Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Đạo diễn Nhật Bản Hiroyuky Muneshige: “Tôi đã khóc khi dựng Sự sống”

Thứ Hai 14/01/2019 | 09:56 GMT+7

VHO- Nhà hát Kịch Việt Nam vừa ra mắt vở kịch Sự sống do cố NSND Anh Tú và ông Hiroyuky Muneshige cùng đóng vai trò đồng đạo diễn. Đây được xem là vở kịch cuối cùng còn dang dở của cố NSND Anh Tú trong vai trò đạo diễn.

 

 Một cảnh trong “Sự sống”: Nghệ sĩ được thả sức sáng tạo qua ngôn ngữ diễn xuất hình thể

Vở kịch đang được lên sàn thì NSND Anh Túbị suy kiệt sức khỏe và ra đi. Đạo diễn Hiroyuky Muneshige cho biết, ông đã hết sức hụt hẫng trước sự ra đi của người đồng nghiệp và ông đã phải nỗ lực rất nhiều cùng các nghệ sĩ Việt Nam để vở được công diễn. Sự sống ra mắt đã để lại niềm xúc động trong lòng khán giả và cả tập thể ê kíp sáng tạo vở, đồng thời cũng mở ra một hướng phát triển mới kết hợp giữa sân khấu kịch Việt Nam và Nhật Bản.

“Tôi đã vừa khóc vừa tiến hành dàn dựng vở kịch này một mình. Tôi đã nghĩ là NSND Anh Túsẽ chỉ đạo diễn viên làm cái này, làm cái kia… nhưng cuối cùng anh đã không thể thực hiện điều đó. Tuy nhiên tôi rất vui mừng vì được làm việc với những nghệ sĩ Việt Nam mà do NSND Anh Túchọn tham gia các vai diễn trong kịch. Họ đã làm việc với tôi bằng tâm huyết và sự cố gắng hết mình. Khi vở kịch được công diễn, tôi có cảm giác anh ấy vẫn đang ở bên chúng tôi để cùng xem, cùng cảm nhận…”, đạo diễn Hiroyuky Muneshige chia sẻ.

Hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, Nhà hát Kabennika (Nhật Bản) và Nhà hát Kịch Việt Nam đã cùng phối hợp thực hiện dự án giao lưu kịch Việt – Nhật. Trong 3 tháng worshop cùng với các nghệ sĩ Việt Nam, đạo diễn Hiroyuky Muneshige cùng biên đạo múa Tae Ito đã luyện tập cho diễn viên về cách biểu đạt hình thể thông qua việc sử dụng kỹ thuật múa, các diễn viên đã được tìm hiểu về kịch Noh, kịch Kabuki, kịch hiện đại của Nhật Bản. Kết thúc dự án chính là sự ra đời của vở kịch Sự sống dựa theo nguyên tác truyện Taniko (Vách núi) của Nhật Bản có cách đây 600 năm.

Nội dung Sự sống kể về một thiếu niên hiếu thảo, quyết định tham gia vào chuyến tu hành lên núi để cầu nguyện cho sức khỏe của người mẹ đang mang trọng bệnh. Thế nhưng, giữa đường bị đổ bệnh. Theo quy tắc của đạo tu hành, những người không thể di chuyển giữa đường sẽ bị xử lý theo hình thức là ném xuống vách núi rồi chôn sống. Tuy nhiên, vị thần núi đã xuất hiện và cứu sống cậu thanh niên. Tình yêu với người mẹ đã khiến cậu bé hiếu thảo vượt lên tất cả nguy hiểm, gian nan. Nội dung của vở kịch khá đơn giản, thế nhưng có thể nói vở kịch qua bàn tay đạo diễn của hai đạo diễn tài năng và sự thể hiện diễn xuất đặc sắc của dàn diễn viên, Sự sống đã mang đến một câu chuyện đầy cảm xúc, ấn tượng, mang tính nhân văn và đặc biệt là hình thức thể hiện rất mới.

Sự sống, các nghệ sĩ Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn phong cách diễn xuất khi họ sử dụng chủ yếu bằng ngôn ngữ hình thể chứ không phải bằng lời nói. Vở kịch có sự tham gia của 15 diễn viên của Nhật Bản và Việt Nam. Có thể nói, các nghệ sĩ Việt Nam đã có cơ hội để trải nghiệm những khả năng của mình trong lĩnh vực diễn xuất bằng hình thể, các diễn viên không thể hiện các vai diễn cố định trên sân khấu như thông thường mà liên tục tráo đổi vai diễn cho nhau, lúc là nhân vật mẹ, lúc lại sắm vai con, lúc lại là thầy tu… Không cần trang trí cầu kỳ, đôi lúc nghệ sĩ lại hóa thân thành núi, thành tảng đá gập ghềnh hiểm trở chính bằng cơ thể của mình. Ngôn ngữ hình thể được tận dụng tối đa, xóa đi khoảng cách về ngôn ngữ khác biệt giữa Việt Nam với Nhật Bản.

Kết thúc buổi diễn, nhiều khán giả đã lên sân khấu để nhảy múa cùng với các nghệ sĩ, trong số họ có NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. NSƯT Lê Chức chia sẻ: “Vừa là đạo diễn, vừa là nghệ sĩ biểu diễn, tôi vô cùng cảm phục khi đạo diễn Nhật Bản đã giúp cho các nghệ sĩ Việt Nam khám phá được chính khả năng của mình khi sử dụng ngôn ngữ hình thể là chủ đạo trong kịch. Tôi đã bị hấp dẫn mạnh đối với vở kịch và chắc chắn sẽ nhớ mãi cái cảm giác mà các nghệ sĩ mang tới cho mình. Đặc biệt là ấn tượng bởi những giai điệu nhạc cụ mà nghệ sĩ Nhật Bản chơi”. Một lối dàn dựng rất nhẹ nhàng, không cần những lời thoại đao to búa lớn nhưng qua các động tác và biểu cảm của nghệ sĩ mà người xem có thể cảm nhận được ý nghĩa nhân văn lớn của kịch. Cái quý giá nhất của con người là sự sống nhưng chúng ta không thể vì sự sống của mình mà hy sinh đi đồng loại.

Phía Nhật Bản, đại diện Quỹ Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và ê kíp sáng tạo nước bạn đều mong muốn Sự sống được tiếp cận rộng rãi với khán giả Việt Nam, đặc biệt là khán giả trẻ và Sự sống cũng sẽ được giới thiệu cho khán giả Nhật Bản trong thời gian tới. Sự sống mới chỉ là tác phẩm khởi đầu, hi vọng nghệ sĩ hai nước sẽ cùng phối hợp để tìm ra những cách dàn dựng mới, hình thức thể hiện sân khấu mới để tạo nên những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao, phù hợp với khán giả hai nước và quốc tế, vượt qua mọi ranh giới về ngôn ngữ. 

HIỀN LƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top