Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2018: Quy chế mở có phát huy được sáng tạo?

VH- Theo thông tin từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, đến thời điểm này đã có khoảng 22 đơn vị đăng ký gần 30 tác phẩm tham gia Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2018, trong đó các đơn vị sân khấu xã hội hoá chiếm 2/3. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi lâu nay rất hiếm có một cuộc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc nào có đông đơn vị sân khấu xã hội hoá tham gia như lần này.

Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2018: Quy chế mở có phát huy được sáng tạo? - Anh 1

 Vở “Kiều” của Nhà hát Kịch Việt Nam được đồng nghiệp và khán giả đánh giá cao bởi các yếu tố thử nghiệm sáng tạo khá hấp dẫn

Số đơn vị sân khấu xã hội hoá áp đảo

NSƯT Đỗ Kỷ, Phó trưởng phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết quy chế tổ chức Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2018 có nhiều điểm mở như không hạn chế về đề tài với vở diễn, không hạn chế số lượng vở tham gia cho các thành phần sáng tạo như tác giả, đạo diễn… Một trong những lý do liên hoan lần này có số lượng đơn vị sân khấu xã hội hóa đông vượt trội là do liên hoan được tổ chức tại TP.HCM, một trong những trung tâm sân khấu lớn và là địa bàn đông lực lượng nghệ sĩ xã hội hoá nhất. Tham gia Liên hoan bên cạnh các đơn vị nghệ thuật kịch nói chuyên nghiệp công lập thì mảng ngoài công lập có những thương hiệu rất mới lạ. Quy chế chấp nhận các đơn vị có tư cách pháp nhân, có thời gian hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật kịch nói từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm tham gia Liên hoan nên đã có cả những đơn vị mới được thành lập vài năm, thậm chí 1 năm cũng đăng ký tham gia như: Sân khấu kịch Minh Nhí, Công ty TNHH dịch vụ giải trí sân khấu Buffalo, Công ty TNHH một thành viên xúc tiếng thương mại và tổ chức biểu diễn TKC, Công ty TNHH Sân khấu Điện ảnh Gia đình…

Mỗi đơn vị nghệ thuật được tham gia một vở diễn, với đơn vị có nhiều đoàn nghệ thuật biểu diễn theo chức năng nhiệm vụ do đơn vị chủ quản quy định, số lượng vở diễn tham gia Liên hoan tương ứng với số lượng các đoàn. Chiểu theo quy định này nên một số nhà hát như Nhà hát Kịch Việt Nam được tham gia hai vở: Kiều, Bão tố Trường Sơn, Nhà hát Tuổi Trẻ tham gia hai vở: Nhà Ô sin, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Nhà hát Kịch Hà Nội tham gia hai vở: Vùng lạnh, Mảnh đất lắm người nhiều ma.

Do không bị hạn chế về đề tài nên nội dung phản ánh của các vở đều rất phong phú. Có những vở diễn đã diễn vài ba năm và đạt doanh thu tốt và có cả những vở vừa mới được hoàn thành chưa hề công diễn. Lực lượng nghệ sĩ tham gia biểu diễn cũng thuộc nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ, khán giả sẽ được gặp những nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu kịch như: NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Hoài Linh, NSƯT Đức Hải, NSƯT Trịnh Kim Chi, Ốc Thanh Vân, NSƯT Minh Nhí…

Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2018: Quy chế mở có phát huy được sáng tạo? - Anh 2

 Vở “Đàn bà dễ có mấy tay” của Sân khấu kịch Hồng Vân dựa theo tiểu thuyết "Giông tố" của nhà văn Vũ Trọng Phụng

“Tre già, măng mọc”

Nhìn vào danh sách các vở diễn đăng ký dự thi ở phía Bắc vẫn là những tên tuổi tác giả, đạo diễn “gạo cội” quen thuộc ở các mùa liên hoan, hội thi: Đạo diễn, NSND Lê Hùng kỷ lục với số lượng 5 vở, NSƯT Trần Minh Ngọc dàn dựng 4 vở, tác giả Chu Thơm có 3 vở, tác giả Nguyễn Đăng Chương có 2 vở… Tuy nhiên đáng mừng là sân khấu phía Nam lại xuất hiện nhiều tác giả, đạo diễn trẻ và mới, phần nhiều ở các sân khấu mới được thành lập. Đơn cử như ê kíp sáng tạo vở Hiu hiu gió bấc (Công ty TNHH dịch vụ giải trí sân khấu Buffalo) cả tác giả và đạo diễn đều rất trẻ. Nữ tác giả trẻ Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, tác giả chuyển thể của vở Hiu hiu gió bấc chia sẻ: Sân khấu Buffalo mới được thành lập, ê kíp sáng tạo vở đều là người trẻ nhưng chúng tôi lại được sự hợp tác của những nghệ sĩ tài năng, có nghề như: NSƯT Hoài Linh, NSƯT Đàm Loan, lớp diễn viên trẻ tham gia cũng đều đã là những hạt nhân sáng giá của sân khấu kịch TP.HCM. Lần này, các nghệ sĩ cùng chung tay dựng vở chính kịch đầu tiên với mong muốn góp một tiếng nói của những người yêu nghề, mong muốn làm những vở kịch có chất lượng đối với các đồng nghiệp.

“Sân khấu Kịch Phú Nhuận tham gia hai vở, đó là Châu về hợp phố Đàn bà dễ có mấy tay. Trong đó Châu về hợp phố là tác phẩm được Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM đầu tư, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác các tác phẩm VHNT kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Vở kịch tái hiện bối cảnh xã hội rối ren giữa lòng đô thị Sài Gòn khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh và quân dân ta dồn lực chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Thông thường sân khấu xã hội hoá thường rất ngại khi dựng vở đề tài cách mạng vì thường doanh thu không cao. Tín hiệu đáng mừng là cả hai vở này đều là những vở hiện đang ăn khách và có doanh thu cao”, NSƯT Hồng Vân cho biết.

Về phía các đơn vị nghệ thuật công lập, đặc biệt là ở các nhà hát ở trung ương và Hà Nội không khí tập luyện rất nóng. NSƯT Xuân Bắc, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết mặc dù hai vở Kiều Bão tố Trường Sơn đã được diễn liên tục trong thời gian vừa qua nhưng khi tham gia liên hoan, các đạo diễn và các nghệ sĩ vẫn tập luyện lại rất kỹ càng. Kiều Bão tố Trường Sơn là hai vở diễn tiêu biểu mới được dàn dựng trong dàn kịch mục của chúng tôi. Nhưng nếu được đăng ký dự thi số lượng vở nhiều hơn, Nhà hát Kịch VN vẫn còn có những tác phẩm đạt yêu cầu chất lượng đi thi.

Trên thực tế, sân khấu kịch ngày hôm nay đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong đó có những khó khăn bởi sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các game show truyền hình cho tới các loại hình nghệ thuật khác. Thế nhưng, đội ngũ những người làm nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là kịch nói vẫn kiên trì đỏ đèn các điểm diễn là sự nỗ lực và cố gắng rất lớn. Liên hoan Sân khấu Kịch CNTQ 2018 sẽ kéo dài 15 ngày từ 11.4 đến 26.4 tại Nhà hát Quân đội TP.HCM và tại các điểm diễn của các đơn vị sân khấu trên địa bàn TP.HCM là cơ hội để các nghệ sĩ nói riêng, khán giả nói chung được thưởng thức những tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu của sân khấu kịch nói cả nước.

Thúy Hiền

 

Ý kiến bạn đọc