“Không lẽ những người làm sân khấu cứ phải ngồi chờ...?”

“Không lẽ những người làm sân khấu cứ phải ngồi chờ...?”

VH- Dựng những vở kịch kinh điển luôn là thách thức đối với các nhà hát, các đạo diễn và ê kíp sáng tạo. Với đạo diễn, NSND Anh Tú cùng nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam cũng vậy khi dựng các vở kịch kinh điển gần đây như Hamlet, Lão hà tiện, Romeo và Juliet... Thách thức không chỉ vì những kịch bản đó là kiệt tác của thế giới mà còn là thách thức trong hành trình đi tìm khán giả. Đạo diễn, NSND Anh Tú cho biết:

- Đúng là dựng kịch kinh điển trong thời điểm hiện tại là chưa phù hợp vì khán giả vẫn chưa mặn mà với sân khấu, cơ sở vật chất của Nhà hát còn nghèo nàn, kinh phí đầu tư thấp... Nhưng không lẽ những người làm sân khấu cứ phải ngồi chờ đầy đủ mọi điều kiện mới dựng kịch bản kinh điển? Ban giám đốc cũng như hội đồng nghệ thuật của Nhà hát chúng tôi đều thống nhất với chủ trương đã là một nhà hát mang tầm vóc thương hiệu lớn của sân khấu kịch nói quốc gia như Nhà hát Kịch VN thì dứt khoát cần phải có những vở kinh điển trong dàn kịch mục để công chúng VN có cơ hội thưởng thức những kiệt tác hay của nền sân khấu thế giới và cũng để nghệ sĩ VN hội nhập toàn cầu.
Trên thực tế đã có một số tác phẩm kinh điển được một số nhà hát dàn dựng trên sân khấu kịch, và công diễn chỉ một đôi lần rồi lặng lẽ “xếp kho” bởi rất nhiều nguyên nhân. Nhà hát Kịch VN và những vở diễn kinh điển do đạo diễn dàn dựng có bị rơi vào tình trạng này không?
- Những người làm nghề cũng đã xác định những vở kịch kinh điển thế giới rất kén khán giả, cạnh đó nó lại đòi hỏi sự đầu tư lớn về kinh phí cũng như ê kíp dàn dựng có nghề, dàn diễn viên thực sự tài năng... Nếu không thể đáp ứng được những yếu tố như vậy thì việc tác phẩm ra đời nhanh chóng bị “xếp kho” sẽ xảy ra. Nhưng tôi khẳng định những tác phẩm kinh điển gần đây của Nhà hát Kịch VN kể cả của thế giới hay của VN không hề rơi vào tình trạng... “ế”. Đành rằng khán giả hiện nay không còn mặn mà háo hức đến với sân khấu kịch nói chung và đặc biệt là kịch kinh điển thế giới. Vì vậy muốn có “đầu ra” cho tác phẩm kinh điển sẽ phải có cách đi riêng. Ví dụ như vở Hamlet đã được “xuất ngoại” lưu diễn tại Singapore bằng nguồn vốn xã hội hóa nhân dịp hưởng ứng sự kiện Năm Shakespeare và sự thành công đã được khán giả và dư luận quốc tế đánh giá tốt. Khi ra mắt vở Hamlet, Nhà hát Kịch VN cũng đã từng tạo bất ngờ khi đưa ra giá vé 1 triệu. Chúng tôi đều biết là vé bán sẽ không được nhiều, nhưng cái đích chúng tôi là muốn tạo sự chú ý của dư luận về một tác phẩm kinh điển hay và khẳng định chất lượng của tác phẩm. Năm 2017 này vở Kiều của nhà hát đã có hàng chục đêm diễn phục vụ khán giả trẻ là học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội. Chúng tôi rất mừng khi nhận được sự hồi âm của các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên khi được xem trực tiếp tác phẩm kinh điển trên sân khấu kịch hấp dẫn, sinh động hơn là chỉ đọc qua sách.
Trong danh sách đợt biểu diễn các vở kịch chất lượng cao với tên gọi “Những vở kịch còn mãi với thời gian” của Bộ VHTTDL lựa chọn có hai vở kịch kinh điển của Nhà hát Kịch VN là Hamlet và Kiều, ông nghĩ gì về việc kịch kinh điển được diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội?
- Diễn tại Nhà hát Lớn là một cơ hội quảng bá thương hiệu, chúng tôi đang phải tính tới tạo điểm diễn thường xuyên cho kịch kinh điển ngay tại nhà hát của mình. Có thể mỗi tháng chỉ diễn một đến hai suất thôi nhưng sẽ được tổ chức thường xuyên để khán giả yêu mến mong muốn xem các kiệt tác sân khấu thế giới có thể tìm đến. Việc dựng và diễn thường xuyên các tác phẩm kinh điển thế giới không những khẳng định thương hiệu và vị thế của nhà hát mà còn giúp ê kíp sáng tạo cũng như diễn viên của nhà hát được nâng tầm lên rất nhiều.


Thúy Hiền
thực hiện

Ý kiến bạn đọc