Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

28 Tháng Ba 2024

Dấu ấn văn hóa dân tộc trong tác phẩm điện ảnh

Thứ Tư 27/10/2021 | 11:01 GMT+7

VHO- Dường như đã thành một câu cửa miệng mỗi khi ai đó nói đến nhiệm vụ chức năng của điện ảnh, rằng điện ảnh là phương tiện truyền tải, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc đến các thế hệ công dân Việt Nam cũng như thế giới, từ đó góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc và xây dựng nền văn hóa dân tộc trong sự biến động không ngừng của hiện thực xã hội.

Phim "Chung một dòng sông"- bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam

 Để một bộ phim ghi được dấu ấn mạnh mẽ trong các liên hoan phim quốc tế, thì trước hết, căn cước văn hóa của nó phải rõ ràng. Bởi chính căn cước văn hóa ấy mới xác lập được giá trị độc nhất vô nhị của tác phẩm, khiến nó khác biệt với hàng ngàn tác phẩm của các quốc gia khác, dù nó thể hiện đời sống xã hội của dân tộc quốc gia ấy ở thời quá khứ hay đương đại, thậm chí viễn tưởng. Với khán giả trong nước, dấu ấn văn hóa dân tộc trong tác phẩm điện ảnh có giá trị đánh thức gene văn hóa dân tộc trong chính họ nếu có lúc tưởng như đã lặn mất, giúp cho lòng tự tôn, tự trọng dân tộc trỗi dậy, từ đó điều chỉnh những hành xử văn hóa cộng đồng theo hướng tích cực.

Phim "Cánh đồng hoang"- Bộ phim  đạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1980, giải đặc biệt Liên đoàn báo chí Điện ảnh Quốc tế (1980), Huy chương Vàng Liên hoan phim Quốc tế Moskva 1981 và một số giải thưởng khác

Nhưng làm thế nào để điện ảnh thực hiện được chức năng và nhiệm vụ ấy?

Có hai mặt của vấn đề chưa bao giờ được thảo luận rốt ráo trong hệ thống cơ quan chức năng quản lý ngành cũng như trong giới làm nghề. Một là: Thế nào là bản sắc văn hóa dân tộc? Hai là: Nên làm gì để dấu ấn văn hóa dân tộc trong các tác phẩm điện ảnh trở thành một tiêu chí kích thích sáng tạo không ngừng của nghệ sĩ?

Tôn vinh những nét bản sắc

Về khái niệm Bản sắc văn hóa dân tộc (VHDT), phải thừa nhận rằng, khái niệm này thực sự có nội hàm rất rộng, đôi lúc có thể khiến mỗi người hiểu một cách, gây nhiễu loạn nhận thức.

Theo người viết bài này, có thể hiểu khái quát bản sắc VHDT chính là cách mà dân tộc ấy ứng xử trước mọi tình huống của đời sống. Từ việc lớn đến việc nhỏ. Việc lớn như chiến tranh. Việt Nam là quốc gia nhỏ bé mà lịch sử hình thành với những mốc lớn của những cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng cũng không ở đâu tinh thần hoà hiếu lại đậm đến thế trong cách hành xử của từ chính quyền đến thứ dân. Ở quá khứ, chúng ta đã thắng những kẻ xâm lược mạnh hơn gấp ngàn lần, nhưng chưa bao giờ truy cùng diệt tận đối phương, không lấy báo thù làm căn cứ thoả mãn dân tộc… mà luôn sẵn sàng gác lại quá khứ, bắt tay hoà hiếu để duy trì hoà bình trong điều kiện lòng tự tôn dân tộc được bảo toàn. Đó là cách mà chúng ta đã làm (ba lần thắng Nguyên Mông) và đang làm hôm nay với các quốc gia từng xâm lược Việt Nam như Pháp, Nhật, Mỹ… Vậy, tinh thần hoà hiếu chính là bản sắc VHDT mang tính truyền thống, không phải nhất thời.

Phim "Bao giờ cho đến tháng Mười " , được bình chọn là một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Ngày 15 tháng 9 năm 2008, CNN đánh giá "Bao giờ cho đến tháng Mười" là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. 

Với những việc nhỏ, người xưa từng nói: Người Việt khác các dân tộc khác ở chỗ không bao giờ giải quyết các quan hệ xã hội theo cách “tận cùng kỳ lý” mà thường dựa trên “cái tình” để hướng tới một xã hội hài hoà. Đây là một trong những bản sắc VHDT có thể thấy hiện diện hằng ngày trong đời sống. Nhưng đó cũng có thể là con dao hai lưỡi. Nó có thể khiến một sự cố khốc liệt được giải quyết mềm mại đầy nhân văn, hoặc ngược lại, nó có thể khiến một chuyện rắc rối, thậm chí vi phạm pháp luật, vi hiến… bị xoá nhoà đúng sai chỉ vì một chữ Tình.

Như vậy, bản sắc VHDT hiểu theo nguyên nghĩa có thể khiến cho chúng ta thăng hoa, nhưng cũng có thể kéo trì sự phát triển xã hội. Nhiệm vụ của Điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung là bóc tách, tôn vinh những nét bản sắc có lợi cho sự phát triển xã hội theo hướng tích cực và phê phán những “yếu tố bản sắc” có thể trở thành vật cản cho sự phát triển ấy. Vẫn biết không có gì là bất biến, kể cả bản sắc VHDT. Mặc dầu vậy, những gì là căn cốt VHDT sẽ vẫn trường tồn, nó chỉ hiện diện dưới những hình thức khác nhau, ở mức độ khác nhau tùy từng thời điểm mà thôi. Nhiệm vụ của nghệ thuật Điện ảnh là trong bất cứ tình huống nào cũng nên khai thác hiện thực dưới góc nhìn của tinh thần tôn vinh văn hóa dân tộc mình, và dù có phê phán mặt nào đó cũng là để định hướng, điều chỉnh xã hội, khiến cho khán giả nhận ra rằng, dù thế nào, con người nói chung cũng sẽ tìm được một đường thoát cho số phận vật chất và tinh thần của mình. Đó cũng là một cách “chữa lành” cho con người vốn rất dễ tổn thương. Khi làm được điều này thì bản sắc VHDT đã thực sự hợp lưu cùng tư tưởng nhân ái của nhân loại.

Cần tri thức và tình yêu với văn hóa dân tộc

 

Phim "Con chim vành khuyên", được trao Giải đặc biệt dành cho phim ngắn của Ban Giám khảo LHP Karlovy Vary năm 1962 và giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần II, 1973.

Về giải pháp làm thế nào để các tác phẩm điện ảnh Việt có được dấu ấn của bản sắc VHDT một cách xứng đáng, người viết bài này cho rằng cũng có hai mặt của vấn đề.

Trước hết, Vvề phía các cơ quan quản lý ngành. Điện ảnh điều chỉnh xã hội bằng tác phẩm, và các tác phẩm điện ảnh lại được định hướng bằng các liên hoan phim trong nước và quốc tế. Đã rất nhiều lần, cơ quan quản lý ngành bao gồm cả cơ quan chức năng lẫn Hội Điện ảnh tổ chức các hội thảo... Đâu đó chạm tới vấn đề tôn vinh bản sắc VHDT, thậm chí nội dung này thường xuyên trở thành một phần trong các slogan (hay khẩu hiệu) của các liên hoan phim. Tuy nhiên, chưa bao giờ các LHP đặt ra một giải thưởng cho yếu tố văn hóa dân tộc trong các phim, vốn luôn được biểu hiện ở nhiều yếu tố trong một tác phẩm điện ảnh. Từ những ứng xử tình huống của nhân vật đến bối cảnh, trang phục… mang đậm tinh thần dân tộc đều không được nêu danh và tôn vinh trong một giải thưởng được gọi tên một cách đúng đắn. Rất nhiều họa sĩ đã có giải trong hạng mục Thiết kế bối cảnh hoặc Trang phục phim. Nhưng gọi tên là giải “Tôn vinh bản sắc VHDT” thì chưa bao giờ có. Cũng như vậy, một tình huống ứng xử xuất sắc thể hiện đúng tinh thần dân tộc trong phim cũng chưa bao giờ được tôn vinh như một giải thưởng độc lập. Như vậy, cả về quản lý lẫn sự tưởng thưởng của các liên hoan phim đều chưa bao giờ hướng sự chú ý tới yếu tố dân tộc một cách đúng đắn và quyết liệt.

 Bộ phim "Mùa len trâu" của Việt Nam giành giải Đặc biệt LHP Amazonas - Brazil, Giải thưởng lớn LHP Amiens - Pháp, Giải đặc biệt LHP Lorcano - Thụy Sĩ và giải Đạo diễn xuất sắc nhất LHP Chicago - Mỹ

Mặt khác, về phía người sáng tác thì có thể dễ dàng nhận thấy trong các bộ phim đương đại gần đây, không nhiều lắm các tác giả phim có chủ trương rõ ràng trong việc thể hiện hoặc tôn vinh bản sắc VHDT ở mức độ cần thiết. Nguyên nhân chính là ở phần lớn các nhà làm phim trẻ, trong khi mải chạy theo sự “kỳ hóa” cho tác phẩm của mình có thể gây ấn tượng với một bộ phận khán giả hoặc với các liên hoan phim quốc tế, thì việc chú tâm tìm hiểu, thâm nhập sâu vào bản sắc VHDT là việc làm khiến họ phải mất nhiều công sức, không “tiện lợi” trong tư duy. Việc không đắm mình vào những hoạt động xã hội mang đậm bản sắc VHDT, đồng thời không truy tìm ký ức dân tộc thông qua sách vở và tư liệu lịch sử… khiến các nhà làm phim khó có thể có cái nhìn đúng đắn và sâu sắc xuất phát từ tình yêu dân tộc của chính mình. Thực tế là có nhiều biên kịch và đạo diễn trẻ gần như trống rỗng về tri thức VHDT. Những ký ức dân tộc được truyền tải từ ca dao, dân ca, từ những lời ru hay truyền thuyết, huyền thoại của lịch sử VHDT gần như không hiện diện trong tư duy của họ. Vậy là sự trống rỗng này sẽ dẫn họ đi tìm sự “kỳ hóa” cho tác phẩm mà có thể lạc đường, vô tình xoá hẳn căn cước văn hóa trong tác phẩm của mình.

Có thể nói, muốn tôn vinh văn hóa dân tộc, muốn tinh thần ấy trở thành yếu tố khởi thuỷ, đồng thời là điểm tựa cho mọi sáng tác văn học nghệ thuật thì cần có sự cộng hưởng từ cả hai phía: Nhà quản lý VHNT và bản thân các nhà sáng tác. Phía nào cũng cần có tri thức và tình yêu thực sự với VHDT của mình. Nếu không, mãi mãi khái niệm Bản sắc VHDT sẽ chỉ nằm trên các khẩu hiệu mà thôi.

Nhà biên kịch TRỊNH THANH NHÃ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top