“Chốt đơn” theo KOL, KOC: Cẩn thận kẻo “mua” bực vào người

VHO - Kinh doanh online thông qua các phiên livestream được coi là kênh “hái ra tiền” cho các KOL (người có sức ảnh hưởng) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng). Một số khảo sát đã chỉ rõ, có đến trên 75% khách hàng online tại Việt Nam mua hàng sau khi nghe review (đánh giá) sản phẩm từ những người nổi tiếng.

 

“Chốt đơn” theo KOL, KOC: Cẩn thận kẻo “mua” bực vào người - Anh 1

 Bên cạnh review của các KOL, KOC, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm và các kênh phân phối chính hãng của nhà sản xuất (Ảnh chụp màn hình)

 Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nở nụ cười sau khi mua hàng online vì nghe những lời có cánh dành cho sản phẩm, mà trái lại, tiền mất nhưng nhiều lúc phải “mua bực” vào người.

Thất vọng vì nghe theo review

Chị Nguyễn Thùy Trang (29 tuổi ở An Dương, Tây Hồ, Hà Nội) tự nhận mình là “tín đồ mua sắm online” vì sự tiện lợi, nhanh chóng. Là thành viên hạng Kim cương của một sàn thương mại điện tử, chị không thể nhớ nổi số lần chị “chốt đơn” theo lời của các KOL, KOC, từ quần áo, mỹ phẩm cho đến mọi đồ gia dụng, thực phẩm, chị đều mua theo review của người nổi tiếng.

“Mỗi lần xem livestream bán hàng hay các video đánh giá sản phẩm, tôi đều bị cuốn theo lời quảng cáo. Cộng với việc các KOL, KOC hay tung ra mã giảm giá hấp dẫn, người mua càng dễ bị thu hút hơn. Sản phẩm tôi mua nhiều nhất là mỹ phẩm do đặc thù công việc phải tiếp xúc với khách hàng. Mua nhiều nhưng không phải lúc nào tôi cũng nhận được về sản phẩm ưng ý. Có lần vì nghe theo lời quảng cáo, tôi trót mua phải loại sữa rửa mặt không hợp với da, rất may chỉ bị kích ứng nhẹ”, chị Trang chia sẻ.

Tương tự, chị Hoàng Mai Hương (26 tuổi ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, các KOL, KOC luôn rất biết cách đánh vào tâm lý người mua để PR sản phẩm. Cộng với việc là người có sức ảnh hưởng trên không gian mạng, họ càng dễ hút khách. Như vậy, ngoài bán sản phẩm, họ còn bán cả uy tín của chính mình. Mai Hương kể: “Một trong những dòng sản phẩm các KOL, KOC hay livestream nhất hiện nay là mỹ phẩm và thời trang. Họ sẽ dùng những từ mỹ miều như “tôn dáng, sáng da, giảm mụn nhanh chóng”... để mô tả sản phẩm, khiến khách hàng cảm thấy mình đang thực sự cần phải mua những thứ đó. Có lần, tôi chốt đơn quần áo theo lời của một KOL, ban đầu nhìn trên livestream dáng áo rất đẹp nhưng khi nhận lại không được như quảng cáo nên tôi quyết định trả hàng, hoàn tiền. Dù hãng cũng nhiệt tình hỗ trợ đổi trả nhưng thực tế mỗi lần như vậy rất mất thời gian và phiền toái”.

Nâng cao cảnh giác

Thực tế hiện nay, các KOL, KOC đang đóng vai trò rất lớn trong việc định hình thói quen mua sắm và truyền thông, quảng cáo cho các sản phẩm của nhãn hàng. Không thể phủ nhận, nếu bán hàng có tâm, đội ngũ này đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy tiêu dùng, mua sắm. Thậm chí, trong nhiều chiến dịch giải cứu nông sản, các KOL, KOC đã trở thành cứu cánh cho nông dân. Bên cạnh đó, những người có sức ảnh hưởng còn góp phần quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, sự nở rộ của bán hàng qua livestream cũng ẩn chứa không ít rủi ro cho khách mua hàng. Đại diện Cục Nghiệp vụ (Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) cho biết, lợi dụng độ mở của một số sàn thương mại điện tử, nhiều KOL, KOC đã có hành vi quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ. Chỉ khi nhận hàng về, người mua mới vỡ lẽ mình rơi vào bẫy bán hàng”.

Nhiều vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện các kho hàng cả trăm mét vuông chứa sản phẩm không tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ chuẩn bị tuồn ra thị trường. Nguy hiểm hơn, nhiều mặt hàng bán trên các phiên livestream là thực phẩm chức năng, thậm chí thuốc chữa “bách bệnh” được quảng cáo qua lời của những KOL, KOC. Người dùng cần tìm hiểu kỹ về kênh phân phối của thương hiệu, sản phẩm để tránh mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định bởi cơ quan chức năng; tránh tiền mất, tật mang. Hơn nữa, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái, bán trên sàn thương mại điện tử cũng rất đa dạng, tinh vi và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các nền tảng là thật. Người bán hàng lại thường chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian... nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý. Nhận thức của người tiêu dùng về hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ cũng chưa được đầy đủ khiến việc đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, trong thời điểm Tết Nguyên đán 2024 đang tới gần, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thị trường bán hàng qua livestream diễn ra sôi động cũng sẽ kéo theo vấn đề hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp. Đặc biệt, người bán thường hướng đến tệp khách hàng là học sinh, sinh viên, các bạn trẻ với tâm lý “ham rẻ”. Do đó, người mua cần tỉnh táo lựa chọn thông tin, bởi không phải KOL, KOC nào cũng là người bán hàng có tâm. Ngoài ra, khi phát hiện bất kỳ ai có dấu hiệu bán hàng giả, hàng nhái, cần báo cáo với sàn thương mại điện tử hoặc cơ quan chức năng; đừng thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, doanh nghiệp và của chính mình! 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc