Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

29 Tháng Ba 2024

Niềm hy vọng thiêng liêng về tác phẩm lớn

Thứ Tư 03/11/2021 | 10:52 GMT+7

VHO- Lâu nay ở nước ta, nhiều tác phẩm văn học được giải thưởng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã không còn được lưu giữ trong ký ức người đọc, tự nhiên biến mất bất ngờ, gây nên nỗi niềm thật sự lo âu đối với người cầm bút. Nhưng trong nghệ thuật, quy luật đào thải, chọn lọc khắt khe không chừa ai, nói như một nhà văn, nó “vặt lông tất cả”! Cuối cùng, tác phẩm lớn vẫn đang ở thì tương lai. Còn công chúng thì mong đợi với niềm hy vọng thiêng liêng.

 Tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng mới được ra mắt ở Trung Quốc, với 8.000 bản trong lần xuất bản đầu tiên

 Cũng xin được thưa trước, bài viết này chỉ khiêm tốn bàn luận trong “địa hạt” văn chương, khi mà ở đó, Hội Nhà văn Việt Nam vẫn trao giải thưởng thường niên; các Hội VHNT địa phương, các nhà xuất bản trong cả nước vẫn tổ chức giải thưởng 5 năm một lần (ví dụ Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương của Nghệ An, Giải thưởng VHNT Nguyễn Du của Hà Tĩnh, Giải thưởng Văn học trẻ của Nhà xuất bản Trẻ...).

Tác phẩm lớn phát khởi từ cao vọng của nhà văn

Kéo dài trong một tuần lễ, kể từ 20.9, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện trên Fanpage của Nhà xuất bản Trẻ để nhận câu hỏi từ bạn đọc và chọn trả lời một câu mỗi ngày (theo Tuoitre. Online, 28.9.2021). Có một câu hỏi là: “Nhiều ý kiến cho rằng đại dịch không hẳn là trở ngại mà còn là cơ hội, nhất là với nhà văn, khi đặt ra những vấn đề xã hội nhiều bức bối, gợi ý nhiều đề tài sâu rộng. Văn học Việt Nam hình như chưa có tác phẩm lớn vì chưa có sự kiện lớn, thì đây là dịp để các tác phẩm lớn ra đời. Chị nghĩ sao về ý kiến này? Và chị có dự định viết về đại dịch để chia sẻ góc nhìn của mình?”.

Câu trả lời của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng thẳng băng như văn chương của chị: “Tôi không có ý thức gọi là “tác phẩm lớn”. Mỗi khi thấy cụm từ này là tôi thêm hai chữ “hội chứng” ở đằng trước. Hội chứng tác phẩm lớn. Tôi chỉ quan tâm, để ý chuyện hay, dở và tin rằng báo chí mới cần sự kiện lớn. Văn chương thì không”. Bạn đọc còn nhớ, nhờ vào Cánh đồng bất tận (truyện, 2005) mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2006) và Giải thưởng văn học Đông Nam Á (2008). Tác phẩm còn được chuyển thể thành phim truyện. Nếu nhà văn coi tác phẩm lớn là một thứ “hội chứng” thì những gì bản thân gặt hái được trong quá khứ hóa ra chỉ là ngẫu nhiên, ăn may hay sao?

Còn nhớ trong truyện Đời thừa (1943) của nhà văn Nam Cao, nhân vật Hộ - một văn sĩ nghèo - đã từng có giấc mơ về Nobel văn chương. Mơ ước có thể không trở thành hiện thực, nhưng ai cấm con người có ước mơ, hoài bão, cao vọng. Tôi nghĩ, tinh thần hiện sinh đang là trend trong đời sống xã hội và trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tinh thần này hướng con người đến cái hiện tồn (thực tế hôm nay) cùng cái thực dụng. Không có gì là không đúng. Nhưng văn học nghệ thuật từ xưa đến nay là của để dành, nó đứng ngoài quy luật của sự băng hoại của thời gian. Nếu các nhà văn tiền chiến (trước 1945) cũng có cái tâm thế lảng tránh hay sợ hãi trước “hội chứng tác phẩm lớn” thì các thế hệ sau này lấy gì để hiểu quá khứ, lấy gì để có thể tự hào chúng ta có tiểu thuyết gia Vũ Trọng Phụng với kiệt tác Số đỏ (1936) đã được dịch và quảng bá ở nhiều nước trên thế giới?

Một nền văn học lớn phải đứng vững trên một nền văn hóa lớn

Một nhà văn lớn phải có căn cốt văn hóa. Lưng vốn văn hóa của nhà văn được tạo nên từ nhiều nguồn mạch, nhưng trước hết, quan trọng nhất vẫn là nguồn mạch văn hóa dân tộc (hiển hiện trong kho tàng văn hóa dân gian và văn hóa bác học truyền thống). Người làm thơ lục bát, chẳng hạn, không thể không tiếp biến suối nguồn ca dao, dân ca; người viết truyện ngắn không thể không học trong tự sự dân gian, đặc biệt truyện cười. Nhìn sang lĩnh vực âm nhạc, đã có bằng chứng những làn điệu dân ca các vùng miền làm nên chất bột để gột nên hồ nhiều nhạc phẩm đi suốt thời gian.

Nhưng văn hóa còn là cách hành xử với đời, với người, với tạo vật, với tiếng mẹ đẻ (với ý nghĩa là công cụ, phương tiện quan trọng của nghệ thuật ngôn từ). Tôi thấy nhà văn hôm nay ít có mối quan hệ gắn bó với đời sống của nhân dân như các thế hệ trước (từ thời tiền chiến, qua chống Pháp, Mỹ, Khơ me Đỏ, bành trướng phương Bắc). Dường như các nhà văn bây giờ thích thú chui vào “tháp ngà” của riêng mình rồi ngắm rớt, nhắm rớt (từ dùng của nhà văn Hoài Thanh) mọi thứ. Nên không có gì lạ khi tác phẩm văn học nghệ thuật được làm ra trở nên xa lạ với nhân dân đang sống cuộc đời cần lao, bền bỉ xây đắp ước mơ giản dị - ấm no, hạnh phúc, tự do, bình an.

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tha thiết viết: “Nhà văn là một người rất nặng nợ với đời, tôi đặt cho mình một nhiệm vụ phải có trách nhiệm với con người”; “Mỗi nhà văn gắn chặt với số phận dân tộc và đất nước mình - như cái đai của người mẹ quấn quanh mình đứa trẻ. Và hình như còn hơn thế nữa. Người nghệ sĩ là một đứa con của đất nước mà chỉ có nó mới có thể giao cảm hết những cái vui buồn và nhọc nhằn của người mẹ - cả những điều mà người mẹ không bao giờ nói ra! (Di cảo Nguyễn Minh Châu, Nxb Hà Nội, 2009).

Niềm hy vọng thiêng liêng về tác phẩm lớn là không thể khác

Công chúng có quyền đòi hỏi văn nghệ sĩ không được quyền sáng tác tồi. Công chúng nghệ thuật có đầy đủ lý do để hy vọng về những tác phẩm lớn sẽ xuất hiện trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, đủ bản lĩnh và trình độ nghệ thuật để hòa nhập vào nhân loại qua sứ giả văn hóa. Những năm gần đây, một số tác phẩm (văn chương) đã “đổ bộ” được vào những thị trường sách khó tính như Mỹ, Anh, Pháp, Đức... Trước đây không ít nhà văn có cái mặc cảm về “tiếng Việt cô đơn”, dần dần, tình trạng có thực này đang được cải thiện khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới phẳng, đặc biệt về phương diện văn hóa. Đó là một dấu hiệu văn hóa lạc quan.

Quy luật tre già măng mọc trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có văn học nghệ thuật - được coi là ngành sản xuất tinh thần - cũng là cơ hội và lý do để công chúng có quyền hy vọng thiêng liêng. Năm 2017, Bộ VHTTDL đã xét duyệt Đề án Đào tạo tài năng sáng tác văn học (cơ quan thực thi là Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, địa chỉ cụ thể là Khoa Viết văn - Báo chí, được triển khai từ niên học 2019-2020). Hội Nhà văn Việt Nam đang đặc biệt quan tâm đến sáng tác trẻ, dành cho họ nhiều điều kiện và cơ hội thi thố tài năng. Nhân lực vật lực luôn là hai yếu tố song hành trong mọi ngành sản xuất của xã hội.

Niềm hy vọng thiêng liêng của công chúng về tác phẩm văn học nghệ thuật lớn, có thể là áp lực với văn nghệ sĩ, cũng có thể là điều kiện kích hoạt tinh thần vượt khó, sáng tạo của người hoạt động văn hóa. Không có lý do nào để chúng ta hoàn toàn bi quan, chùn bước trước cái gọi là “hội chứng tác phẩm lớn” như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã từng lo lắng. 

 Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top