Giới thiệu nhiều tư liệu quý về quá trình xây dựng Kinh thành Huế

VHO - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức triển lãm với chủ đề “Kinh thành Huế - Dấu xưa còn lại”, giới thiệu đến công chúng gần 100 tư liệu và hình ảnh quý về công cuộc xây dựng kinh thành xưa. Đây là lần đầu tiên, triển lãm đã công bố nhiều Châu bản triều Nguyễn có bút tích ngự phê và các hình ảnh quý hiếm, qua đó cung cấp thêm cho du khách những thông tin giá trị về di tích Kinh thành Huế. Triển lãm gồm 2 phần: “Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế trong dòng lịch sử” và “Kinh thành Huế - Dấu tích một triều đại”.

Giới thiệu nhiều tư liệu quý về quá trình xây dựng Kinh thành Huế - Anh 1

 Du khách tham quan không gian triển lãm

Cách đây 220 năm, vua Gia Long triều Nguyễn đã cho mở rộng đô thành và xây dựng Kinh thành Huế. Địa điểm tọa lạc của kinh thành Huế đã được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó triều Tây Sơn chọn làm kinh đô và đến triều Nguyễn thì được mở rộng và xây dựng quy mô hơn nhiều. Công cuộc xây dựng kéo dài gần 30 năm (1805-1832), kéo dài từ thời vua Gia Long đến thời vua Minh Mạng. Kinh thành Huế được xây dựng theo kiến trúc Vauban, có diện tích 520 ha, chu vi trên 10.500m. Kinh thành Huế gồm 3 vòng thành: Kinh thành (thành ngoài), Hoàng thành và Tử cấm thành, đều nằm trên một trục quay về hướng Nam. Kinh thành có giá trị lớn về mặt phòng thủ, xung quanh thân thành có 24 pháo đài cùng một thành phụ là Trấn Bình đài (Mang Cá nhỏ). Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, Kinh thành Huế là công trình đồ sộ và quy mô nhất.

Sau những thăng trầm của lịch sử và biến thiên của thời gian, Kinh thành Huế chịu sự tàn phá, hư hại, có những công trình chỉ còn lại dấu tích. Nhưng những dấu xưa thành cũ đó và những công trình đang hiện hữu đã được in dấu trong từng trang Châu bản triều Nguyễn, di sản tư liệu thế giới. Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, việc tổ chức triển lãm lần này nhằm giới thiệu các thông tin quý và lan tỏa giá trị di sản Châu bản triều Nguyễn đến cộng đồng du khách. Qua đó, du khách đến Huế không chỉ dừng lại ở việc tham quan chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các công trình di tích mà còn có thể tiếp nhận thêm các thông tin giá trị, những câu chuyện của quá trình xây dựng kinh thành xưa.

Đợt trưng bày lần này được tổ chức ở không gian mở trên tuyến đường đi bộ Thượng Thành, đoạn từ Cửa Ngăn - qua Kỳ Đài - và đến cửa Quảng Đức (mặt Nam Kinh thành Huế). Đây cũng là hoạt động ý nghĩa để từng bước khai thác sản phẩm du lịch từ di tích Thượng Thành, khi mà công cuộc di dời dân cư ở khu vực 1 Kinh thành Huế đang dần hoàn thành.

S.THÙY

Ý kiến bạn đọc