"Sinh ra..." chưa "tỏa sáng"

"Sinh ra..." chưa "tỏa sáng"

VH- Không phải tự nhiên người xưa có câu “xấu che, tốt khoe”. Cái xấu, cái dở càng không nên làm dụng cụ để tạo sự chú ý hay gây cười cho người khác. Thế nhưng nó lại đang được các gameshow truyền hình khai thác triệt để. Nhiều chương trình dùng cái dở của thí sinh, nghệ sĩ… để câu khách sống sượng.

Chương trình “Sinh ra để tỏa sáng” đang phát sóng trên VTV3 mỗi tối cuối tuần khiến người xem phát nản vì những sở đoản của nghệ sĩ. Không giấu cái dở, cái dốt, không thuộc sở trường của mình, các nghệ sĩ tham gia chương trình tạo sự hoang mang cho người xem truyền hình. Sự hoán đổi rock-cải lương, cải lương-tình ca; hài- nhảy; lực sĩ-nhảy… xem ra không phù hợp.
Trước đây, người mẫu Phi Thanh Vân đã từng khiến người nghe “nổi da gà” vì giọng hát của mình qua ca khúc Làn da nâu. Đến mức cô bị liệt vào danh sách “thảm họa” âm nhạc. Một lần nữa, trong “Sinh ra để tỏa sáng”, Phi Thanh Vân nghiễm nhiên trở thành “ca sĩ”, khiến người nghe không khỏi hoảng hốt về sở đoản của cô. Chọn lựa dòng nhạc dân ca để tham gia chương trình, các tiết mục của cô như: Ngồi tựa mạn thuyền; Lý cây đa… đều khiến người nghe phải nhăn mặt...
Tương tự, khán giả đã quen với giọng ca mạnh mẽ của Siu Black qua các ca khúc Tây Nguyên, nay nhìn chị cố gắng để thể hiện sở đoản của mình là cải lương thật là tội nghiệp. Hơn nữa, chị lại chọn thể hiện trích đoạn kinh điển Thái hậu Dương Vân Nga để thể hiện. Ngay cả huấn luyện viên mà chương trình chọn cho chị Siu cũng có vẻ khiên cưỡng với giọng ca còn non nớt như bé Gia Nguyên.
Trong phần thi của mình, nghệ sĩ Lê Giang đã phải gồng mình thực hiện cho xong tiết mục Tự nguyện. Gương mặt không cảm xúc và có vẻ “đuối” vì dòng nhạc không thuộc sở trường của nghệ sĩ hài, cải lương…
Dù với mục đích, lý do gì đi nữa thì những gì đang diễn ra ở chương trình này chỉ khiến khán giả cảm thấy nản và tiếc nuối. Tiếc cho những nghệ sĩ phải diễn “vai hài” để tạo tiếng cười, để câu view cho nhà sản xuất. Dù những tiết mục của họ xứng đáng liệt kê vào danh sách “thảm họa”.
Có lẽ vì vậy mà những gương mặt giám khảo cũng được lựa chọn không ăn nhập gì với “sở đoản” của thí sinh. Khi ca sĩ, biên đạo múa và nghệ sĩ hài ngồi nhận xét thí sinh hát cải lương thì trách sao được những lời nhận xét hời hợt và thiếu chuyên môn.
Trước đây ở một số chương trình, cuộc thi như “Giọng ải, giọng ai”; “Thần tượng âm nhạc”… cũng đã mang những “sở đoản” của thí sinh để gây sự chú ý hoặc tạo tiếng cười. Đáng nói ở đây là những “sở đoản” này lại bị lạm dụng quá mức khiến nó thành nhảm nhí. Các thí sinh ở vai trò “mồi câu” các chương trình tạo ra để tạo hiệu ứng của sự chú ý.
Xem ra những mục đích, ý nghĩa mà nhà sản xuất đang cố tạo ra cho “Sinh ra để tỏa sáng” đã thất bại. Dù sở đoản hay sở trường nếu làm quá đều phản tác dụng. Huống chi, nó lại được xây dựng và gượng ép vào những mục đích “mua vui” rẻ tiền? 


Mai Linh

Ý kiến bạn đọc