Khai mạc Festival Đờn ca tài tử 2017

Khai mạc Festival Đờn ca tài tử 2017

VH- Tối 8.4 tại Quảng trường Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương sẽ diễn ra đêm khai mạc Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) 2017.

Đây là lần thứ 2 Festival về ĐCTT Quốc gia diễn ra với sự tham gia của hơn 20 tỉnh, thành Đông, Tây và Nam Bộ. Ngày hội của ĐCTT-Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại sẽ là nơi quy tụ của giới đờn, ca và khán giả, du khách gần xa. Các đơn vị đều đã sẵn sàng chờ đón sự kiện nghệ thuật lớn nhất của ĐCTT.

Các hoạt động tại Festival

- Khai mạc chương trình nghệ thuật “ĐCTT Nam Bộ - Di sản đất phương Nam”, lúc 20 giờ ngày 8.4 tại Quảng trường Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương. 
- Không gian ĐCTT và không gian ẩm thực, đặc sản Nam Bộ (18g-21 giờ) ngày 8-10.4 tại Khu vực Công viên thành phố tỉnh Bình Dương. 
- Hội thi nghệ thuật ĐCTT (9-11.4) tại Trung tâm Văn hoá- Điện ảnh tỉnh Bình Dương. 
- Cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật Khoảnh khắc ĐCTT quốc gia lần 2- Bình Dương 2017 (8-11.4) tại Hội VHNT tỉnh Bình Dương. 
- Đêm hội tôn vinh các soạn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ đãcó công đóng góp cho việc hình thành và phát triển loại hình nghệ thuật ĐCTT và cải lương Nam Bộ (11.4) tại Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh Bình Dương. 
- Bế mạc Festival ĐCTT (20 giờ ngày 12.4).

Đêm nghệ thuật khai mạc cho Festival với chủ đề “ĐCTT Nam Bộ - Báu vật đất phương Nam” được dàn dựng trên tiêu chí bảo tồn và phát huy, kế thừa, hội nhập ĐCTT của UNESCO với 3 phần: Phần biểu diễn của thế hệ nhí (dưới 15 tuổi) được xem như lực lượng kế thừa; Đối thoại giữa tài tử đờn và ca của miền Đông và miền Tây; Sự kết hợp thú vị giữa concerto dàn nhạc giao hưởng với đờn kìm và phần biểu diễn của tốp ca tài tử với dàn nhạc giao hưởng với các nhạc khí dân tộc, mang ý nghĩa về sự hội nhập của ĐCTT.
Ngoài đêm khai mạc, nhiều hoạt động khác của festival cũng đang được chờ đợi như Không gian ĐCTT Nam Bộ và không gian ẩm thực, đặc sản Nam Bộ. Ở không gian này, mỗi địa phương được thiết kế sẵn theo hình trái măng cụt cách điệu, loại trái cây đặc sản của Lái Thiêu, Bình Dương. Đáng chú ý là, ở mỗi không gian riêng, các nghệ nhân, tài tử của mỗi địa phương sẽ sẵn sàng hướng dẫn, chỉ bảo. Sân khấu biểu diễn là sân khấu nổi trên mặt hồ được trang trí đèn hoa đăng, xuồng ba lá. Với không gian như vậy, khán giả sẽ liên tưởng đến hình ảnh của miền sông nước, vốn là không gian chính của ĐCTT.
Đến với Festival lần 2 này, các đơn vị đều chuẩn bị những tiết mục “đặc sản” của địa phương đến không phải chỉ tranh tài mà quan trọng hơn là để chia sẻ, giao lưu. Bởi hiếm có loại hình nghệ thuật nào mà sức lan toả lại rộng, lớn đến 21 tỉnh, thành như ĐCTT. Mỗi nơi có hình thức bảo tồn và phát triển riêng đối với ĐCTT, nhưng đều có chung một mục đích, đó là nhờ ĐCTT để giải trí, giao lưu với nhau. Mỗi không gian ấy đều có sự kế thừa và phát triển. Đờn ca tài tử vì thế mà ngày càng lớn mạnh.
TP.HCM nơi có thể nói ĐCTT phát triển mạnh nhất với hàng trăm CLB, hàng ngàn tài tử đờn, ca. Đến với Festival lần này cũng không thể thiếu những “đặc sản”, thế mạnh của mình. Với chương trình “Giai điệu thành phố mùa xuân”. Cùng với lớp nghệ nhân lớn tuổi là lực lượng kế thừa. Các tài tử nhí cũng sẽ có những tiết mục bất ngờ.
Tỉnh Bình Phước vốn thuộc Đông Nam Bộ nhưng nói về ĐCTT thì phong trào ở nơi đây cũng không thua kém gì. Trong đó phải kể đến những gia đình nhiều thế hệ cùng tham gia đờn, ca. Không chỉ tham gia với chương trình “Phương Nam mộ điệu”, đoàn còn cử các nghệ nhân đờn, ca tham gia vào không gian ĐCTT hướng dẫn du khách cách sử dụng nhạc cụ, cách ca những bài bản vỡ lòng cho du khách…
Riêng Ninh Thuận mang đến chương trình “Ngọt ngào tiếng đờn - câu ca quê hương Ninh Thuận”. Chương trình gồm 2 tiết mục hòa tấu và 4 tiết mục tài tử ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, biển đảo, lứa đôi trong sáng… Tại Không gian ĐCTT Nam Bộ, Ninh Thuận xây dựng với chủ đề “Nhịp song loan trên đất Tháp”. Những hình ảnh về phong trào ĐCTT Ninh Thuận, giàn nho lủng lẳng, bụi xương rồng, nhà lá, tháp Chăm… là những nét văn hoá đặc trưng của vùng đất này.
Bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó GĐ Sở VHTTDL Bình Dương cho biết: “Bình Dương không phải là cái nôi của nghệ thuật ĐCTT, nhưng là địa phương luôn có phong trào hoạt động mạnh mẽ. Hiện tại, với hơn 70 CLB ĐCTT, Bình Dương luôn xác định phát triển kinh tế gắn với việc nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, chú trọng gìn giữ và phát triển văn hoá truyền thống. Festival ĐCTT tài tử là một trong những điều mà BTC hướng đến…”. 


H.Trần

Ý kiến bạn đọc