Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

28 Tháng Ba 2024

Vẫn mong chờ “bom tấn”!

Thứ Tư 23/02/2022 | 10:13 GMT+7

VHO- Như thông lệ, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức trao giải thưởng Sân khấu 2021 cho nghệ sĩ, tác phẩm xuất sắc của năm, đồng thời triển khai kế hoạch hoạt động năm 2022.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Chủ tịch Hội và đại diện Bộ Công an trao giải A Tác giả kịch bản và Tác giả sách nghiên cứu lý luận, phê bình xuất sắc năm 2021 Ảnh: NT

 Thời gian qua, tình hình dịch bệnh đã gây ra rất nhiều khó khăn, thử thách đối với toàn ngành sân khấu, đó là lý do mà Hội đã nỗ lực vinh danh, trân trọng trao những phần thưởng, giải thưởng cho nghệ sĩ trên 4 lĩnh vực: Kịch bản văn học; Tổng thể vở diễn; Tài năng của từng cá nhân và Lý luận phê bình.

Sân khấu vượt khó để sáng tạo

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2022, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã trao 31 giải thưởng cho các nghệ sĩ, tác phẩm xuất sắc. Trong đó, Giải thưởng Vở diễn Sân khấu trao 3 giải A, 5 giải B; Giải thưởng cho các tác giả kịch bản, sách nghiên cứu lý luận, phê bình có 2 giải A, 7 giải B, 7 giải khuyến khích; 7 nghệ sĩ được trao Giải thưởng cá nhân xuất sắc.

Có thể thấy phần nào sự “chắt chiu” của Hội đồng nghệ thuật khi cố gắng tìm ra những “cột cờ” xứng đáng để những người làm nghệ thuật sân khấu có thể nhìn nhận, đánh giá được thực lực từng tác phẩm cũng như các sáng tạo cá nhân. Với 49 kịch bản tham gia gồm đủ các kịch chủng: Tuồng, chèo, cải lương, kịch nói…; đa dạng đề tài từ lịch sử, dã sử, hiện đại…, vậy mà giải thưởng cho Tác giả kịch bản xuất sắc chỉ có duy nhất 1 giải A cho Mưa đỏ của nhà văn Chu Lai. Nếu so với các hội chuyên ngành khác thì con số 1 giải A kịch bản sân khấu là quá ít, thậm chí có phần khắt khe. Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Giang Mạnh Hà cho rằng, Mưa đỏ là tác phẩm nổi trội so với mặt bằng chung, có cấu trúc kịch bản chặt chẽ, đối thoại cô đọng, súc tích, chắt lọc, và quan trọng là mang tới cảm xúc chân thật cho người đọc về số phận và nỗi đau, sự mất mát của nhân vật.

Trong khi đó, Giải thưởng vở diễn sân khấu 2021 được trao nhiều hơn với 3 giải A: Làng Song sinh (tác giả Xuân Đức, đạo diễn NSND Trung Hiếu) của Nhà hát Kịch Hà Nội; Làm vua (tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn NSND Hoài Huệ) của Nhà hát Tuồng Việt Nam; Truân chuyên dải yếm đào (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai) của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Có thể thấy sự nỗ lực của đội ngũ sáng tạo, đặc biệt là dấu ấn của các đạo diễn đã làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm, bởi trước khi tham gia xét giải, một số vở đã thật sự chạm đến trái tim của khán giả. Điều thú vị là dù không khai thác mảng đề tài hiện đại với những vấn đề “nóng”, nhưng các tác phẩm lịch sử, dã sử, cận đại vẫn được những người sáng tạo sân khấu “thổi luồng gió mới”, những lát cắt mới, tận dụng tối đa những đặc trưng, ưu thế của sân khấu để tạo dấu ấn sáng tạo riêng. Điều đó được ghi nhận ở một loạt các vở diễn như Làm vua, Làng Song sinh, Truân chuyên dải yếm đào, Thiên mệnh

Mặc dù phải thực hiện giãn cách xã hội, có những thời điểm nghệ sĩ của cả đơn vị nghệ thuật phải nghỉ hàng tháng trời không thể tập vở, vậy mà nhìn vào số lượng vở diễn cũng như chất lượng tác phẩm được dàn dựng trong năm 2021 đã cho thấy sự cố gắng vượt bậc của các đơn vị nghệ thuật cũng như cá nhân nghệ sĩ.

Vở “Làm vua” của Nhà hát Tuồng Việt Nam được trao giải A về Vở diễn xuất sắc Ảnh: NT

Đề tài quá khứ áp đảo hiện đại?

“Những người làm nghệ thuật sân khấu cần nhìn thẳng vào sự thật và phải đánh giá một cách khách quan: Trong năm 2021, sân khấu Việt đã có vở diễn nào, kịch bản nào đủ sức gây giật mình, sửng sốt hay chưa? Có vở diễn nào đạt tới sự thoả mãn khiến khán giả phải kinh ngạc hay chưa? Câu trả lời vẫn là chưa! Không phải cứ mở trại sáng tác, hội thảo, liên hoan, hội diễn hay kêu gọi, hiệu triệu là có tác phẩm đỉnh cao, bởi tài năng nghệ thuật vốn rất quý hiếm và rất khó để có những khoảnh khắc thăng hoa, bừng sáng. Hội đồng nghệ thuật trao Giải thưởng sân khấu năm 2021 đã cố gắng để tìm ra những tác phẩm xuất sắc nhất, tuy nhiên để có những tác phẩm tạo dấu ấn bứt phá nổi trội và hoàn chỉnh về mọi mặt thì quả thật là vẫn chưa thể tìm ra”, NSND Giang Mạnh Hà trăn trở khi chia sẻ với Văn Hóa.

Trong số những kịch bản được gửi về Hội năm 2021 vẫn có những kịch bản bộc lộ nhiều hạn chế. Mưa đỏ của nhà văn Chu Lai ở đề tài chiến tranh cách mạng, rồi cả 3 vở diễn đoạt giải A đều khai thác đề tài lịch sử, cận đại… đã cho thấy sự lúng túng của những người làm nghệ thuật, đặc biệt là đội ngũ tác giả sân khấu khi phát hiện, khai thác, dẫn giải những hiện thực bộn bề của đời sống đương đại, và đó cũng là lý do mà sân khấu xuất hiện nhiều các vị vua, hoàng hậu, ông hoàng, bà chúa của thời đại trước… Giới nghề đang “nợ” khán giả những tác phẩm hay, có chất lượng về đề tài thời sự của đời sống hiện tại, chưa có những cuộc “đối thoại” trực diện với những người đương thời.

Đề tài quá khứ áp đảo là điểm yếu lớn nhất bộc lộ trong kịch mục hiện nay của nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu. Dẫu biết rằng, lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại… cũng vô cùng quan trọng nhưng khán giả vẫn cần đến những vở diễn phản ánh chính họ và việc đi sâu khai thác đề tài hiện đại cũng là cách làm mới sân khấu, thu hút khán giả trẻ đến với loại hình nghệ thuật giải trí của cha ông để lại. Hơn thế, giới nghệ sĩ cũng không thể đứng ngoài những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước, bởi bối cảnh đời sống với những thử thách, khó khăn bộn bề sẽ là nguồn chất liệu phong phú, cảm hứng sáng tạo vô tận cho họ. 

 Nhiều sự kiện sân khấu lớn sẽ được tổ chức năm 2022

Theo báo cáo của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, từ năm 2022, Ban chấp hành, Ban Thường vụ, lãnh đạo Hội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cần chủ động, tích cực, sáng tạo và quyết tâm tạo ra những hoạt động có tính nghề nghiệp sâu rộng, xây dựng các công trình nghệ thuật, vở diễn có chất lượng cao. Hội sẽ xây dựng Đề án và các hội thảo hướng tới những giải pháp chiến lược cho ngành sân khấu như: Xây dựng đề án tổ chức Cuộc thi đàn giỏi hát hay Tuồng; Dân ca; Chèo; Cải lương toàn quốc năm 2023; Xây dựng đề án tổ chức Liên hoan sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM năm 2023; Xây dựng đề án về chiến lược phát triển khán giả cho sân khấu 2023-2030; Hội thảo khoa học về thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW của Đảng về quy hoạch và kiện toàn xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; Tọa đàm về Sân khấu quốc tế thể nghiệm; Hội thảo khoa học về chiến lược phát triển khán giả cho nghệ thuật sân khấu…

Hội cũng sẽ kỷ niệm “65 năm ngày thành lập Hội” (1957 - 2022) và Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ 13, tổ chức Ngày hội sân khấu Việt Nam tại 3 điểm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

 THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top