhà sưu tập, nỗi lo vấn nạn tranh giả vẫn luôn hiện hữu.

 Sản phẩm nhái “Nhà tranh gốc mít” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã rút khỏi sàn đấu giá Sotheby’s

 Việc Mỹ thuật Việt Nam không được xem trọng trên nhiều sàn đấu giá quốc tế, việc người Việt trắng trợn sao chép tranh người Việt… vẫn là những câu chuyện hậu trường nhức nhối trong đời sống mỹ thuật. Nhiều người trong giới đã phải thốt lên rằng: Điều này có khi ta phải trách ta!

Điệp khúc kéo dài chưa có hồi kết

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thở dài, vấn nạn tranh giả kéo dài đã từng tạo nên nhiều cơn sóng lớn trong đời sống Mỹ thuật Việt. Thế nhưng, chính người trong cuộc vẫn đang loay hoay, bế tắc. “Nay có tin tranh giả của danh họa này, mai tác phẩm mang tên họa sĩ khác bị tố đạo nhái trên các sàn đấu giá. Giới nghề giận dữ, nhưng rồi những cơn sóng lại nhanh chóng lùi xa, lâu dần thành quen. Người ta không còn bất ngờ trước những thông tin tranh giả xuất hiện nữa…”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhắc lại vụ việc từng khiến giới nghề bị đẩy cảm xúc bức bối lên đỉnh điểm là triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh vào năm 2016. “Một hội đồng giám định đã được thành lập, gồm các chuyên gia hàng đầu của Mỹ thuật Việt. Kết quả khẳng định 100% tác phẩm trong triển lãm là giả. Nhiều họa sĩ nổi tiếng đã cùng ngồi lại với nhau, có sự tham gia của luật sư, báo chí… nhưng cuối cùng, điều chúng ta chứng kiến và gần như buộc phải chấp nhận vẫn là sự giậm chân tại chỗ. Niềm tin dành cho những cuộc đấu tranh đẩy lùi vấn nạn tranh giả gần như trở về con số 0…”.

Nhà tranh gốc mít của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ được nhà đấu giá Sotheby’s chào hàng, rồi vội vã rút khỏi phiên đấu giá ít nhiều cho thấy những tia vui. Theo nhà báo Hoàng Anh, Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật, vụ việc cho thấy Mỹ thuật Việt Nam đã thêm một lần nữa thành công khi lên tiếng đấu tranh với vấn nạn này. Cách đây 2 năm, trước sự lên tiếng mạnh mẽ của công luận, nhà đấu giá Sotheby’s đã buộc phải rút Bức thư (được cho là của Tô Ngọc Vân) và Hai cô gái trước bình phong (được cho là của Trần Văn Cẩn) khỏi danh mục các phiên đấu giá tại Hồng Kông. Đây là tiền lệ đáng mừng khi một nhà đấu giá có danh tiếng đã lắng nghe ý kiến từ phía Việt Nam.

Cùng với Sotheby’s, vấn nạn tranh giả Đông Dương tràn ngập trên nhiều sàn đấu giá khác. Họa sĩ Lê Huy Tiếp gần đây đã bức xúc cảm thán: Không biết nói gì hơn…! khi đặt nghi vấn với 6 bức tranh ghi là của Bùi Xuân Phái và 1 bức ghi là của Lê Phổ được giới thiệu trên website của nhà đấu giá Drouot (Pháp). Ông chia sẻ những tin nhắn của người bạn Pháp: “Những người này không có đạo đức. Thật là tệ cho nghệ thuật Việt Nam....”. Nhận được phản ánh, Drouot đã rút 3 tranh đề tên họa sĩ Bùi Xuân Phái khỏi phiên đấu giá ngày 16.10. Những tranh giả khác vẫn để trên trang, kể cả tranh Lê Phổ nhưng không được bán.

Các họa sĩ, giám tuyển Việt Nam cũng nhiều lần đặt dấu chấm hỏi cho các bức tranh giả của Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Mai Trung Thứ... trong nhiều phiên đấu giá quốc tế. Bên cạnh đó, ngay ở trong nước, các tác giả đương thời cũng bị làm giả, nhái tác phẩm. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn trăn trở, nhiều gallery bày bán tranh giả, nhiều người chép tranh sai luật hoạt động ngang nhiên, thậm chí bản thân nhiều họa sĩ vì mục tiêu kinh tế cũng đã tự nhân bản tác phẩm của chính mình. Thực tế này đã kéo dài điệp khúc tranh giả trong nhiều năm qua. Ông cho rằng, nhìn nhận ở khía cạnh đạo đức người làm nghề, mỗi họa sĩ cần phải tự đề cao trách nhiệm của mình. Đây cũng chính là cách ứng xử văn hóa của các nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình.

 Bức xúc trước vấn nạn tranh giả tràn ngập, họa sĩ Lê Kinh Tài đã vẽ bức biếm họa “Bìa tạp chí Tranh Đông Dương pha-ke”

Ta phải trách ta!

Bức xúc trước vấn nạn tranh giả Đông Dương tràn ngập trong các phiên đấu giá, họa sĩ Lê Kinh Tài vẽ bức tranh châm biếm “Bìa tạp chí Tranh Đông Dương pha-ke”: “Tạp chí bất đắc dĩ phải ra đời, vì đại nạn tranh Đông Dương giả tràn ngập trong các sàn đấu giá nhiều quá trời quá đất rồi!”.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Hoàng Anh, các nhà đấu giá sẽ không bao giờ dám đưa lên sàn những tác phẩm chưa được nghiên cứu thật kỹ càng. Vậy chúng ta phải làm gì để không còn bị đem đấu giá những sản phẩm “fake” mang tên họa sĩ Việt? “Điều này có khi ta lại phải trách ta. Chính người Việt hại người Việt, vì chỉ có người Việt mới làm nhái lại các tác phẩm của người Việt rồi chờ cơ hội trà trộn đem đi bán. Tranh giả chắc vẫn còn nhiều lắm...”, nhà phê bình Hoàng Anh viết.

Giới nghề mỹ thuật phân tích, sau giai đoạn mở cửa, nhiều nhà sưu tầm nước ngoài “săn lùng” mạnh tác phẩm của các danh họa miền Bắc. Và chỉ một thời gian ngắn, tranh giả xuất hiện, có người còn gọi thợ đến chép tranh của chính cha, ông mình. Có câu chuyện hài hước lan truyền rằng, họa sĩ kia sau khi mất còn nhiều tranh hơn khi đang sống. Mất niềm tin, nhà sưu tập chuyển sang tìm mua tác phẩm của họa sĩ trẻ, nhưng cũng không thoát khỏi nạn tranh giả.

Nhà phê bình Hoàng Anh cho rằng, điều tuyệt vời nhất của mỗi cá nhân nghệ sĩ là những gì họ để lại cho hậu thế. Tất cả tranh cãi “thật, giả” sau cùng cũng chỉ để bảo vệ tên tuổi cũng như quốc gia mà họ sinh ra. Tạp chí Mỹ thuật thường nhận được những tác phẩm xưa do người yêu nghệ thuật gửi đến nhờ tra cứu giúp thông tin. “Từ đó mới thấy nhiều câu chuyện bi hài bởi sự “ngây ngô” của những người muốn ăn thật làm giả, đã thế lại muốn “ăn xổi” cho nhanh...”, thông tin trên trang Facebook của Tạp chí Mỹ thuật chia sẻ. Trong số những bức tranh gửi đến, có bức sơn mài khiến người làm nghề giật mình bởi thoáng nhìn qua ảnh, cứ tưởng đây là một bức tranh cực quý hiếm của họa sĩ Phạm Hậu đang đi tìm quý nhân. Nhưng sự thật thì đó là phiên bản tệ hại của bức Các thiếu nữ bên ngôi làng ven hồ ở Bắc Bộ được sáng tác năm 1949, kích thước 122,5x201cm, một tác phẩm sơn mài vô cùng đẹp đẽ, lộng lẫy, tinh tế, đậm chất Việt xưa. Còn sản phẩm “nhái” được phiên lại từ bản ảnh gốc với kích thước nhỏ hơn nhiều lần cùng với chữ ký “abc” gì đó chứ không phải lạc khoản và dấu triện của chính chủ, được mua ở phía Nam và cất trong kho mấy năm, bây giờ đem ra trưng bày để trao đổi, mua bán…

Những câu chuyện tương tự trong đời sống mỹ thuật vốn nhan nhản. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, các sàn đấu giá Pháp đánh giá rất cao tranh của họa sĩ thế hệ Đông Dương. Ngay khi sở hữu tác phẩm của những danh họa này, lập tức họ sẽ làm truyền thông và đưa ra đấu giá. Nhưng thực tế, lại xảy ra nhiều trường hợp họa sĩ Việt Nam chép tranh rồi đưa vào các gallery bên Pháp. Không ít gallery biết tranh giả nhưng vì lợi nhuận vẫn cố tình đưa ra thị trường.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết, trong bối cảnh này, Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ các cá nhân, đơn vị, nhà đầu tư, nhà sưu tập trong việc đóng góp tiếng nói chuyên môn liên quan đến xác định tranh giả, tranh thật. Về lâu dài, cần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động mỹ thuật, trong đó có quy định cụ thể về vấn đề tranh giả, tranh chép, bảo vệ quyền tác giả của các họa sĩ, nhà điêu khắc. Chủ tịch Hội nhấn mạnh, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động mỹ thuật trong và ngoài nước sẽ đẩy lùi nạn xâm phạm bản quyền để giữ uy tín cho nền Mỹ thuật Việt Nam. 

 … Nhiều gallery bày bán tranh giả, nhiều người chép tranh sai luật hoạt động ngang nhiên, thậm chí bản thân nhiều họa sĩ vì mục tiêu kinh tế cũng đã tự “nhân bản” tác phẩm của chính mình. Thực tế này đã kéo dài điệp khúc tranh giả trong nhiều năm qua. Nhìn nhận ở khía cạnh đạo đức người làm nghề, mỗi họa sĩ cần phải tự đề cao trách nhiệm của mình. Đây cũng chính là cách ứng xử văn hóa của nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình.

(Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam)

 BẢO NGÂN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top