Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

28 Tháng Ba 2024

Đạo diễn Vũ Minh Trí “xông đất” VFC với bộ phim "Lối về miền hoa"

Thứ Bảy 05/02/2022 | 19:48 GMT+7

VHO- Đạo diễn Vũ Minh Trí được biết đến với sở trường tạo ra các phim “ngôn tình” và tâm lý gia đình trên sóng VTV, trong đó có bộ phim Mùa hoa tìm lại từng “làm mưa làm gió” màn ảnh nhỏ. Sắp tới đây, anh sẽ trở lại trong bộ phim mới Lối về ngàn hoa. Những thước phim sẽ được trình chiếu vào khung giờ 21h30 trên kênh VTV3 bắt đầu từ ngày mùng 7.2.2022. Lối về miền hoa với dàn diễn viên trẻ, nhiều gương mặt mới khai thác đời sống nông thôn hứa hẹn sẽ là một món ăn lạ vị làm đa dạng sắc màu cho các bộ phim ở khung giờ vàng hiện nay.

P.V: Trong vài năm trở lại đây, không ít những bộ phim đề tài nông thôn như Cô gái nhà người ta, Mùa hoa tìm lại hay Phố trong làng khi lên sóng đã được khán giả đón nhận tích cực. Điều này phần nào cho thấy nông thôn vẫn luôn là mảng đề tài có sức hấp dẫn. Sắp tới, Lối về miền hoa của anh thì sao? 

Đạo diễn Vũ Minh Trí: Lối về miền hoa xoay quanh nhóm bạn trẻ lớn lên ở một làng hoa ven đô và câu chuyện trưởng thành của họ. Lợi (Trọng Lân) – một thanh niên trẻ 25 tuổi, sống bằng nghề buôn hoa, cất hoa từ làng rồi đổ lại cho các cửa hàng hoa trong tỉnh. Vì là con của người đàn ông giàu nhất phố huyện, nên Lợi mang theo tâm lý làm cho vui, không cần lo nghĩ cho ngày mai. Lợi, cùng hai người bạn là Linh béo (Lâm Đức Anh) và Bão (Mạnh Quân) nổi tiếng khắp phố huyện và làng hoa vì tính nghịch ngợm, thích phá làng phá xóm của mình. Ba chàng trai luôn tự xưng là "ba người lính ngự lâm" mang trong mình trái tim chân thành, nhiệt huyết và cũng đầy nghĩa hiệp.

Nhưng trong mắt một số người, trong đó có Thanh – chị gái Bão (Anh Đào), họ chỉ là ba thằng trai có lớn mà chẳng có khôn vô cùng đáng ghét. Mối quan hệ oan gia của Lợi và Thanh bị đẩy lên đến đỉnh điểm, khi Lợi phát hiện ra bạn trai hiện tại của Thanh bắt cá nhiều tay. Lợi giúp Thanh nhìn ra sự thật, nhưng cũng đồng thời làm tổn thương tới cô.

Lợi, vì muốn chứng minh cho Thanh thấy mình không phải là một kẻ vô dụng nên đã tự điều chỉnh lối sống, tìm cách lập nghiệp. Nhưng càng làm càng hỏng, thậm chí còn bị lừa, ảnh hưởng đến cả những người bạn thân thiết của mình là Bão và Linh. Lợi, giống như một vệt bóng sẫm màu để làm Nghĩa vụt sáng. Đã có lúc Lợi gần như rơi vào ngõ cụt, muốn từ bỏ mọi cố gắng.

P.V: Lối về miền hoa với dàn diễn viên trẻ, nhiều gương mặt mới hứa hẹn liệu có đem đến sắc màu đa dạng cho bộ phim ? 

Đạo diễn Vũ Minh Trí: Lối về miền hoa không khai thác nhiều yếu tố kịch tính, lắt léo mà đi vào xây dựng bức tranh đời sống dung dị, chân thực, vốn là "màu sắc phim" sở trường của tôi. Ở Lối về miền hoa tuổi trẻ của các nhân vật sẽ thực sự "thanh xuân" với đủ thứ gia vị ngọt ngào, cay đắng; vị của sự bồng bột, của nuối tiếc; vị của tình yêu đầu tựa mật; vị của sự thất bại mà chẳng sờn lòng; vị điên cuồng mà phấn chấn…Ngoài câu chuyện lập nghiệp, câu chuyện tình bạn cũng là điểm sáng của Lối về miền hoa. Với sự tươi mới, trẻ trung của Trọng Lân, Lâm Đức Anh, Mạnh Quân, tình bạn của ba anh chàng "bọ xít" sẽ được thể hiện sinh động, hài hước nhưng không kém phần cảm động.

P.V: Phim Tết phát sóng trên VTV dịp Tết Nguyên đán là một trong những truyền thống của nhà đài. Thế nhưng dịp Tết Nhâm Dần 2022, khán giả không có cơ hội xem phim Tết. Lý do gì đến tận mùng 7 Tết VTV mới “mở hàng” bộ phim của anh đạo diễn? 

Đạo diễn Vũ Minh Trí:  Lí do quan trọng nhất do điều kiện dịch bệnh căng thẳng, không thể bố trí lịch sản xuất. Dịch bệnh ảnh hưởng khá lớn tới lịch sản xuất và tiến độ quay phim của các đoàn làm phim. Được biết, do dịch bệnh nên thời gian để sản xuất một tập phim truyền hình có thể lên tới 7-8 ngày, gần như gấp đôi so với điều kiện bình thường. VFC căng mình trên khắp các bối cảnh quay để chạy tiến độ. Phố trong làng vừa rồi cũng phải tạm ngưng phát sóng do nguyên nhân từ tiến độ sản xuất.Hai năm trở lại đây, các đoàn làm phim đối mặt với nguy cơ “vỡ” bối cảnh. Những ngày không quên là bộ phim đầu tiên quay trong đại dịch và giãn cách xã hội, cả đoàn phim đối mặt không ít thách thức vì bị…kỳ thị. Các phim sản xuất sau này đều không tránh khỏi ảnh hưởng. Chẳng hạn đoàn sản xuất Mặt nạ gương bị đòi lại bối cảnh ngôi nhà của vợ chồng ông Nghị (NSƯT Hoàng Hải). Trước đó, sân Đài Truyền hình Việt Nam còn trở thành trường quay dã chiến của một số bộ phim. 

P.V: Nhận định về thị trường phim mùa Tết 2022, các đạo diễn cho rằng, vấn đề lớn nhất là tâm lý khán giả. Ở giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều người chưa sẵn sàng thưởng thức. Vậy anh đã nghiên cứu yếu tố gì để có cách tiếp cận, quảng bá phù hợp? 

Đạo diễn Vũ Minh Trí: Có thể thấy hầu như phim nào chọn người trẻ làm nhân vật trung tâm cũng dễ tạo ra sức hút với người xem, vì những câu chuyện xoay quanh giới này luôn ngập tràn năng lượng, sự tươi mới. Kể về người trẻ cũng là cái cớ để các nhà làm phim dễ dàng đưa vào những yếu tố câu khách, như dàn diễn viên trai xinh gái đẹp, trang phục thời trang, bối cảnh “nịnh” mắt.

Chủ đề được nhiều người yêu thích, có sẵn các yếu tố cơ bản để câu khách, thế nhưng phim về tuổi trẻ, thời thanh xuân trên màn ảnh nhỏ lại không nở rộ như người xem mong mỏi. Phim truyền hình 10 năm trở lại đây đã phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng. Bằng chứng là nhiều phim thay phiên nhau gây sốt, nhưng chủ đạo vẫn là phim về cuộc sống hôn nhân gia đình. Ðiểm chung của phim truyền hình dịp Tết là truyền tải thông điệp nhân văn về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, con người, tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp với chất liệu mới, mang hơi thở hiện đại. Thị trường phim Tết năm nay có sự phân hóa khá rõ ràng ở hai lĩnh vực: điện ảnh và truyền hình. Trong khi điện ảnh chỉ có các bộ phim cũ từng bị dời lịch chiếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì truyền hình xuất hiện hàng loạt phim mới, được sản xuất ở giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát với sự thích ứng, sáng tạo linh hoạt. Thuận lợi hơn phim điện ảnh, các dự án phim truyền hình ở hai miền nam, bắc vẫn hoạt động được trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhanh chóng "bù đắp" sự trống vắng của thị trường phim. Ở thời điểm hiện tại, các dự án đều ở giai đoạn nước rút, đẩy nhanh tiến độ để sản phẩm kịp ra mắt phục vụ khán giả… Có khoảng gần 20 phim truyền hình đã được sản xuất, trong đó một số phim được đầu tư kỹ lưỡng, như: Về chung một nhà (đạo diễn Vũ Trường Khoa và Hoàng Tích Thiện); Anh có phải đàn ông không? (đạo diễn Trịnh Lê Phong); Tình thắm duyên xuân (đạo diễn Phương Ðiền); Vũ điệu đón xuân (Xuân Phước); Sóng gió hào môn (đạo diễn Quốc Thuận); Hẹn hò cùng thần tượng, Sống ảo, mất thật (đạo diễn Dũng Nghệ); Thấy mai là thấy Tết (đạo diễn Văn Công Viễn)...

Có thể nói năm nay, phim Tết rộn ràng và phong phú đề tài. Đây được xem là tín hiệu vui, góp phần vực dậy  nền phim ảnh từng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.

P.V: Xin cảm ơn anh đã trò chuyện! 

  LÊ THÚY HẰNG (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top