"Mình còn yêu nữa là khán giả"

"Mình còn yêu nữa là khán giả"

VH- Cuộc thi tài năng diễn viên trẻ sân khấu Tuồng, Chèo năm 2017 đã để lại nhiều ấn tượng đối với những người làm nghề cũng như công chúng khán giả yêu nghệ thuật ở thành phố Thanh Hóa. Phía sau những tiết mục dự thi lấp lánh với huy chương Vàng, huy chương Bạc là những giọt mồ hôi và nước mắt của nghệ sĩ...

Giám khảo ấn tượng đến từng vai diễn
Tại cuộc thi Tài năng diễn viên trẻ sân khấu Tuồng, Chèo năm 2017, PGS. TS Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận định: “Hội đồng giám khảo rất mừng khi lực lượng nghệ sĩ trẻ của sân khấu Tuồng, Chèo đã xuất hiện không ít những tài năng trẻ hội tụ các yếu tố Thanh - Sắc - Thục - Tinh - Khí - Thần. Chính vì thế mà hội đồng giám khảo quả đã rất lúng túng khi phải lựa chọn theo barem tỷ lệ huy chương”.
Số lượng thí sinh dự thi đông đồng nghĩa với việc giám khảo cũng sẽ phải ngồi liên tiếp hai buổi sáng và tối xem các phần thi. Vậy mà khi hỏi về các tiết mục tại cuộc thi vị nào cũng kể rành rọt phân tích từng cái hay, cái được của diễn viên và thậm chí cả cái dở của cả những diễn viên không đoạt giải. Rồi tấm tắc: “Cái cậu diễn viên của Nhà hát Chèo VN diễn vai phù thủy sao mà duyên thế, mình còn yêu nữa là khán giả”, “Cái cô đào ở Đoàn Chèo Thanh Hóa ấy có thanh lại có sắc, của hiếm đấy”... Quả thực với số lượng không vượt quá 35% tổng số diễn viên tham dự cuộc thi giống như tỷ lệ giải cho các cuộc thi khác khiến diễn viên trẻ có phần thiệt thòi. Nhất là với những cuộc thi tài năng trẻ nghệ thuật truyền thống rất khó khăn mới đào tạo và có được thì số lượng giải cần mở hơn nữa giúp cho tài năng trẻ có bệ phóng bằng sự công nhận tài năng đang hé lộ, giúp họ có thêm động lực để tiếp tục gắn bó và cống hiến.
Khi lửa nghề đã… ngấm

Tối 14.8, tại Nhà hát Lam Sơn, Thanh Hóa, Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, Sở VHTTDL Thanh Hóa tổ chức đã chính thức bế mạc sau chín ngày diễn ra sôi nổi. Cuộc thi thu hút 93 tài năng trẻ đến từ 19 đơn vị nghệ thuật sân khấu tuồng, chèo chuyên nghiệp trong cả nước dự thi với 88 trích đoạn, trong đó có 52 trích đoạn chèo và 36 trích đoạn tuồng. Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 23 huy chương Vàng và 20 huy chương Bạc cho các diễn viên xuất sắc nhất. Giải Diễn viên trẻ triển vọng được trao cho hai thí sinh.

Thật cảm động khi nhìn hình ảnh cặp vợ chồng hai nghệ sĩ lão thành: Tác giả tuồng Ngọc Quang và NSƯT Mai Lan (nguyên Trưởng đoàn Đoàn Tuồng Thanh Hóa) chậm rãi bước từng bước vào rạp để xem hầu hết những chương trình dự thi của diễn viên trẻ tuồng. Cặp nghệ sĩ này đã sinh ra những tên tuổi sáng giá cho sân khấu phía Bắc: NSND Vương Hà (Nhà hát Cải lương VN), nghệ sĩ Vương Hải (Đoàn Cải lương Thanh Hóa), Vương Huỳnh (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn). Nghỉ hưu đã hơn 20 năm nhưng sự nhiệt huyết với nghề luôn thường trực trong con người đó là lý do NSƯT Mai Lan và chồng bà không bỏ sót một buổi diễn tuồng mới nào diễn ở Thanh Hóa. Nhìn nhận về trình độ lớp diễn viên trẻ tại cuộc thi, NSƯT Mai Lan nói: “Chúng tôi rất mừng vì các đơn vị nghệ thuật truyền thống đã có được những diễn viên trẻ rất có năng lực và triển vọng. Tôi vô cùng ấn tượng với chương trình và các trích đoạn của các diễn viên trẻ Nhà hát Tuồng VN. Các em được cả thanh và sắc, đồng thời có trình độ chuyên môn rất vững vàng cả về ca hát và diễn xuất. Thực sự ngọn lửa nghề diễn đã ngấm vào họ".
Và nỗi lòng người trẻ...
Có nhiều cặp vợ chồng nghệ sĩ cùng làm trong một nhà hát, một đơn vị cùng tham gia dự thi lần này. Nhà hát Tuồng có hai cặp vợ chồng, đó là Ngọc Cường và Bảo Hường, Phạm Ngọc Quân và Nguyễn Thị Dung. Người được trao HCV, người được trao HCB và có người ra về không có huy chương... nhưng rõ ràng sự có mặt cùng đứng trên sân khấu để dự thi đã là một sự nỗ lực vô cùng lớn của họ. Thật cảm động khi chứng kiến Tài năng trẻ sân khấu Lộc Huyền bụng mang dạ chửa nhưng cũng không bỏ sót một buổi diễn nào của đơn vị và của cả các đồng nghiệp. Ai cũng biết đằng sau tấm HCB mà nghệ sĩ trẻ Vũ Mạnh Linh giành được tại cuộc thi có không ít những cổ vũ, động viên chia sẻ của người vợ trẻ tài năng Lộc Huyền.
Làng tuồng cũng chia sẻ niềm vui với cặp vợ chồng nghệ sĩ trẻ Phạm Ngọc Quân và Nguyễn Thị Dung, Quân được trao HCV với số điểm thi cao nhất và Dung được HCB. Hai vợ chồng tài năng trẻ này hiện đang sống ở phòng tập thể mượn tạm của Nhà hát Tuồng VN cũng giống vợ chồng nghệ sĩ Lộc Huyền và nhiều nghệ sĩ trẻ khác trong đơn vị. Phạm Ngọc Quân chia sẻ: “Vì nhược điểm giọng hát không được tốt nên em rất ít khi được giao vai chính ở nhà hát. Được sự ủng hộ của Ban giám đốc và các anh chị ở nhà hát em mới mạnh dạn đăng ký đi thi. Vai diễn Kim Lân trong trích đoạn Kim Lân dự thi, cá nhân em thấy rất khó, thậm chí vượt quá khả năng của mình. Rất may là các thầy, các nghệ sĩ tên tuổi của Nhà hát đã dốc sức cùng em tập luyện rất kỹ em mới bỏ được những mặc cảm tự ti về khả năng của mình. Tấm HCV đạt được khiến cá nhân em vô cùng bất ngờ và đây cũng là động lực giúp em tự tin hơn trên sân khấu”.
Phát hiện được tài năng trẻ đã khó, nhưng để tài năng phát triển được lại phụ thuộc rất nhiều vào cách nhìn nhận về vấn đề đầu tư cho công tác đào tạo diễn viên trẻ. Có rất nhiều giải pháp đã được thực thi để khuyến khích các tài năng trẻ gắn bó với nghệ thuật, như miễn giảm học phí, tạo cơ hội biểu diễn, giao lưu... Tuy nhiên, với một ngành đặc thù như nghệ thuật Tuồng, Chèo cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt hơn, để có thể thu hút người trẻ và tạo bệ đỡ vững vàng cho những tài năng phát lộ.

 

Chủ trương đã có nhưng cần phải có luật để đưa vào thực hiện

Nghệ sĩ sân khấu truyền thống Tuồng, Chèo đang đứng trước hàng loạt những bất cập về chế độ, chính sách đưa ra nhưng vẫn chưa được thực hiện bởi vì nhiều đơn vị, nghệ sĩ phải phụ thuộc vào ngân sách địa phương. Địa phương nào quan tâm thì đời sống nghệ sĩ và hoạt động của đơn vị nghệ thuật được phát triển, địa phương nào không quan tâm thì đơn vị và nghệ sĩ sẽ bị thiệt thòi. Cần phải có luật để bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể truyền thống trong đó có các loại hình nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo chứ không thể làm tuỳ hứng như hiện nay. Cả nước chỉ có 7 đoàn tuồng và gần 20 đoàn nghệ thuật chèo, mỗi đơn vị bình quân có khoảng 50 người. Số lượng những người làm nghệ thuật truyền thống đâu có nhiều so với các ngành nghề khác. Với nghệ thuật, việc đào tạo vô cùng khó khăn vậy tại sao nhà nước không thể có một chế độ lương bổng cũng như đầu tư để gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc cho nền nghệ thuật nước nhà?” (NSND LÊ TIẾN THỌ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN)

 

Thúy Hiền

Ý kiến bạn đọc