Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

29 Tháng Ba 2024

Sân khấu : Sôi nổi trong “trạng thái bình thường mới”

Chủ Nhật 16/01/2022 | 14:45 GMT+7

VHO-Không rầm rộ khai trương quảng bá cho các đợt biểu diễn mới, không có cảnh người xem tới rạp chật kín… ,việc phục hồi hoạt động biểu diễn của các nhà hát,các đơn vị nghệ thuật sân khấu đang diễn ra với “trạng thái bình thường mới” theo đúng chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ và Bộ VHTTDL. 

Chương trình Cùng trải nghiệm với Nghệ thuật múa rối nước truyền thống của Nhà hát Múa rối Việt Nam

Nhiều sáng tạo tiếp cận mới

Có thể thấy sự thay đổi trong hình thức hoạt động biểu diễn của ngành nghệ thuật nói chung và của sân khấu nói riêng trong 2 năm trở lại đây. Từ khi chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã tự tìm cho mình những hướng đi riêng, bên cạnh những chương trình được thực hiện theo kế hoạch triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ VHTTDL. Có thể kể tới những nỗ lực tiếp cận khán giả của nhiều nhà hát trên cộng đồng mạng xã hội đã tạo hiệu quả cao. Luôn bền bỉ với công tác tiếp cận khán giả trẻ nhiều năm qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tự “nâng cấp độ” tiếp cận bằng một chương trình Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ từ tháng 10.2021.  Chứng kiến một cuộc giao lưu giữa nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam trong chương trình này với sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ sẽ thấy phần nào hiệu ứng và sự lan toả của chương trình với lớp trẻ. Không chỉ giới thiệu với khán giả được những tiết mục thực sự chuẩn mực do các nghệ sĩ giỏi, tài năng của nhà hát thể hiện mà nghệ sĩ sau khi diễn đã trực tiếp trao đổi, giải đáp những câu hỏi để giúp khán giả hiểu cặn kẽ hơn về nghệ thuật Tuồng ở nhiều góc cạnh. Các chương trình giao lưu được Nhà hát đưa lên youtube để quảng bá giới thiệu với khán giả rộng rãi về mô hình này, đặc biệt với người trẻ. 

Mini show “Giữ lửa đam mê” được thực hiện trên fanpage của Nhà hát Chèo Việt Nam

Từ cuối tháng 8 đến nay, fanpage của Nhà hát Chèo Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm, tương tác của khán giả đam mê nghệ thuật chèo truyền thống với chuỗi chương trình Giữ lửa đam mê. Vào mỗi tối chủ nhật hằng tuần, các nghệ sĩ chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam đã livestream để biểu diễn phục vụ khán giả. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, các chương trình biểu diễn của nhà hát không tổ chức được, nghệ sĩ không có cơ hội biểu diễn, tương tác với khán giả trực tiếp, thì đây là một hoạt động ý nghĩa và đáng khích lệ... Qua các chương trình, Nhà hát cũng đã giới thiệu được những gương mặt nghệ sĩ trẻ tài năng của mình qua những mẫu vai diễn mẫu trong chèo, vừa giúp khán giả tiếp cận gần gũi hơn, hiểu hơn về nghệ thuật chèo truyền thống. Nhà hát còn tổ chức các cuộc thi hát chèo online thu hút các câu lạc bộ hát chèo và giọng ca hay trên toàn quốc và cả nước ngoài. Đây là một cách phổ cập nghệ thuật truyền thống đến với khán giả vô cùng sáng tạo. Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Thanh Ngoan chia sẻ: “Hội nghị văn hoá toàn quốc 2021 đã trở thành động lực khơi dậy khát vọng sáng tạo cho những người làm văn hoá nghệ thuật. Chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước đều khẳng định cần phải đầu tư cho các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như tuồng, chèo, cải lương… Chúng tôi ý thức rằng nếu cứ bo bo sợ mất bản quyền tác phẩm mà không tìm cách giới thiệu cho công chúng biết và đến với chèo thì rồi nghệ thuật chèo sẽ bị mai một khi đánh mất một thế hệ khán giả. Đó là lý do chúng tôi đã tìm đủ mọi cách để quảng bá nghệ thuật chèo với nhiều hình thức trên youtube, trên fanpage của nhà hát. Chưa tính tới bài toán doanh thu, bán vé ở thời điểm  dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, bài toán chúng tôi tự đặt ra cho mình đó là làm sao thu hút khán giả. Đồng thời, nhà hát đã chia lẻ các nhóm nghệ sĩ tập luyện cũng như đi biểu diễn thành các nhóm nhỏ  để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch”. 

Niềm vui của ê kíp sáng tạo vở Thượng thiên thánh mẫu trong ngày ra mắt vở diễn

Những ngày đầu tháng 1.2022, một trong những sản phẩm nghệ thuật được báo chí truyền thông đặc biệt ca ngợi đó là vở Thượng thiên thánh mẫu của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Có một vở diễn hay, chất lượng được đánh giá cao không những mất công tập luyện, dàn dựng vất vả, nhưng giờ hai nhà hát đều đang phải tính tới bài toán làm sao để tác phẩm được giới thiệu với công chứng khán giả, để nghệ sĩ được khoe tài. Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ: “Chúng tôi đang kêu gọi xin tài trợ test nhanh để có thể diễn vào Tết nguyên đán (3 buổi). Số lượng khán giả rất khiêm tốn chỉ khoảng 200 đến 300 người ở Rạp xiếc Trung ương với số lượng ghế là 1300 chỗ để thực hiện giãn cách. Với nghệ thuật nếu không văn ôn võ luyện thì để một thời gian dài thì chúng tôi sẽ lại phải tập luyện lại như mới. Liên đoàn Xiếc cũng đang dự kiến mùng 2 Tết sẽ vẫn tổ chức diễn khai xuân mặc dù có thể không có khán giả mà chỉ có các nghệ sĩ diễn và livestream. Chúng tôi sẽ đưa ra diễn cả ở ngoài cổng rạp để tạo không khí, để khán giả, người dân Thủ đô thấy được sự khát khao được cống hiến nghệ thuật”. 

Muốn thay đổi phải bắt đầu từ công nghệ…

Với những sản phẩm nghệ thuật mới được ra mắt gần đây như Thượng thiên thánh mẫu của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Múa rối du xuân cùng 5K của Nhà hát Múa rối Việt Nam… đã cho thấy sự nỗ lực của các đạo diễn tài năng trong việc “vượt khó”, vượt qua sự nghèo nàn của công nghệ để trỗi dậy cho ra những sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn, mới lạ. Tuy nhiên, chính bản thân những đạo diễn tài năng này vẫn còn ấp ủ, khao khát nhiều hơn để thực hiện những sáng tạo nghệ thuật. Nhưng vì công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ sân khấu của các nhà hát hiện nay quá nghèo nàn, quá lạc hậu nên họ đành phải tạm bằng lòng sáng tạo trong điều kiện cho phép.

Đều là những trụ cột, đạo diễn sáng giá của ngành sân khấu, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc nhà hát Chèo Việt Nam, TS, NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, TS. NSND Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Sĩ Tiến khi chia sẻ những khó khăn trong công tác dàn dựng biểu diễn đều cho rằng để thu hút khán giả hôm nay thì nghệ thuật biểu diễn nói chung, đặc biệt là sân khấu phải được nâng cấp hiệu quả về công nghệ, nhất là công nghệ kỹ thuật số, đây là yêu cầu vô cùng cấp bách, bắt buộc đòi hỏi phải có sự đầu tư chiều sâu, hoàn thiện các trang thiết bị hiện đại cho sân khấu như xây dựng phòng thu, ứng dụng về dựng cảnh, thiết kế sân khấu điện tử, hiệu ứng ánh sáng, âm nhạc, tiếng động… Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng nhấn mạnh: “Các sản phẩm nghệ thuật online hiện nay chúng ta đưa lên mới chỉ mang tính chất tuyên truyền chứ chưa thực sự hấp dẫn để có thể kiếm tiền. Muốn thu được tiền của khán giả thì chúng ta phải có sự đầu tư về công nghệ để có những sản phẩm nghệ thuật thích ứng với thị trường nghệ thuật hiện nay. Trong lúc các nhà hát chưa có phòng thu, chưa có đủ các trang thiết bị công nghệ thì rất mong cơ quan quản lý nhà nước sẽ có sự chỉ đạo để làm sao những đơn vị đã được trang bị công nghệ trong ngành hỗ trợ cho chúng tôi điều kiện chia sẻ về phòng thu, công nghệ”. 

Chương trình Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam 

 

Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết Nhà hát nhận được rất nhiều lời đề nghị phối hợp tổ chức tham gia các cuộc thi nghệ thuật múa rối quốc tế online và cả trực tiếp thế nhưng để quay các chương trình, tiết mục áp dụng công nghệ là điều vô cùng nan giải đối với nhà hát. Không có phòng thu, không có trang thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại, Nhà hát Múa rối rất khó để dàn dựng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của quốc tế. Ngay như việc sản xuất các traler giới thiệu chương trình thật sự đạt yêu cầu công nghệ, ấn tượng và hấp dẫn luôn là bài toán nan giải bởi các phương tiện của các nhà hát, đặc biệt là sân khấu truyền thống đều đã rất cũ kỹ, lạc hậu.  

Nhà hát, rạp biểu diễn đều có tuổi đời cả trăm năm, trang thiết bị kỹ thuật nghèo nàn không đáp ứng được yêu cầu thích ứng với nền cách mạng công nghệ 4.0… Để thay đổi nâng cấp công nghệ không chỉ là chuyện có thể làm ngay, đó là lý do các đạo diễn tài năng của sân khấu đã và đang phải ‘liệu cơm gắp mắm”, làm mới tác phẩm của mình bằng những đề tài, hướng khai thác dàn dựng mới từ chính những ưu thế đặc trưng của loại hình nghệ thuật của mình. Trước mắt để thích ứng trong “trạng thái bình thường mới”, hàng loạt các chương trình,tác phẩm nghệ thuật đã lần lượt được các nhà hát trình làng. Tận dụng mọi cơ hội để làm nghệ thuật ngay giữa đại dịch để làm ra những sản phẩm nghệ thuật giàu ý nghĩa và giá trị là điều đáng ghi nhận đối với nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu.

THUÝ HIỀN, Ảnh:  KIÊN TRUNG

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top