Bao giờ điện ảnh hết "ăn theo" kịch bản nước ngoài?

VH- Năm 2018 được xem là năm “công phá” của thị trường điện ảnh Việt khi mới đầu năm đã có hàng loạt tác phẩm xếp hàng chờ ra rạp. Bên cạnh niềm vui vì số lượng phim tăng vượt bậc thì một nỗi lo luôn ám ảnh công chúng yêu điện ảnh chính là phần nội dung, mà kịch bản yếu chính là “gót chân Asin” của nhiều phim Việt.

Bao giờ điện ảnh hết 

“ Tháng năm rực rỡ” - một bộ phim được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài

Phim Tháng năm rực rỡ (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), bộ phim kể về quá trình tìm lại những kỉ niệm đẹp của một nhóm phụ nữ trung niên với sự tham gia của nhiều gương mặt điện ảnh nổi tiếng như: Hồng Ánh, Mỹ Duyên, siêu mẫu Thanh Hằng… chuyển thể từ tác phẩm đình đám Sunny của Hàn Quốc mới ra rạp. Trên các diễn đàn mạng, những khán giả (thuộc mọi lứa tuổi) có dịp xem tác phẩm này đã kháo nhau rầm rộ rằng “phim hay, rất đáng “đồng tiền bát gạo” tới rạp”. Hiện chưa nói trước được doanh thu của phim có đạt được những con số “khủng” hay không nhưng với “cơn mưa” lời khen dành tặng cho tác phẩm này thì đạo diễn, NSX đã có thể tự hào về đứa con tinh thần của mình. Mặt khác, sự chỉn chu về nội dung của Tháng năm rực rỡ một lần nữa khiến không ít những người làm nghề chạnh lòng bởi dù sao đây cũng là “đứa con lai” chứ nào phải toàn bộ là hồn cốt của người Việt.

Nhiều ý kiến cho rằng dòng phim Việt hóa thời gian qua ít nhiều cũng để lại cho công chúng Việt lắng đọng về phần nội dung (kịch bản chắc tay, nhiều tình huống gay cấn, hấp dẫn, nhiều phim dù thể loại hài hước nhưng cũng gắn nhiều thông điệp nhân văn nổi bật…) chứ nào phải như nhiều tác phẩm Việt thời gian qua nội dung chỉ dừng ở mức trung bình, nhiều phim có kịch bản “đầu voi” nhưng “đuôi chuột”, nhàn nhạt, chưa thật sự để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả; hiếm lắm mới có một vài tác phẩm điện ảnh như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Đảo của dân ngụ cư… nội dung, kịch bản được đánh giá tốt, nổi bật giữa mặt bằng chung, tuy nhiên đây vẫn chỉ là những “tia sáng lẻ loi”.

Nhà biên kịch Ngô Ngọc Ngũ Long, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM cho biết, “có bột mới gột nên hồ”, nghĩa là một bộ phim hay ngoài yếu tố diễn xuất của các diễn viên chiếm khoảng 30% thì phần quan trọng còn lại nằm ở yếu tố kịch bản. Bà Long nhớ lại rất nhiều lần với vai trò thành viên Ban giám khảo chấm giải Cánh diều Vàng, bà cùng đồng nghiệp phải thừa nhận: “Phim đó nếu không có cô diễn viên giỏi nghề A hoặc anh chàng diễn viên B nhập vai quá đạt” thì có lẽ mọi người đã ngủ gật suốt cả bộ phim vì nội dung kịch bản hầu như chẳng có gì. Thậm chí ví dụ có ai xem tác phẩm này (dài 120 phút) mà nhỡ ngủ quên gần nửa phim, khi giật mình tỉnh dậy vẫn có thể hiểu nội dung câu chuyện, các tuyến nhân vật thế nào. Điều này cho thấy khâu kịch bản phim của chúng ta đang rất yếu, biết bao giờ chúng ta mới khắc phục được nhược điểm “biết rồi khổ lắm nói mãi” này nhằm kéo mặt bằng chung của các phim lên một tầm cao mới?!

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt kịch bản phim, đạo diễn - NSND Huy Thành cho rằng, chúng ta (Nhà nước, các đơn vị sản xuất phim tư nhân) nên tổ chức các cuộc thi và trao giải thưởng có giá trị thật cao (từ 500 triệu đồng, thậm chí nếu kịch bản phim quá tuyệt vời được nhiều người khen ngợi và Hội đồng (bao gồm các chuyên gia) thẩm định tốt, có thể trao giải thưởng lên đến cả tỉ đồng cho một kịch bản) thì sợ gì không thu hút được các nhà biên kịch tên tuổi, nhà văn, đạo diễn có nghề… lao vào sáng tác để cho ra đời các kịch bản phim hay có giá trị nghệ thuật sâu sắc để dựng thành tác phẩm, thu hút công chúng?!

Tuy nhiên, do thiếu hụt kinh phí cũng như tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất mà dù biết kịch bản là một trong những khâu quan trọng nhất nhưng chúng ta vẫn dành rất ít tiền cho nó (phần nhiều sử dụng chi trả cho diễn viên hay phần quay, dựng hậu kì…) thì thử hỏi sao phim tiến bộ được?! Về vấn đề lâu dài, đạo diễn Charlie Nguyễn thì cho rằng đã đến lúc cần đẩy mạnh công tác xây dựng các lớp bồi dưỡng và đào tạo các nhà biên kịch trẻ. Phải tập trung vào hướng phát hiện ươm mầm và phát triển các tài năng biên kịch, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích họ tăng ý tưởng sáng tạo để viết nhiều và cho ra đời các kịch bản hay, chắc tay; phải đầu tư thật nhiều cho công tác đào tạo nguồn nhân lực thì về lâu dài chúng ta mới có được nguồn kịch bản tốt và ổn định, góp phần giúp ngành điện ảnh nước nhà nhanh chóng phục hồi lại những “tháng năm rực rỡ” như những gì mà các thế hệ đi trước từng tạo dựng được! 

 QUANG KHẢI

 

Ý kiến bạn đọc