Lễ hội đường phố "Tinh hoa – Hội tụ và tỏa sáng”: Gợi mở cách làm lễ hội trong đời sống hiện đại

VH- Sự hào hứng, ủng hộ của hàng nghìn nghệ sĩ, người dân ở mọi lứa tuổi, ngành nghề trong Lễ hội đường phố “Tinh hoa – Hội tụ và tỏa sáng” diễn ra vào sáng qua 29.7, nhân kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội đã làm nên một lễ hội có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Điều đáng nói là lễ hội này được gây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Lễ hội đường phố

 Tái hiện cảnh đám cưới xưa tại Hà Nội

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN cho biết, Lễ hội do Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu VN phối hợp với Sở VHTT Hà Nội cùng tổ chức. Đây là hoạt động thực hiện chủ trương hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực khi tổ chức lễ hội là chủ trương được Bộ VHTTDL ban hành.

Lễ hội được tổ chức từ 8h30 đến 10h00 sáng qua ngày 29.7. Trước giờ tổ chức, từ 7h00 sáng đã đông nghịt người tập trung ở xung quanh khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm để được chứng kiến những màn biểu diễn hoành tráng và ngoạn mục, mang ý nghĩa lịch sử của Thủ đô văn hiến. Những mảng màu tươi sáng của văn hóa, nghệ thuật Hà Nội một thập kỷ qua đã được thể hiện một cách sinh động và hấp dẫn thông qua hoạt động diễu hành và biểu diễn nghệ thuật. Người dân đã được chứng kiến chương trình lễ hội đường phố bao gồm 7 khối chính diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm. Các đoàn biểu diễn trình diễn những điệu múa dân gian như múa nón, múa hoa mai, múa hoa sen, múa lân, múa Con đĩ đánh bồng, múa Bài bông, múa Rước trạng vinh quy… với nội dung mang đậm giá trị văn hóa Hà Nội, văn hóa Việt. Cùng với đó là nhiều hoạt động nghệ thuật hấp dẫn khác như trình diễn áo dài thời trang, biểu diễn xiếc đường phố, đồng diễn thể thao, vũ hội carnival…

Chia sẻ bí quyết điều phối số lượng hơn 5.000 người tham gia cùng biểu diễn tại lễ hội, NSND Trịnh Thuý Mùi, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu VN, Tổng đạo diễn Lễ hội cho biết: “Lễ hội thành công chính là nhờ vào ý thức tham gia vô cùng tích cực của các nghệ nhân, nghệ sĩ và quần chúng nhân dân. Ngay khi nhận được chủ trương thực hiện lễ hội, các tổ chức xã hội, các làng nghề, các nhà hát nghệ thuật, các quận của thành phố Hà Nội... đều đã chủ động và nỗ lực lo phần trình diễn của khối. Đơn cử như khối Người cao tuổi với 700 cụ cao tuổi đánh quyền và tập dưỡng sinh đã tự tập luyện từ trước nhiều ngày. Các cụ tự lo trang phục biểu diễn và luyện tập trước rất miệt mài. Tất cả các khối khác như khối Làng nghề, khối Thể thao nghệ thuật, khối Tuổi trẻ thủ đô... mọi người đều chủ động tập luyện, tự lo trang phục biểu diễn. Chúng tôi chỉ cần xuống dàn dựng lại cho phù hợp với không gian biểu diễn của lễ hội”.

Lễ hội đường phố

 Múa “Con đĩ đánh bồng”

Trong kịch bản màn trình diễn múa Bài bông là do các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn nhưng khi xuống địa phương trực tiếp xem các nghệ nhân và thiếu nhi ở Thường Tín, Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Đông biểu diễn thấy địa phương đã có sẵn trang phục và khả năng biểu diễn rất thuần thục nên đã thay đổi lấy chính nhân lực của địa phương tham gia. Đó là lý do mà sự xuất hiện của hơn 100 nghệ sĩ quần chúng ở nhiều độ tuổi biểu diễn rất chuyên nghiệp trong điệu múa Bài bông đã cực kì gây ấn tượng đối với đông đảo người xem. Được biết, trong số đó có gia đình cả ông bà, bố mẹ và con cái cùng tham gia. Cũng rất ngạc nhiên khi màn trình diễn về làng hoa truyền thống lại không phải là làng hoa truyền thống Tây Tựu, Nhật Tân, Ngọc Hà... mà lại làng hoa Mê Linh, địa danh vốn nổi tiếng với các di tích lịch sử văn hóa. Làng hoa Mê Linh trở thành top làng hoa nổi tiếng của Hà Nội kể từ 10 năm trở lại đây, mốc kỷ niệm 10 năm Thủ đô điều chỉnh địa giới hành chính và trở thành nơi cung cấp lượng hoa lớn nhất cho người dân Thủ đô. Màn biểu diễn hoa tươi của Mê Linh do 100 cô gái vừa gánh hoa, vừa chở hoa bằng xe đạp với đủ các màu sắc rực rỡ đã tạo nên ấn tượng rất đẹp tại lễ hội.

Sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ nổi danh của Thủ đô như NSND Hoàng Cúc, NSND Lê Khanh, NSND Minh Hòa, NSƯT Minh Vượng, NSƯT Thu Hà... khi tái hiện một đám rước cưới cổ cũng đã tạo nên một điểm nhấn rất riêng. Đi đầu đoàn rước là NSƯT Minh Vượng trong vai bà mối, cho biết: “Ngày xưa Hà Nội mỗi lần có cưới xin là có bà mối dẫn cưới đi trước, bà mối cầm khay để xin dâu, đi sau là xe dâu rể. Được vinh dự góp mặt trong sự kiện đặc biệt, tôi cảm thấy rất vui và phấn chấn, hòa chung niềm vui với mọi người dân Thủ đô trong niềm vui lớn của Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi không có tâm thế là nghệ sĩ đi biểu diễn mà cảm giác là một người dân Thủ đô tham gia vào cuộc diễu hành, lễ hội đường phố rất lạ và hứng khởi”.

Các nhà tổ chức và dàn dựng chương trình đã rất khéo léo khi biết tận dụng chính Hồ Gươm làm sân khấu, bất cứ chỗ nào đoàn diễu hành dừng lại cũng có thể là sân khấu. Khán giả có thể nhìn xuyên từ bờ bên này sang bờ bên kia, nghe được âm thanh và cảm nhận được cảm xúc của lễ hội nhờ không gian mở. Đó là giải pháp tiết kiệm chi phí nhưng không giới hạn sự cảm xúc. Nhân dân tham gia không chỉ bằng đóng góp tiền của, công sức mà trực tiếp biểu diễn, sự chủ động hòa mình vào lễ hội đã mang lại niềm vui cộng hưởng cho tất cả mọi người là ghi nhận lớn nhất tại Lễ hội đường phố “Tinh hoa – Hội tụ và tỏa sáng”. 

 Với những người gắn bó lâu đời với Hà Nội như tôi, được sống trong không khí lễ hội với những khoảnh khắc tái hiện đầy hình ảnh về con người, văn hóa của Hà Nội như thế, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và thấy cần có trách nhiệm hơn với Thủ đô.

(Bà Đỗ Thị Hiền, quận Đống Đa, một trong những người tham gia diễu hành lễ hội)

 THUÝ HIỀN; ảnh: TRẦN HUẤN

 

Ý kiến bạn đọc