Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

29 Tháng Ba 2024

Tranh Hàng Trống đi vào đời sống

Thứ Sáu 12/01/2018 | 10:35 GMT+7

VH- “Mong muốn giá trị thẩm mỹ, yếu tố tinh thần của tranh Hàng Trống sẽ đi vào đời sống của người dân và có sức sống, tính cuốn hút của riêng mình, đặc biệt trong thời đại của công nghiệp và công nghệ số thì tranh dân gian cần được biến đổi sang dạng thức phù hợp để có thể phát triển, thích nghi với cuộc sống hiện tại”, đó là điều mà bạn Trịnh Thu Trang và nhóm S River đã làm được và đang giới thiệu tại triển lãm tranh dân gian Hàng Trống “Những điều xưa cũ mới mẻ”.

 “Đôi giày vàng” đặt cạnh bức tranh Trê Cóc kiện đòi con là sản phẩm được giới trẻ rất yêu thích

 Những điều xưa cũ khoác lên mình tấm áo mới mẻ

Triển lãm tranh dân gian Hàng Trống với chủ đề “Những điều xưa cũ mới mẻ” do nhóm S River (nhóm thực hiện dự án Họa Sắc Việt) do nhà thiết kế Trịnh Thu Trang, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội sáng lập đang diễn ra tại 115 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Triển lãm trưng bày các tác phẩm tranh Hàng Trống tiêu biểu cho 3 đề tài: tranh Tết, tranh thờ và tranh thế sự. Qua các tác phẩm trưng bày tại triển lãm, người xem thấy được màu sắc trong tranh Hàng Trống có những nét riêng rất đặc thù so với các dòng tranh dân gian khác. Có lẽ do được vẽ tay nên màu sắc trong tranh Hàng Trống cũng rực rỡ, phóng khoáng hơn dù chỉ có sáu màu cơ bản. Ngoài những màu làm từ tự nhiên, nghệ nhân còn sáng tạo màu mới bằng phẩm màu. Hai màu đặc trưng của tranh Hàng Trống chính là xanh da trời và hồng điều. Màu phẩm đó đã làm nên một thần thái riêng. Các màu tươi khác như đỏ, cam, vàng thư, xanh lá cây… cũng được vận dụng, kết hợp tài tình với hệ thống nét đen của màu tự nhiên lấy từ than lá tre ủ kỹ, khiến cho các tác phẩm tranh Hàng Trống vô cùng rực rỡ cuốn hút nhưng cũng không kém phần tao nhã, tinh tế.

Bên cạnh các tác phẩm tranh Hàng Trống tiêu biểu là một khu trưng bày các họa tiết cổ chắt lọc từ dòng tranh này, họa tiết sáng tạo ứng dụng trong các lĩnh vực thiết kế đương đại và một số sản phẩm có sử dụng họa tiết, màu sắc (cổ và có nhiều sáng tạo). Ví như, nhóm thiết kế của S River sử dụng những họa tiết trong bức Canh nông vi bản của tranh Hàng Trống để đưa lên bao bì của sản phẩm. Những họa tiết và màu sắc tươi vui của một vụ mùa rộn ràng với người nông dân, con trâu, cái cày, gánh lúa… góp phần giới thiệu những giá trị tinh thần và giá trị văn hóa thuần Việt đến bạn bè quốc tế. Hay hình Đôi giày vàng đặt cạnh bức tranh Trê Cóc kiện đòi con là sản phẩm giả định thú vị do một số thành viên 9X của S River thực hiện, lấy cảm hứng từ họa tiết, bảng màu của một số bức tranh Hàng Trống.

Bạn Trịnh Văn Công, sinh viên năm cuối Trường Đại học Kiến trúc HN, thành viên của nhóm S River cho biết, từ bức tranh Trê Cóc kiện đòi con hàm chứa ý nghĩa châm biếm sâu xa, và một thành viên của nhóm nhận thấy hình vẽ các loài cá, cua, tôm… đang “hùng hổ” tham gia vào vụ kiện gay cấn được nghệ nhân xưa thể hiện đầy sôi động, ngộ nghĩnh nên có tiềm năng ứng dụng trên thiết kế quần áo, giày của giới trẻ. Vì thế, các bạn trong nhóm đã dựng bản mô phỏng đôi giày hình các loài cá, tôm, cua trên nền màu vàng tươi - 1 trong 6 màu cơ bản của dòng tranh Hàng Trống tạo nên tính trẻ trung hơn cho Đôi giày vàng... “Khi đăng ảnh Đôi giày vàng đặt cạnh bức tranh Trê Cóc kiện đòi con lên fanpage của Họa Sắc Việt, thú vị là có vài bạn trẻ tưởng đây là sản phẩm công nghiệp thật, nên hỏi đôi giày này bán ở đâu để tới mua? Qua đó phần nào thể hiện sản phẩm mô phỏng của S River lấy cảm hứng từ họa tiết bảng màu tiêu biểu của tranh Hàng Trống có tính ứng dụng cao trong đời sống đương đại”, bạn Công vui mừng chia sẻ.

Truyền cảm hứng về tranh Hàng Trống tới bạn trẻ

Dưới con mắt của người thiết kế, Trịnh Thu Trang nhận ra tiềm năng ứng dụng rất lớn vào thiết kế đồ họa của tranh Hàng Trống nói riêng và mỹ thuật dân gian Việt Nam nói chung. Việc số hóa họa tiết, bảng màu để ứng dụng vào thiết kế đồ họa, nội thất, thủ công mỹ nghệ, thời trang sẽ mang nghệ thuật truyền thống đến với mọi người ở mọi lứa tuổi và ngành nghề.

“Từ dự án số hóa những họa tiết, bảng màu tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống để sáng tạo thành thiết kế đồ họa đương đại mang yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam, tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng cho người trẻ để họ có thể bắt đầu một dự án cá nhân có liên quan hoặc được lấy cảm hứng từ mỹ thuật dân gian Việt Nam – một kho tàng tư liệu văn hóa đồ sộ, quý giá và đáng trân trọng. Mỗi người chúng ta như một giọt nước, nhiều giọt nước cùng bên nhau và đi về một hướng sẽ tạo thành một dòng chảy. Nếu như chúng ta cảm thấy lĩnh vực nào của Việt Nam chưa sánh được với quốc tế, ta hãy đi tìm xem mình có bỏ sót điều gì không? Nếu thực sự không có gì như ta mong đợi thì chúng ta hãy bắt đầu khơi dòng và khởi tạo. Đó là tinh thần của S River, và cũng là điều chúng tôi muốn gửi tới các bạn trẻ”, bạn Thu Trang bày tỏ.

Cụ thể hơn, dự án là một cách tiếp cận mới về việc duy trì, bảo tồn những giá trị truyền thống. S River không cố gắng bê nguyên chúng đặt vào thực tại, không cố níu kéo những điều thuộc về lịch sử mà chắt lọc những chất liệu dân gian có tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại, vào công việc hiện tại của những người thiết kế đồ họa, những nhà thiết kế thời trang, nội thất hay giới nghệ thuật khác. Đó là cách S River thực hiện với mong muốn những giá trị dân gian xưa “sống lại”, ở bất cứ đâu trong đời sống đều có thể dễ dàng bắt gặp.

“Chúng tôi lựa chọn một vài chi tiết, họa tiết, hình ảnh, bảng màu ưng ý từ một hoặc vài ba bức tranh rồi sáng tạo, tưởng tượng, sắp xếp, phối trộn chúng trở thành giá trị thẩm mỹ mới, đặt trong bối cảnh mới, mang sứ mệnh mới và có khả năng ứng dụng vào thiết kế. Song tôi luôn khẳng định, tất cả những sản phẩm mới mà chúng tôi sáng tạo ra đều có nguồn gốc từ tranh dân gian Hàng Trống. Từ đó, tôi mong muốn sản phẩm đồ họa đó góp phần quảng bá trở lại dòng tranh Hàng Trống như là một cách bảo tồn dòng tranh của người dân Hà thành xưa và Hà Nội ngày nay”, Thu Trang nhấn mạnh.

 ​Nhóm S River được thành lập đầu năm 2017 quy tụ các thành viên trẻ (nhiều bạn mới ngoài 20 tuổi) có cùng cảm hứng để cùng biên soạn cuốn sách Họa Sắc Việt với hy vọng dần dần xây dựng bộ sách chuyên về nghiên cứu và ứng dụng các họa tiết và màu sắc dân gian Việt Nam vào mỹ thuật ứng dụng đương đại. Tranh Hàng Trống là dòng tranh đầu tiên mà Trang và cộng sự nghiên cứu và cuốn sách đầu tiên với chủ đề “Họa Sắc Việt từ tranh Hàng Trống” dự kiến sẽ phát hành vào tháng 3.2018.

Thanh Ngọc

 

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top