Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

29 Tháng Ba 2024

Ca khúc “Về Hà Nam anh nhé” của nhà báo Tào Khánh Hưng

Thứ Ba 27/09/2022 | 16:00 GMT+7

 VHO - Về Hà Nam anh nhé là tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác ca khúc Hát lên Việt Nam - Let's sing Viet Nam do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Ca khúc lần đầu xuất hiện trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam vào trưa ngày 25.1.2021. Đây là số đặc biệt chào mừng Khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của chương trình Âm nhạc và Cuộc sống của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tác giả ca khúc là nhà báo Tào Khánh Hưng- Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng.

Tôi quen anh thật tình cờ qua một cô bạn đồng nghiệp trong một chuyến công tác tại thành phố biển Đà Nẵng. Khi biết tôi là người Hà Nam, câu chuyện giữa chúng tôi dường như trở nên cởi mở hơn, gần gũi hơn. Theo lời anh kể, thì dù không sinh ra và lớn lên ở Hà Nam nhưng bà nội lại là người Bình Lục (Hà Nam). Vì thế, những năm tháng tuổi thơ anh thường được bố mẹ đưa về thăm quê bà. Rất nhiều những kỷ niệm đẹp về mảnh đất và con người Hà Nam lắng sâu trong trái tim anh và ca khúc Về Hà Nam anh nhé chính là món quà quí giá anh gửi tặng Nhân dân quê hương Hà Nam và đó cũng chính là một trong những ca khúc được chọn phát sóng trong chương trình Âm nhạc và Cuộc sống của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam số đặc biệt chào mừng Khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII phát sóng trưa ngày 25.1.2021. Anh chính là nhà báo Tào Khánh Hưng - Phó tổng biên tập Báo Xây dựng.

Nhà báo Tào Khánh Hưng, tác giả ca khúc Về Hà Nam anh nhé và ca sĩ Hoài Phương - giảng viên Khoa Thanh nhạc, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương thể hiện rất thành công ca khúc

 Người ta nói, âm nhạc giống như sợi dây kết nối, gắn kết mọi người đến gần nhau hơn, âm nhạc không chỉ đem đến niềm vui, nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực mà còn có thể kéo những con người xa lạ xích lạ gần nhau hơn. Với nhà báo Tào Khánh Hưng âm nhạc chính là nơi giúp anh thư giãn, lấy lại cân bằng trong cuộc sống, âm nhạc cũng chính là nơi anh được trải lòng, được thỏa mãn với những đam mê sáng tạo và lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước đến mọi người. Mặc dù, là kẻ “ngoại đạo” nhưng qua những câu chuyện của anh, tôi cũng hiểu được phần nào tình yêu của anh dành cho âm nhạc. Vì vậy, trong suốt chặng đường di chuyển xuống Hội An,  vừa nghe ca khúc Về Hà Nam anh nhé, vừa nghe anh trải lòng về hoàn cảnh ra đời của ca khúc, trái tim tôi cũng rộn lên những cảm xúc yêu thương và rất đỗi tự hàò. Anh kể: Tôi đến với âm nhạc từ năm 2017. Tôi thích dòng nhạc của nhạc sĩ Tuấn Phương, thích những sáng tác của anh, luôn mang đậm chất dân gian và trữ tình. Có lẽ vì thế những sáng tác sau này của tôi cũng ít nhiều ảnh hưởng bởi phong cách và tư duy sáng tạo của anh... Khi tôi hỏi, vì sao anh lại lựa chọn viết ca khúc về Hà Nam trước thếm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 mà không phải là một địa phuơng khác, anh trả lời: Là một người làm báo, tôi may mắn được đi nhiều nơi, được gặp gỡ nhiều người, được trải nghiệm cuộc sống và được khám phá và  hiểu thêm nhiều nét văn hóa độc đáo của vùng miền trong cả nước. Để chuyển tải những hình ảnh, tin tức sự kiện một cách nhanh nhất tôi dùng các loại hình báo chí như báo in, báo điện tử, báo hình... nhưng để lan tỏa hơn, dễ đi vào lòng người, tôi dùng ca từ thông qua giai điệu, với sự thể hiện truyền cảm của ca sĩ để chuyển tải những thông điệp về cuộc sống, về tình yêu quê hương, đất nước. Chính vì thế trong mỗi chuyến đi, ở mỗi nơi tôi đến, mỗi người tôi gặp, tôi luôn chắt chiu ghi lại những hình ảnh về con người, về cuộc sống bằng những ca khúc trữ tình. Rất may, các tác phẩm âm nhạc - những đứa con tinh thần của tôi ngay sau khi ra đời đã được bạn nghe đài, người thân yêu thích như: Tự hào cô giáo trẻ, Trong mờ sương Sa Pa, Trường Sa yêu thương, Hà Giang trong tôi, Mường Tè quê em,  Về làng Sen, Lý Nhân quê mình, Tình người Hà Nội, Trở về nơi nguồn sáng... Trong số đó, ca khúc Tự hào cô giáo trẻ đã đoạt giải Ba trong cuộc thi sáng tác nhân dịp Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (cuộc thi không có giải Nhất), Ca khúc Thương anh đoạt giải Nhất trong cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật do Bộ Công An và UBND TP Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, ca khúc Ngọt ngào Hưng Yên đoạt giải khuyến khích cuộc thi sáng tác về tỉnh Hưng yên nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên.

Trở lại câu hỏi của bạn; trước tiên tôi có tình cảm đặc biệt với mảnh đất, con người  Hà Nam như đã kể với bạn rồi đấy. Hơn nữa, nghề báo đã cho tôi cách nhìn bao quát phát hiện ra cái mới, cái riêng biệt mà không có ở một vùng quê nào trên cả nước có được như ở Hà Nam. Đó là là quê hương Hà Nam đã sinh ra nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến người vẽ lá cờ Tổ quốc, quê hương của lễ hội Tịch điền diễn ra hàng năm và địa phương có nhiều di tích lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh; đặc biệt Chùa Tam Chúc nổi tiếng  cả nước.  Đây là nét riêng biệt được tôi khai thác đưa vào ca từ. Và điều không ngờ ca khúc Về Hà Nam anh nhé - bài ca về quê hương người vẽ cờ Tổ quốc, được ra đời đúng dịp cả đất nước đang thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Bài hát đã vinh dự được lựa chọn phát sóng trong chương trình ca nhạc đặc biệt Chào mừng khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Bản thân tôi rất xúc động khi nghe ca khúc của mình vang lên trên sóng Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Ca khúc này chính là một món quà đặc biệt của tôi gửi tới toàn thể Nhân dân Hà Nam, tới những người bạn; đó cũng là lời tri ân những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.    

 Là người Hà Nam, lại là đồng nghiệp của anh, dù không am hiểu nhiều về âm nhạc nhưng mỗi lần nghe ca khúc Về Hà Nam anh nhé, trái tim tôi như được vỗ về yêu thương. Tình yêu quê hương, đất nước trong ca khúc của anh giống như mạch suối nguồn tinh khiết nuôi dưỡng tâm hồn những người sinh ra và lớn lên từ làng như chúng tôi. Dung dị, nhẹ nhàng và sâu lắng từ giai điệu đến ca từ, Về Hà Nam anh nhé của nhà báo Tào Khánh Hưng đã chạm được đến miền ký ức, những địa danh bi hùng và rất đỗi tự hào của đất và người Hà Nam, nơi đã sinh ra người con ưu tú Nguyễn Hữu Tiến, người vẽ cờ Tổ quốc; nơi sinh ra những “bông hồng thép” trên trận địa pháo Lam Hạ... Dù đã mấy mươi năm trôi qua nhưng những câu chuyện về cuộc đời của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến, những nữ dân quân Lam Hạ... mãi là tấm gương sáng để các thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau ghi nhớ, tự hào và noi theo. 

 “Anh có về Lũng Xuyên quê em

Nhớ ngọn cờ thời Nam kỳ khởi nghĩa 

Thành phố, miền quê cờ bay phất phới

Phủ Lý yêu thương Lam Hạ anh hùng”...

     Theo như chia sẻ của tác giả, hình ảnh ba con sông chung về một dòng xuất hiện trong ca khúc thể hiện tinh thần đoàn kết của toàn đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh, người lương cũng như người đạo thiên chúa giáo luôn chung sức, đồng lòng vì mục tiêu xây dựng một tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh.

“Về Hà Nam thành phố ngã ba sông

Tiếng máy reo cùng công trường hối hả

Sông Nhuệ, sông Châu, sông Đáy chung dòng 

Như người quê em chung sức, đồng lòng”

 “Anh có về Hà Nam quê em

Ở đó có em cùng nỗi nhớ

Về đi anh, em vẫn chờ, em vẫn đợị

Về đi anh, khi xuân sang mùa hoa nở

Cho duyên mình thắm mãi yêu thương…”

  Lúc hào sảng, lúc da diết, sâu lắng, Về Hà Nam anh nhé như một lời mời chân thành của người Hà Nam nhắn nhủ tới bạn bè muôn phương. “Anh có về Hà Nam quê em”, câu hát được lặp đi, lặp lại nhiều lần như một điệp khúc thể hiện tình cảm yêu thương, lòng mến khách của con người nơi đây. Ca từ mộc mạc, giai điệu trữ tình, ca khúc Về Hà Nam anh nhé, vừa thấm đẫm chất dân ca sâu lắng của vùng đất ngã ba sông; vừa có có nét duyên dáng của chèo, tình tứ của dân ca quan họ... đó chính là sự kết hợp tài tình của nhà báo Tào Khánh Hưng. Vì vậy, ngay sau khi bài hát được phát trên Đài TNVN đã nhận được sự chú ý của thính giả cả nước và được người dân Hà Nam đón nhận và yêu mến. 

 Dù không theo con đường sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng mỗi tác phẩm âm nhạc của anh đều thể hiện tính chỉn chu, sáng tạo trong từng con chữ, từng khuông nhạc. Anh bảo: nghề viết nhạc cũng có nhiều nét tương đồng với nghề báo mà anh đã gắn bó mấy chục năm qua. Sự trải nhiệm và những chất liệu được chắt lọc từ cuộc sống chính là “ đầu vào” quan trọng tạo nên giá trị và sức lan tỏa trong các sáng tác của anh. Đến với con đường sáng tác âm nhạc khá muộn, nhưng với Tào Khánh Hưng thì tình yêu, sự đam mê không bao giờ là muộn. Cảm xúc anh dành cho âm nhạc luôn tươi mới và đầy nhiệt huyết. 

MINH THU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top