Người nổi tiếng giải quyết mâu thuẫn cá nhân qua mạng xã hội: Lợi bất cập hại

VHO - Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm khi bàn về câu chuyện ồn ào giữa nhạc sĩ Lưu Thiên Hương và giảng viên Nhạc viện TP.HCM trong những ngày qua. Sự việc tạm khép lại, nhưng có thể nói, dư âm và những hệ lụy gây ra là không hề nhỏ.

Người nổi tiếng giải quyết mâu thuẫn cá nhân qua mạng xã hội: Lợi bất cập hại - Anh 1

 Vụ việc “lùm xùm” cá nhân của hai giảng viên Minh Huyền và Lưu Thiên Hương gây ồn ào dư luận những ngày qua

“Tôi đọc câu chuyện này trên mạng xã hội. Ở đó chia thành hai nhóm dư luận, một bên cho rằng giảng viên Minh Huyền chưa ổn khi hành xử thiếu chuẩn mực; nhóm khác bình luận cách giải quyết của Lưu Thiên Hương cũng không hay lắm, thậm chí có người còn nâng chuyện đó lên thành “Lưu Thiên Hương tự lăng xê mình”… Tôi xin không bàn về nội tình sự việc, cũng không phán xét ai đúng ai sai, vì phía Nhạc viện TP.HCM đã có cách xử lý kịp thời và hợp tình, hợp lý”, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm bày tỏ.

Theo chuyên gia, hiện nay mạng xã hội phát triển và phổ biến rộng khắp, trở thành hệ thống thông tin quen thuộc đến mức người dùng quên đi mặt trái của nó. Ngoài yếu tố tiện lợi thì mạng xã hội cũng đang trở thành phương tiện mà đôi khi người ta lợi dụng nó để có những hành xử chưa đúng. Tính tiện lợi, nhanh nhạy của mạng xã hội luôn đi kèm với những hệ lụy không lường hết được. Bởi vì khi thông tin quá nhanh như vậy, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp thì sẽ thiếu thời gian để thẩm định, đánh giá và nhìn nhận một cách thông minh, khoa học, nhất là tính nhân văn… Ở đây, đứng ở vai trò người thầy, nếu đối phương sai thì mình phải hết sức bình tĩnh, quân bình cảm xúc, không thể hành xử nông nổi như vậy được.

Trao đổi với Văn Hóa, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM cho biết, không ủng hộ việc đưa “lùm xùm” cá nhân lên mạng xã hội như câu chuyện vừa qua của hai giảng viên Minh Huyền và Lưu Thiên Hương. “Tuy nhiên, mình cũng thông cảm với Lưu Thiên Hương ở chỗ, bạn ấy đã quá bức xúc và muốn tìm sự đồng cảm, ủng hộ của mọi người. Đó là hiểu theo cách tiến bộ, loại trừ ý xấu như một số người cho rằng cô ấy “lợi dụng câu chuyện để lăng xê mình”. Nhưng tôi cũng khẳng định, đó không phải là cách giải quyết tối ưu, mà nó cũng không đúng với tinh thần của một nhà giáo, nhất là khi mình là người có tầm ảnh hưởng, có nhiều fan và không ít người quan tâm. Trong trường hợp này, đối phương đã nóng mà mình cũng nóng nữa thì sẽ càng đi vào ngõ cụt… Vừa là nghệ sĩ lại vừa là nhà giáo thì luôn phải gìn giữ sự chuẩn mực, hai trọng trách đó đè trên vai nặng lắm”, chuyên gia phân tích.

Qua câu chuyện, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm bày tỏ quan điểm, cả hai nghệ sĩ cần phải rút kinh nghiệm, phải biết trân trọng hình ảnh của mình ở mọi nơi, mọi lúc. Hậu quả từ những câu chuyện không hay ho, không rõ nguồn cơn mà vội vàng đưa lên mạng xã hội, dù vô tình hay cố ý, nhất là trong lúc nóng giận, nó sẽ như một vết sẹo hằn sâu vào tinh thần, tư tưởng của người trong cuộc. Dù đã gỡ bài đi, nhưng chắc gì những hình ảnh, lời nói đó không bị ai lưu lại và tiềm ẩn hệ lụy không thể lường hết được…

Ở góc độ khác, nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia truyền thông Ngô Hương Giang phân tích, mạng xã hội là kênh truyền thông hữu hiệu, tuy nhiên nó mang tính cá nhân hóa, đôi khi dẫn dắt dư luận tiếp cận phiến diện, một chiều để có lợi cho người phát ngôn.

Theo chuyên gia, sự việc xảy ra trong môi trường giáo dục nên ngoài việc giữ uy tín nghề nghiệp, thì mỗi cá nhân cũng cần phải nghĩ cho HSSV của mình. “Các em sẽ nghĩ gì khi giáo viên không giải quyết được bất đồng chuyên môn mà phải phơi bày nhau lên mạng xã hội? Bản chất sự việc không phức tạp đến mức không thể giải quyết nội bộ, vì nguồn cơn là bất đồng quan điểm chuyên môn”, chuyên gia Ngô Hương Giang nhận định.

Chia sẻ về câu chuyện ồn ào này, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê mong muốn các giảng viên, nghệ sĩ cần rút kinh nghiệm, có sự kiềm chế, chừng mực trong ứng xử, tránh làm hoen ố hình ảnh đội ngũ nghệ sĩ, giảng viên… Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị bản thân mỗi đảng viên cần hết sức tỉnh táo khi đánh giá, bình luận sự việc trên mạng xã hội.

Tương tự, Bí thư Đảng ủy khối cơ sở Bộ VHTTDL Lương Văn Nhiền cũng đề nghị đội ngũ giảng viên, văn nghệ sĩ, HSSV trong toàn khối cần nắm bắt kịp thời các quy định về Luật An ninh mạng; quán triệt Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ VHTTDL ban hành sau sự cố mâu thuẫn giữa hai cá nhân là nghệ sĩ, giảng viên của Nhạc viện TP.HCM vừa qua. 

Không có chuyện Nhạc viện TP.HCM xem xét kỷ luật Lưu Thiên Hương

Người nổi tiếng giải quyết mâu thuẫn cá nhân qua mạng xã hội: Lợi bất cập hại - Anh 2

Thông tin về sự việc giảng viên Nhạc viện TP.HCM ném điện thoại vào nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, phía nhà trường cho biết, trong buổi hòa giải ngày 16.1 vừa qua, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương và giảng viên Minh Huyền đều thừa nhận lỗi sai của mình, đồng thời gửi lời xin lỗi tới Nhạc viện TP.HCM vì để sự việc không hay gây ảnh hưởng đến hình ảnh giảng viên và uy tín của tập thể.

Quyền Giám đốc Nhạc viện TP.HCM Hoàng Ngọc Long khẳng định, Ban lãnh đạo Nhạc viện TP.HCM đã phê bình và đề nghị hai giảng viên nghiêm túc kiểm điểm, cam kết không để xảy ra tình trạng tương tự. Còn về phía Lưu Thiên Hương, cô vẫn tiếp tục giảng dạy tại Nhạc viện, gỡ bài tố đồng nghiệp trên trang Facebook cá nhân, khép lại tranh cãi.

Trước thông tin cho rằng Lưu Thiên Hương cũng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, lãnh đạo Nhạc viện TP.HCM cho biết đây là thông tin suy diễn và hoàn toàn sai sự thật.

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc