NSND Trần Ly Ly: Nghệ thuật là cuộc sống

VHO - Thời gian gắn bó với múa và các loại hình nghệ thuật có lẽ bằng chính tuổi đời, với NSND Trần Ly Ly, nghệ thuật là một phần không tách rời của cuộc sống. Bởi vậy, dù ở những thời điểm, vai trò khác nhau, tình yêu nghệ thuật đưa chị thăng hoa sáng tạo từ múa đương đại đến các vở diễn kinh điển “cháy vé”, tới sân khấu lớn xứng tầm quốc gia…

NSND Trần Ly Ly: Nghệ thuật là cuộc sống - Anh 1

NSND Trần Ly Ly

“Con nhà nòi” của ngành Múa 

“Mẹ tôi kể rằng, sinh ra vài tháng, tôi đã nằm nôi bên chiếc đàn piano của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trong những  ngày mẹ tập luyện. Lớn hơn chút thì bò, đi lang thang xem các vở diễn của Nhà hát. Gia  đình tôi ở trong khu Văn công Mai Dịch, Hà Nội, từ bé tôi đã được sống giữa bầu không khí nghệ thuật, mở cửa ra các nhà đều bật nhạc Beethoven, Tchaikovsky… xa xa là tiếng hát Tuồng, hát Chèo…”, NSND Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ về môi trường nuôi dưỡng chị trưởng thành; nuôi dưỡng  cả tình yêu nghệ thuật đã trở  nên vô cùng thân thuộc như  hơi thở của chị.  
Là “con nhà nòi” của ngành Múa, mẹ chị là diễn viên múa ballet Trần Thị Lan, thuộc lớp  diễn viên đầu tiên diễn các vở  ballet kinh điển tại Việt Nam  và bố chị là Nhà giáo Nhân dân Trần Quốc Cường, Hiệu  trưởng Trường Cao đẳng Múa  Việt Nam (tiền thân của Học  viện Múa Việt Nam hiện nay) - một trong những người đầu tiên được cử đi học ngành Múa tại nước ngoài và trở về nước cống hiến. Bởi vậy, dù không được bố mẹ định hướng học múa và theo nghề, nhưng  nghệ thuật đã ngấm vào máu, một cách tự nhiên, Trần Ly Ly sớm bộc lộ năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc và có niềm đam mê đặc biệt với các động  tác hình thể. 10 tuổi, chị học múa chuyên nghiệp và ngay sau đó đã giành 2 giải Tài năng múa trẻ toàn quốc năm 1992 và 1994.  
Yêu múa và có năng khiếu cảm nhận, tư duy về nghệ thuật, sáng tạo, biểu hiện cơ thể, nhưng tự nhận thấy vóc  dáng chưa hội đủ những yếu tố để trở thành một diễn viên múa ballet chuyên nghiệp, từ  rất sớm, Trần Ly Ly đã mong muốn trở thành một nhà giáo, một người sáng tạo, biên đạo  múa. Bởi vậy, sau 8 năm đào tạo chuyên nghiệp, chị trở  thành thủ khoa của Khoa Sáng tác Múa, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.  
Chưa kịp nhập trường, cô gái 19 tuổi đã giành được học bổng về múa tại Trường Đại học  Công nghệ Queensland, Australia. Từ đó chị có cơ hội học tập, làm việc tại Australia, tại Pháp. Dù ở nước ngoài rất phát  triển nghệ thuật múa, nhưng Trần Ly Ly vẫn quyết tâm trở về nước vào năm 2003 vì “rất  yêu Việt Nam, vô cùng nhớ nhà, muốn đóng góp sức cho  quê hương”. 
Và cứ như thế, những vở múa đương đại về các vấn đề xã hội  đã lần lượt được chị cho ra mắt như Một ngày, Sống trong hộp, Zen 7X, Ionah, Làng chài… Với cách thể hiện mới mẻ, các vở múa được công diễn khiến khán giả vừa ngạc nhiên, thích thú tìm hiểu, vừa có ý  
kiến phản biện trái chiều… “Tôi rất thích thú với điều này. Bởi đối với người làm nghệ  thuật, sự đón nhận, tranh luận ấy thể hiện sự thành công của  tác phẩm”, NSND Trần Ly Ly nói, đồng thời cũng cho biết,  từ những thể nghiệm mới mẻ trong các tác phẩm, chị đã  được các Viện văn hóa nước ngoài ủng hộ vì đi theo đúng  xu hướng quốc tế… 

NSND Trần Ly Ly: Nghệ thuật là cuộc sống - Anh 2

Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc SEA Games 31

Khẳng định chỗ đứng của nghệ thuật kinh điển 

 Ở Việt Nam vài năm trở lại đây, nghề múa được coi trọng ở nhiều góc độ, đặc biệt là nguồn lớn để thể hiện những lễ hội hay chương trình thực cảnh,  chương trình ca múa nhạc. Tuy nhiên, để ngành Múa thực sự phát triển tiệm cận với thế giới cần một không gian, yếu tố lớn hơn. Dù vẫn có một số nhóm  đang miệt mài làm nhiệm vụ này, nhưng ở diện rộng xã hội chưa đủ và khán giả của múa  vẫn còn rất nhỏ, phải lan tỏa hơn nữa. Nghệ thuật múa có  đặc trưng riêng, với nhiều cách biểu đạt và sáng tạo, có những dòng múa nhất định đòi hỏi  khán giả phải yêu thích, có hiểu biết mới cảm nhận được. Bởi vậy, khi làm Giám đốc  Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt  Nam, trong vai trò chỉ đạo nghệ thuật, Trần Ly Ly đã đưa  đến cho công chúng nhiều vở múa, nhạc kịch lớn, là những “bữa tiệc” nghệ thuật hấp dẫn ở thể loại cổ điển lẫn hiện đại như vở ballet Hồ Thiên Nga, Kẹp hạt dẻ, vở opera Người tạc tượng, Lá đỏ, Maria de  Buenos Aires... 
“Nhắc tới múa là nói đến Hồ Thiên Nga, mặc dù làm vô cùng khó khăn, cần rất nhiều nghệ sĩ, quy tụ sự tập trung cao độ của tập thể, kinh phí đầu tư rất lớn, trong khi Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ một phần. Vì thế, để có tác phẩm lớn không phải dễ, nhưng tôi  đã chọn và thấy rằng đây là lựa chọn đúng đắn với chức năng, nhiệm vụ của Nhà hát. Bởi vì đó là những tác phẩm kinh điển về kịch múa, kịch hát, nhạc kịch; và cần phải có  tác phẩm lớn, mang nét đẹp kinh điển như vậy để người  dân biết và đến với sân khấu. Nếu một tác phẩm mới lạ hoàn toàn, e rằng việc thu hút công chúng rất khó khăn. Chính  vì thế, chúng tôi dựng vở Hồ  Thiên Nga, rồi đến Những  người khốn khổ và đã đạt được  số khán giả rất đáng mơ ước”,  NSND Trần Ly Ly kể. 
Dẫn chứng, ngay khi công diễn, Hồ Thiên Nga đã tạo “cơn  sốt vé”, lập kỷ lục về số đêm diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, với  10.000 lượt khán giả. Những người khốn khổ cũng trở thành một hiện tượng nghệ thuật với 15.000 lượt người xem. Không  chỉ là con số, sự thu hút của các vở diễn đem lại giá trị vô  hình là lan tỏa tinh thần nhân  văn, nét đẹp của tâm hồn, của  trí tuệ và sáng tạo. Đó cũng  là lời khẳng định nghệ thuật kinh múa điển vẫn có chỗ đứng  trong lòng công chúng. 
Bên cạnh sự nghiệp là diễn  viên và biên đạo múa, NSND Trần Ly Ly còn tham dự nhiều sự kiện văn hóa với tư cách chuyên gia, cố vấn nghệ thuật, đạo diễn,  tổng đạo diễn cho nhiều chương  trình lớn ở Việt Nam. 
Đặc biệt, khi vừa đảm nhận cương vị mới, Quyền Cục  trưởng Cục Nghệ thuật biểu  diễn, Trần Ly Ly đã “ăn ngủ  cùng SEA Games 31” trong vai trò Tổng đạo diễn chương trình Khai mạc - Bế mạc SEA  Games 31. Chương trình mang tới bữa tiệc công nghệ - nghệ  thuật - văn hóa mãn nhãn khiến khán giả trong nước và cộng đồng quốc tế khen ngợi.  
Nhìn lại năm 2023, chị cho biết, nhiều cuộc thi tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn như Tuồng, Dân ca kịch, Chèo, Múa rối, Múa và kịch nói, Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc, Hát thính phòng, Nhạc kịch… đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với  các Hội chuyên ngành tổ chức. Các cuộc thi đã thu hút đông đảo những người làm nghề,  qua đó phát hiện tài năng biểu  diễn trong các lĩnh vực; kịp  thời ghi nhận công sức tìm  tòi, sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên trong quá trình lao động nghệ thuật. Đó cũng là dịp “kiểm đếm” đội ngũ sáng  tạo và tác phẩm, giúp cơ quan  quản lý đánh giá đúng thực  trạng hoạt động nghệ thuật  và đưa ra những phương thức  hoạt động mới, giải pháp khắc  phục những tồn tại, thúc đẩy  các loại hình nghệ thuật phát  triển phù hợp thực tế đời sống  xã hội…

Với những cống hiến trong lĩnh vực múa và nghệ thuật biểu diễn, năm 2023, Trần Ly Ly được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Trước đó, năm 2022, chị nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật; Huân chương lao động Hạng 3 vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2017 đến năm 2021; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều thành tích trong công tác chỉ đạo, tổ chức và điều hành Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31. Năm 2019, Trần Ly Ly được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam.

 THANH NGỌC 

Ý kiến bạn đọc