Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

29 Tháng Ba 2024

Hình tượng Bác Hồ qua cách kể của đạo diễn trẻ

Thứ Sáu 08/04/2022 | 09:30 GMT+7

VHO- Với chùm ba vở kịch ngắn về Bác Hồ, chương trình nghệ thuật Tên Người sáng mãi của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ giúp khán giả có cái nhìn gần gũi và chân thực hơn về cuộc đời, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những tâm tư, tình cảm mà Người đã dành trọn cho dân tộc, cho đất nước.

 Hình tượng Bác Hồ trong vở “Đôi mắt sáng”

Đoàn kết là sức mạnh, Đôi mắt sáng, Bác Hồ và mùa xuân năm ấy là ba vở kịch truyền tải những câu chuyện về ba thời kỳ khác nhau của Bác, được đạo diễn bởi những cái tên còn rất trẻ, nhưng được giới chuyên môn đánh giá cao, có đạo diễn đã giành giải ở những liên hoan nghệ thuật sân khấu kịch uy tín.

Chuyện về Bác Hồ qua cách kể của ba đạo diễn trẻ

Đúng như tên gọi, vở Đoàn kết là sức mạnh (tác giả Lê Trinh, đạo diễn NSƯT Lâm Tùng) đã thể hiện tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng lãnh đạo quân dân ta kháng chiến chống thực dân, đế quốc và cả trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết - Thành công, Thành công, Đại Thành công”. Nội dung vở diễn xoay quanh câu chuyện của Đại đoàn Tả Ngạn trên Chiến khu Việt Bắc với những mâu thuẫn nội bộ, sự đối lập giữa tính nghiêm minh và lòng trắc ẩn, vị tha đã được Bác “dàn hòa”. Từ đó, những cá nhân đơn lẻ đã tìm thấy con đường để đi vào cuộc chiến đấu chung. Vở kịch có màu sắc khá cổ điển, những mảng màu xanh cỏ tràn sân khấu qua trang phục của người lính. Các nhân vật đều nghiêm túc, theo đuổi lý tưởng riêng của mình. Sự nghiêm ngắn đó khiến công chúng thấu hiểu nhân vật, kể cả những sai lầm của họ hơn.

Nếu Đoàn kết là sức mạnh mang đậm ý nghĩa tư tưởng thì hai vở Đôi mắt sáng Bác Hồ và mùa xuân năm ấy lại giúp người xem hiểu rõ hơn về đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, gần gũi, gắn bó với nhân dân và cán bộ chiến sĩ. Đôi mắt sáng (tác giả Thiên Ân, đạo diễn NSƯT Tạ Tuấn Minh) kể câu chuyện thời hậu chiến, khi người chiến sĩ trở về trong mù lòa, tự cô lập mình, từ chối tình yêu cuộc sống, nhưng cảm hứng sống của anh đã trở lại sau lần gặp Bác.

Vở Đoàn kết là sức mạnh

Bác Hồ và mùa xuân năm ấy (tác giả Lê Trinh, đạo diễn NSƯT Bùi Phương Nga) lại cho thấy quan điểm thân dân, quan tâm đến đời sống dân nghèo của Bác… Vở diễn cũng thể hiện những quan sát giàu nữ tính của đạo diễn Bùi Phương Nga với trẻ nhỏ. Nhờ đó, các chi tiết, cách thể hiện về sự nghèo đói của những đứa trẻ, sự chịu thương chịu khó của người phụ nữ lao động dễ khiến người xem đồng cảm.

Dựng kịch ngắn lại về Bác Hồ là một thử thách không hề dễ dàng đối với các đạo diễn trẻ bởi với thời lượng một vở kịch dài, họ sẽ có nhiều đất để xử lý, tuyến nhân vật cũng sẽ đầy đủ, trọn vẹn hơn. Kịch ngắn bị hạn chế về thời gian nên đòi hỏi đạo diễn phải rất chắc tay để có thể cô đọng, xúc tích từ hành động cho đến thể hiện ý tưởng.

Đôi mắt sáng, đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh đã tìm ra cách xử lý khá thông minh trong dàn dựng, đặc biệt là các nhân vật khi di chuyển trên sân khấu đã tạo ra hiệu ứng đội hình đẹp mắt. Những câu chuyện riêng tư của người lính được thể hiện vừa giàu chất tiếu lâm lại vừa nhân văn. Kể về những đau đớn, thậm chí là tận cùng như mất khả năng làm bố, nhưng chuyện kịch và cách dàn dựng vẫn cho thấy sự lạc quan, chia sẻ. Tạ Tuấn Minh lựa chọn Quang Đạo đóng vai Bác Hồ, đây cũng được coi là một xử lý dũng cảm, bởi lẽ diễn viên này còn quá trẻ và chưa bao giờ đóng vai Bác. “Tôi bị áp lực rất lớn bởi hình ảnh Bác đã quen thuộc với tất cả mọi người, nếu làm không đúng sẽ có tội với Bác, với người xem và với chính bản thân mình. Rất mừng khi đồng nghiệp dành nhiều lời khen khi diễn viên Quang Đạo mà tôi lựa chọn thể hiện hình tượng Bác Hồ. Tôi luôn dặn diễn viên là phải làm cho ra được thần thái, sự dung dị nhưng vĩ đại của con người Bác. Tôi tin nếu có cơ hội, có tài năng và lửa nghề cùng với việc nghiên cứu thật kỹ các tư liệu về Bác, chắc chắn là người diễn sẽ thành công”, NSƯT Tạ Tuấn Minh chia sẻ.

Vở Bác Hồ và mùa Xuân năm ấy

Thế hệ diễn viên mới đóng vai Bác

Với chùm kịch nói này, Nhà hát Kịch Việt Nam có thể yên tâm với một thế hệ diễn viên mới vào vai Bác Hồ. Chỉ đạo nghệ thuật, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc cho biết, qua chương trình này, Nhà hát yên tâm khi đã có hai diễn viên vào vai Hồ Chủ tịch rất tốt, đó là Minh Hải và Quang Đạo. “Đóng vai một lãnh tụ vĩ đại nên các bạn diễn viên còn chút bỡ ngỡ, nhưng tôi tin với tình yêu dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bạn sẽ ngày càng hoàn thiện vai diễn và mang lại nhiều cảm xúc hơn”, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.

Cũng theo NSƯT Xuân Bắc, mỗi câu chuyện đều có thể diễn ra một cách độc lập. Ông cho biết, thời gian qua nhiều cơ quan, đơn vị, tỉnh thành đã đề nghị Nhà hát cho họ xem kịch về Bác Hồ. “Họ muốn thưởng thức và giới thiệu cho cán bộ, nhân viên, công nhân viên, sinh viên, các cháu nhỏ về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng nếu diễn các vở lớn như Đêm trắng thì có nhiều khó khăn về con người, di chuyển, kinh phí…, chính vì vậy, Nhà hát Kịch Việt Nam quyết định dựng ba kịch ngắn về Bác để trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng có thể mang những câu chuyện về Người đến với khán giả khắp mọi miền”, NSƯT Xuân Bắc cho biết.

 Ban Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam và các nghệ sĩ giao lưu với khán giả khi kết thúc chương trình

Cùng với đó, khi Nhà hát Kịch Việt Nam đi lưu diễn tại châu Âu cũng nhận được rất nhiều những lời đề nghị từ kiều bào, đặc biệt là cộng đồng người dân Nghệ An, Hà Tĩnh được xem kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là một trong những lý do để Nhà hát Kịch Việt Nam xây dựng chùm kịch ngắn về đề tài này. “Tôi tin rằng sự xuất hiện của các vở kịch đề tài Bác Hồ khi được diễn ở nước ngoài sẽ tạo ấn tượng mạnh đối với kiều bào. Ngay cả người dân nước bạn cũng sẽ rất háo hức khi được gặp vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam qua sự hoá thân của nghệ sĩ chúng tôi. Sắp tới, chúng tôi sẽ biểu diễn tại nhiều địa phương và cả ở nước ngoài như Thái Lan chẳng hạn”, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ.

Xây dựng chùm kịch ngắn về Bác Hồ, tái hiện lại những bài học mà Bác để lại, những lời dặn dò đầy yêu thương, bình dị mà sâu sắc của Bác dành cho người dân Việt Nam bằng nghệ thuật sân khấu, chương trình nghệ thuật Tên Người sáng mãi đã mang tới nhiều cảm xúc cho khán giả, đặc biệt là nhắc nhở thế hệ trẻ mãi mãi ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già đáng kính đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

HIỀN LƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top