Đưa lịch sử, văn hóa dân tộc vào tác phẩm múa

VHO- Phản ánh chân thực, sinh động không gian văn hóa, cuộc sống đa sắc màu của đồng bào các dân tộc; nghệ thuật hóa để đưa những giá trị lịch sử, nhân văn lên sân khấu múa…, biên đạo trẻ Nguyễn Hải Trường chọn cách theo đuổi những đề tài khó, với mong muốn sáng tạo, dấn thân cho đam mê, và để lại không ít dấu ấn với tác phẩm múa chuyên nghiệp.

Đưa lịch sử, văn hóa dân tộc vào tác phẩm múa - Anh 1

 Tác phẩm “Côn Đảo ngày trở về”, giải B tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sinh ra trên mảnh đất Quảng Trị, dù gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Hải Trường lại bén duyên với múa. Gắn bó với nghề suốt 12 năm qua, Hải Trường được biết đến với nhiều sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, không gian tâm linh, phong tục tập quán, sắc màu văn hóa các vùng miền, dân tộc…

Giá trị của tác phẩm múa ở vẻ đẹp và cảm xúc

“Lớn lên ở vùng đất lửa, nơi trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, hơn ai hết, câu chuyện về cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc đã ngấm vào cảm xúc và trí tưởng tượng của tôi. Bởi vậy, dù là người trẻ dàn dựng các tác phẩm, tôi thích tìm hiểu sâu hơn và mong muốn thể hiện về đề tài chiến tranh cách mạng”, biên đạo Hải Trường chia sẻ. Khi dàn dựng các tác phẩm, anh thường dành thời gian tìm kiếm nguồn tư liệu, thông tin về các sự kiện, nhân vật lịch sử; đồng thời tập trung tìm hiểu về bối cảnh của thời kỳ gian khó cũng như sự hy sinh, mất mát của lớp lớp cha anh. Mỗi tác phẩm được dựng lên còn là sự công phu chọn diễn viên phù hợp với nhân vật, sâu chuỗi bố cục câu chuyện, tình tiết, ngôn ngữ, chất liệu, âm nhạc… tạo nên tổng hòa các yếu tố, nhằm làm cho khán giả có thể cảm nhận được không khí của thời kỳ đó qua ngôn ngữ múa.

Đưa lịch sử, văn hóa dân tộc vào tác phẩm múa - Anh 2

Đưa lịch sử, văn hóa dân tộc vào tác phẩm múa - Anh 3

Đưa lịch sử, văn hóa dân tộc vào tác phẩm múa - Anh 4

Hình ảnh người phụ nữ gánh củi vùng cao trong tác phẩm Bóng núi

Với sự kỳ công và đồng cảm sâu sắc về những năm tháng chiến tranh, nhiều tác phẩm của Hải Trường để lại ấn tượng trong lòng công chúng và được giới chuyên môn ghi nhận. Như tác phẩm Côn Đảo ngày trở về giành Giải B tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; một số tác phẩm được dàn dựng, biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc hay chương trình Khát vọng hòa bình tại Quảng Trị… đã khiến người xem xúc động khi nhớ lại một thời hào hùng của dân tộc.

Nguyễn Hải Trường chia sẻ, có những vở diễn anh và ê kíp đã mất cả tháng trời tập luyện, dựng lên rồi lại phá bỏ, rồi dựng lại... Có khi cả nhóm phải tập đến 2 giờ sáng vì kỹ thuật khó, chẳng hạn bài Côn Đảo ngày trở về có kỹ thuật rất “nặng” và đôi khi cần cả sự liều lĩnh của diễn viên. Tuy nhiên, các nghệ sĩ đã vượt qua được những khổ luyện để có những phút giây thực sự thăng hoa…

Đi đến nhiều vùng miền, Hải Trường rất quan tâm tới đặc trưng, bản sắc, không gian văn hóa, tín ngưỡng, cũng như đời sống con người ở mỗi dân tộc. Đây cũng là cảm hứng giúp anh sáng tạo tác phẩm. Giải A cuộc thi tác phẩm múa các dân tộc thiểu số Việt Nam (2016) với tác phẩm Lễ bỏ mả; Giải C giải thưởng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (2017) với tác phẩm Một ngày trên bản… là một số dấu ấn khẳng định nỗ lực của anh khi theo đuổi mảng đề tài này.

“Khai thác đề tài dân gian, dân tộc cho tác phẩm múa, tôi đều tới tận nơi tìm hiểu nét độc đáo, đặc trưng của vùng đất ấy. Thông qua tư liệu, hình ảnh và cảm nhận trực tiếp, không gian văn hóa, đời sống bà con được nghệ thuật hóa đưa lên sân khấu, dù vậy tôi vẫn chú ý sao cho không xa lạ với đồng bào, để họ sẽ thấy chính mình trong đó”, Nguyễn Hải Trường chia sẻ.

Đưa lịch sử, văn hóa dân tộc vào tác phẩm múa - Anh 5

 Tác phẩm “Cuội già”, giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc năm 2019

Sáng tạo để nuôi dưỡng đam mê

Với mong muốn theo đuổi, sống trọn với nghề, biên đạo Nguyễn Hải Trường cho biết phải đối diện với không ít khó khăn, thử thách: “Những năm mới ra trường, nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến việc sáng tác múa rất khó khăn. Ngoài bỏ công sức tìm hiểu để dựng tác phẩm, biên đạo còn cần có chi phí dành cho âm nhạc, đạo cụ, phục trang, thuê diễn viên... Nhưng nghề không phụ người, nhờ làm tốt công việc của một biên đạo, luôn sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của đơn vị tổ chức nghệ thuật và thị hiếu khán giả, tôi đã có kinh phí để nuôi dưỡng đam mê, tập trung sáng tạo và khai thác, dàn dựng tác phẩm múa chuyên nghiệp”.

Nói về “bí quyết” để có các tác phẩm thu hút công chúng và thành công về nghệ thuật, Nguyễn Hải Trường cho rằng: “Cuộc sống có phát triển đến đâu đi chăng nữa, thì trong mỗi tác phẩm vẫn phải truyền tải được tinh thần, cảm xúc và vẻ đẹp dung dị của đời thường, của mối quan hệ giữa con người với con người, của không gian văn hóa…”. Chẳng hạn, trong tác phẩm Cuội già (giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc năm 2019 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức) thể hiện một tình bạn đẹp giữa 3 người từ lúc trẻ khỏe, mạnh mẽ đến khi về già run rẩy, chậm chạm, để truyền tải được đúng tinh thần, thần thái, động tác... của cụ già trong tiết mục múa là bài toán khó. Khi dàn dựng tác phẩm, Nguyễn Hải Trường chăm chú quan sát những người cao tuổi bước đi, lên xuống bậc thang, leo lên xe đạp... để cảm nhận được những chi tiết điển hình của lứa tuổi, sau đó mang vào tiết mục của mình một cách chân thật nhất.

Anh cũng cho biết, đang dàn dựng 5 tác phẩm tham dự cuộc thi Tài năng diễn viên múa toàn quốc sắp tới. Trong đó có tác phẩm múa lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về một cậu bé mồ côi dân tộc Mông, sống cô đơn, khắc họa hình ảnh nhân vật nổi bật trong không gian bản làng đầy ắp tiếng khèn nuôi nấng tâm hồn, và cũng là nơi để chàng trai thể hiện tiếng lòng. Ở tác phẩm khác, anh khai thác hình tượng người đàn bà gùi củi, gùi ngô trên sườn dốc mưa phủ…

Thông qua các sáng tạo của mình, đạo diễn Nguyễn Hải Trường mong muốn sẽ đưa lịch sử dân tộc, văn hóa truyền thống đến với giới trẻ, thu hút và truyền cảm hứng để họ tìm hiểu và yêu hơn những giá trị của dân tộc. 

 THANH NGỌC

Ý kiến bạn đọc