Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Giải mã tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” trên sân khấu kịch

Thứ Tư 24/01/2018 | 14:29 GMT+7

VH- Khi xem kịch Mảnh đất lắm người nhiều ma thấy ê kip sáng tạo: Tác giả, TS Lê Mạnh Hùng, đạo diễn, NSND Lê Hùng và các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội đã có một cách giải mã khác so với nguyên gốc tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Rất may cái sự “liều lĩnh” của các nghệ sĩ đã không bị nhà văn phê phán mà thậm chí còn ủng hộ.

Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường ra đời năm 1990 được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc viết về chủ đề nông thôn. Ở kịch, một số nhân vật tạo nên hồn cốt cho vở đã không được đề cập, đặc biệt là nhân vật Quềnh đã được xây dựng rất thành công trong tiểu thuyết và cả điện ảnh cũng không hề có mặt. Một tác phẩm đồ sộ với nhiều tuyến nhân vật, nhiều vấn đề bức bối trong quan hệ giữa người với người, giữa công với tư, giữa làng xóm và lề thói trong xã hội nông thôn… khi đưa vào vẻn vẹn chưa đầy 2 tiếng đồng hồ của sân khấu là điều mà giới sân khấu rất nhiều người có ý định phải lùi bước vì sợ không đảm bảo giữ được nguyên vẹn mọi giá trị tư tưởng của tác phẩm. Sân khấu hiện đang thiếu những vở diễn hay về đề tài nông thôn mà Mảnh đất lắm người nhiều ma lại là mảnh đất rất thuận cho sân khấu kịch nói với những nhân vật có tính cách, có chiều sâu trong từng nhân cách, hơn thế những vấn đề mà tác phẩm đề cập vẫn không hề cũ, vẫn đang rất nóng tính thời sự, đó là lý do mà đạo diễn, NSND Lê Hùng và các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội quyết tâm giải mã Mảnh đất lắm người nhiều ma từ góc nhìn của những người làm sân khấu.

Kịch Mảnh đất lắm người nhiều ma mở ra một không gian và bối cảnh nông thôn miền Bắc trong thời kỳ đổi mới.  Câu chuyện xoay quanh mối thù hận, tranh chấp, đấu đá kéo dài từ nhiều đời giữa hai dòng họ Vũ Đình và Trịnh Bá ở làng Giếng chùa, mà đại diện chính là ông Vũ Đình Phúc (Trưởng họ Vũ) và anh em nhà Trịnh Bá Hàm (Trưởng họ Trịnh), Trịnh Bá Thủ (em ông Hàm, Bí thư Đảng uỷ xã). Sự đấu đá cá nhân đó còn được đẩy lên thành việc kéo bè kéo cánh, xây dựng bè phái trong bộ máy chính quyền xã. Vì mối thù dòng họ, vì nỗi hận cá nhân mà họ sẵn sàng không từ thủ đoạn để hãm hại nhau, hạ bệ nhau bất chấp lợi ích chung và xu thế phát triển chung của xã hội. Những con người ấy vừa là tội nhân vừa là nạn nhân, vừa đáng thương vừa đáng trách. Những hệ luỵ từ mối thù truyền kiếp này khiến cho số phận những con người như bà Son, Đào, Tùng, ông Hàm, ông Thủ, ông Phúc... bị rơi vào vòng xoáy khắc nghiệt tưởng chừng như không có hồi kết.

Kịch bám sát chủ đề tư tưởng đó là phản ánh chân thực bức tranh xã hội ở một làng quê với nạn kéo bè kết cánh, bè phái trong bộ máy chính quyền xã, sự xuống cấp của một số đảng viên giữ vai trò quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo xã, sự tranh giành quyền lực giữa các dòng họ cho đến những rắc rối về từng gia đình, từng thân phận con người “quanh luỹ tre làng”. Kịch đã dùng cái chết của bà Son, vợ ông Thủ để làm kết và từ cái chết ấy mà các nhân vật trong kịch ngộ ra, mọi thù hằn, mâu thuẫn truyền kiếp giữa hai dòng họ được hoá giải, mối tình giữa Tùng (họ Vũ Đình) và Đào (con gái ông Hàm – họ Trịnh Bá) được thừa nhận. Mọi bế tắc của câu chuyện được khai thông. Nhấn thêm một vài lời thoại hay hành động thì nhân vật xấu hay tốt được khắc hoạ rõ nét hơn, sinh động hơn, đó là những ghi nhận từ ưu thế đặc trưng của sân khấu kịch nói thể hiện rất rõ trong kịch Mảnh đất lắm người nhiều ma. Điều thú vị là lần này khi làm một vở đề tài nông thôn về con người hiện đại, đạo diễn, NSND Lê Hùng đã ẩn mình không đưa ra quá nhiều thủ pháp dàn dựng mà đi vào khai thác xử lý diễn xuất cho diễn viên. Qua đó, NSƯT Công Lý đã thực sự lột xác khỏi những vai diễn hài để diễn tả thành công vai ông Hàm gia trưởng, độc đoán, anh diễn sự ghen tuông quá xuất sắc khiến người xem vừa giận, vừa thương cho sự dốt nát, thiếu hiểu biết của nhân vật. Vai bà Son nhẫn nhục chịu đựng và bị giật dây như con cờ của nghệ sĩ Linh Huệ càng làm lộ rõ hơn cái thân phận người phụ nữ chỉ là để đàn ông lợi dụng tiến thân hoặc mang ra làm mồi nhử. Nghệ sĩ Tiến Minh cũng rất thành công với nhân vật Thủ, vai phản diện với cách nhấn nhá, điệu cười ma quái cho tới nụ cười nhếch mép… Vở diễn thể hiện sâu sắc những vấn đề chìm và nổi, bề mặt và chiều sâu của các vấn đề gia tộc và dòng họ, hôn nhân và gia đình, các mối quan hệ công và tư, quan hệ làng xóm và lề thói nông xã... Cái kết được xử lý nhân ái hơn, nhân vật xấu có thay đổi về suy nghĩ tư tưởng, nhân vật tốt được khắc hoạ rõ nét hơn… đó là những thành công được ghi nhận ở kịch Mảnh đất lắm người nhiều ma.

Trong vở kịch có những bóng ma xuất hiện chập chờn trên sân khấu nhưng sự xuất hiện ấy không tạo sự ma quái mà tạo phần nào cảm giác dường như ma còn tốt hơn, còn có tình cảm hơn cả con người trong kịch. Đạo diễn, NSND Lê Hùng vẫn rất chắc tay với những xử lý khá ấn tượng trong thủ pháp dàn dựng sân khấu như cảnh bà Son tự tử đi xuống sông, thay vì trùm vải như trong truyện thì kịch lại xử lý bà bó một manh chiếu để rồi khi bà chết thì chiếc chiếu bay xuống dòng sông, đây là một trong những cảnh diễn cực kì ấn tượng, cảnh ông Hàm vốn là người chồng nhỏ nhen, keo kiệt nức nở bên chiếc áo mới mua cho vợ cũng rất đắt giá.

“Tôi rất mừng khi nhà văn Nguyễn Khắc Trường, nhà văn Phạm Hoa, NSND Mạnh Tưởng… xem tổng duyệt đều hồi âm lại những ý kiến đánh giá tốt về kịch Mảnh đất lắm người nhiều ma. Khi đưa tác phẩm tiểu thuyết lên sân khấu chúng tôi những người làm nghệ thuật đã phải tính toán rất kỹ từng chi tiết nào nên để, nhân vật nào đành phải bỏ nếu không sẽ khó mà tiết chế nổi dung lượng của một vở kịch. Và để nhấn mạnh được chủ đề tư tưởng, tôi đã phải bàn với tác giả kịch bản viết thêm cảnh, tình huống để vở kịch được đầy đủ các tầng ý nghĩa”, đạo diễn, NSND Lê Hùng chia sẻ. Cái được là giá trị tư tưởng và những mẫu hình nhân vật được xây dựng trong kịch đã không hề cũ đối với thời điểm hiện tại. Nhìn vào sự dốt nát, nạn kết bè phái đàn áp người tốt hay những quan niệm trong hôn nhân sai lệch đã mang lại nhiều cảm xúc và suy tư đối với người xem về cuộc đời và tình người. Làm thế nào để gạt bỏ thù hận, sống nhân ái hơn, làm thế nào để tẩy rửa những thói xấu, tập tục ở đất quê lề thói, làm thế nào để xã hội thanh lọc được những kẻ xấu nhường chỗ cho người tốt sống… Những câu hỏi nhức nhối ấy là điều đọng lại trong lòng mỗi khán giả khi rời khỏi nhà hát trở về.

Minh Nghĩa

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top